15:33 | 23/03/2025
Từ đồng minh thân cận nhất, quan hệ Canada - Mỹ xấu đi dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng đã áp mức thuế 25% với thép và nhôm Canada, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế toàn diện lên mọi sản phẩm nhập khẩu từ Canada cũng như tất cả các đối tác thương mại của Mỹ từ ngày 2/4. Ông Trump còn nhiều lần đề xuất Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ để tránh bị chịu đòn thuế, thậm chí dọa sẽ dùng sức ép kinh tế với nước láng giềng. Trong bối cảnh đó, Ottawa buộc phải hành động nhanh chóng để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và đa dạng hóa thương mại.
Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày 21/3, Thủ tướng Carney cho biết Canada có thể bù đắp tác động của bất kỳ mức thuế quan nào của Mỹ bằng cách xóa bỏ các rào cản thương mại nội địa và thúc đẩy tự do thương mại trong nước. Ông đặt mục tiêu đến ngày 1/7, chính phủ sẽ thông qua một dự luật nhằm bảo đảm hàng hóa được lưu thông trên toàn quốc mà không gặp trở ngại từ các quy định liên bang.
![]() |
Thủ tướng Canada Mark Carney. (Ảnh: Reuters) |
Chính phủ Canada cũng sẽ triển khai hàng loạt biện pháp cải cách để thúc đẩy đầu tư và giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ, gồm: Phát triển “chiến lược hành lang thương mại và năng lượng quốc gia” cho giao thông vận tải, năng lượng, khoáng sản quan trọng và kết nối kỹ thuật số; Loại bỏ tất cả các miễn trừ liên bang theo Hiệp định thương mại tự do Canada; Trình một dự luật mới vào ngày 1/7 nhằm xóa bỏ các rào cản liên bang đối với hoạt động thương mại hàng hóa giữa các tỉnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ Canada cũng sẽ bãi bỏ các hạn chế về di chuyển lao động đối với các công việc do liên bang quản lý và loại bỏ yêu cầu chồng chéo của liên bang bằng cách công nhận đánh giá của các tỉnh đối với các dự án lớn.
“Đối với mỗi dự án, chỉ cần một lần thẩm định”, ông Carney tuyên bố, đồng thời cam kết sẽ thiết lập cái mà ông gọi là “quy trình phê duyệt một cửa”.
Các biện pháp mới cũng bao gồm quỹ “dặm đầu tiên” (first-mile) để phát triển mạng lưới truyền tải và giao thông, giúp kết nối các khu khai thác tài nguyên thiên nhiên với hệ thống đường sắt và đường bộ hiện có. Ngoài ra, Canada sẽ tăng gấp đôi quy mô chương trình bảo lãnh vay trong nước lên mức 10 tỷ CAD.
Chính phủ nước này thông báo sẽ làm việc với các tỉnh và nhóm người bản địa để xác định “các dự án có ý nghĩa quốc gia” nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng nhanh hơn.
Ngoài các biện pháp cải cách hành chính, ông Carney tuyên bố rằng chính phủ nước này sẽ tạm thời cho phép doanh nghiệp hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế tiêu dùng. Biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ ngày 2/4 đến 30/6.
Canada cũng sẽ triển khai một cơ chế tài trợ mới của chính phủ, giúp những người lao động bị ảnh hưởng tiếp cận một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn với các chương trình hỗ trợ.
“Nhìn chung, những biện pháp này sẽ giúp ích cho người lao động của chúng ta, giúp duy trì hoạt động kinh doanh của chúng ta và bảo vệ nền kinh tế của chúng ta trong giai đoạn này của cuộc chiến thương mại. Chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng không phải do chính chúng ta tạo ra”, ông Carney phát biểu.
Bộ trưởng Công nghiệp Anita Anand đã công bố khoản hỗ trợ 450 triệu CAD (314 triệu USD) trong vòng 5 năm dành cho các cơ quan phát triển khu vực nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Canada đang chủ động mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác ngoài khu vực Bắc Mỹ. Sau khi nhậm chức, ông Carney đã tới Pháp, Anh trong chuyến công du đầu tiên, gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Phát biểu với báo giới ngày 17/3 sau khi kết thúc hội đàm với người đồng cấp Anh Keir Starmer, Thủ tướng Carney nói đất nước của ông cần tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Âu, đồng thời cố gắng duy trì quan hệ tích cực với Mỹ.
Canada cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong những tháng gần đây, Canada đã ký kết thỏa thuận thương mại với Indonesia và Ecuador, đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
![]() |
Hãng bia lâu đời nhất Canada - Moosehead Breweries - ra mắt thùng bia khổng lồ với 1.461 lon, đủ để uống mỗi ngày trong nhiệm kỳ bốn năm của ông Trump. (Ảnh: Moosehead Breweries) |
Không dừng lại ở đó, trước áp lực từ các thuế quan nhập khẩu của Mỹ đã có hiệu lực cùng với nguy cơ sắp bị chính thức áp dụng từ ngày 2/4, Canada đã áp đặt các biện pháp trả đũa nhắm vào một số hàng hóa của Mỹ.
Đầu tháng 2/2025, sau khi ông Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu với toàn bộ hàng hóa Canada, Mexico (có hiệu lực từ 4/3), Canada lập tức đáp trả bằng việc áp thuế 25% với 30 tỷ CAD hàng Mỹ. Tổng cộng 1.256 sản phẩm bị ảnh hưởng gồm nước cam, bơ lạc, rượu vang, bia, cà phê, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, xe máy, mỹ phẩm, bột gỗ và giấy.
Nhưng vài ngày sau, Mỹ thông báo hoãn thuế với xe hơi và các sản phẩm được quy định trong Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) thêm gần một tháng. Canada vì thế cũng hoãn kế hoạch trả đũa giai đoạn 2 với 125 tỷ CAD hàng Mỹ.
Ngày 11/3, ông Trump cho biết đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính nâng gấp đôi thuế nhập khẩu với nhôm, thép Canada lên 50%, nhằm đáp trả việc tỉnh Ontario áp thuế 25% với điện xuất khẩu sang Mỹ từ ngày 10/3. Tuy nhiên, vài giờ sau, quyết định được rút lại khi thủ hiến Ontario nói sẽ tạm dừng việc phụ thu giá điện. Cũng hôm 11/3, ông Trump còn đe dọa "tăng đáng kể" thuế nhập khẩu với xe hơi vào Mỹ kể từ ngày 2/4 nếu Canada không bãi bỏ "các loại thuế nhập khẩu quá đáng khác".
Ngày 13/3, Canada tuyên bố áp mức thuế đối ứng 25% nhắm vào các sản phẩm thép của Mỹ trị giá 8,8 tỷ USD, các sản phẩm nhôm trị giá 2 tỷ USD và các mặt hàng nhập khẩu khác của nước này, trong đó có máy tính và thiết bị thể thao.
Chỉ đàm phán nếu Mỹ tôn trọng chủ quyềnPhát biểu khi gặp gỡ các lãnh đạo cấp tỉnh ở thủ đô Ottawa ngày 21/3, Thủ tướng Mark Carney khẳng định các cuộc thảo luận thương mại với Mỹ sẽ chỉ diễn ra khi chủ quyền của Canada được tôn trọng. "Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại từ hành động thương mại của họ, đó là một trong những lý do khiến tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có những cuộc thảo luận với sự tôn trọng và phạm vi phù hợp", ông nói. Từ khi nhậm chức ngày 14/3, ông Carney chưa có bất kỳ cuộc điện đàm nào với Tổng thống Trump. Ông cho biết chỉ sẵn sàng đối thoại khi Mỹ chấp nhận đàm phán toàn diện về thương mại và an ninh, thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp thuế quan ngắn hạn. |
Phan Anh