EU trấn áp Big Tech: Liệu ông Trump có tung "đòn thuế quan" đáp trả?

14:41 | 20/03/2025

Một loạt quyết định nhắm vào Big Tech (các hãng công nghệ lớn) của Mỹ như Apple, Meta và Google có thể mở ra một “mặt trận” mới trong cuộc chiến thương mại Liên minh Châu Âu (EU) - Mỹ.
Chính sách thuế quan của Mỹ và bài học đắt giá cho các nước trên thế giới
Đòn thuế của ông Trump có đẩy nhanh quá trình giảm phụ thuộc vào đồng USD?

Áp lực đối với Apple và Google

Ngày 19/3, Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã cáo buộc Apple và Alphabet - công ty mẹ của Google vi phạm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU.

EU trấn áp Big Tech: Liệu ông Trump có tung
Ngày 19/3, Liên minh châu Âu cáo buộc Google và Apple vi phạm quy định chống độc quyền theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số. (Ảnh: Reuters)

Theo quy định, vi phạm DMA có thể khiến các công ty bị phạt 10% doanh thu toàn cầu, hoặc 20% nếu tái phạm. Dựa trên doanh thu năm 2024 của Apple là 391 tỷ USD (301 tỷ bảng Anh), mức phạt tối đa có thể lên tới gần 80 tỷ USD.

DMA là một đạo luật của châu Âu nhằm ngăn chặn các nền tảng trực tuyến lớn kết nối người tiêu dùng với nội dung, hàng hóa và dịch vụ lạm dụng sức mạnh thị trường của họ.

Với việc đặt ra một loạt quy định cấm và nghĩa vụ đối với các công ty công nghệ có vị thế nổi trội trên thị trường, EU tin rằng sẽ làm thay đổi cách hoạt động kinh doanh của các công ty này tại EU. DMA được kỳ vọng bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn trong toàn bộ hệ sinh thái kỹ thuật số toàn khối.

Theo kết quả sơ bộ của EC, công cụ tìm kiếm của Google ưu tiên hiển thị các kết quả dẫn đến các dịch vụ của Alphabet hơn là của các đối thủ, vi phạm yêu cầu đối xử với các dịch vụ bên thứ ba một cách "minh bạch, công bằng và không phân biệt đối xử".

Ngoài ra, EC cũng tuyên bố rằng Google Play, cửa hàng ứng dụng của Google, ngăn cản các nhà phát triển hướng người tiêu dùng đến các kênh khác nơi có thể có những ưu đãi tốt hơn.

Cùng ngày, EC đã gửi hướng dẫn sơ bộ tới Apple, yêu cầu Apple mở hệ điều hành iOS cho các thiết bị của bên thứ ba, bao gồm smartphone và tai nghe để tuân thủ nghĩa vụ liên quan đến khả năng tương tác theo DMA. Điều này sẽ cho phép sản phẩm bên thứ ba tích hợp sâu và liền mạch với hệ sinh thái Apple, tạo cơ hội phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng châu Âu.

Ngày 19/3, người phát ngôn của Apple cho biết: “Các quyết định hôm nay trói buộc chúng tôi trong các thủ tục hành chính phức tạp, làm chậm khả năng đổi mới của Apple dành cho người dùng tại châu Âu và buộc chúng tôi phải cung cấp các tính năng mới miễn phí cho các công ty không tuân theo cùng một quy tắc”.

Oliver Bethell, Giám đốc cấp cao về cạnh tranh của Google, viết trong một bài đăng trên blog: “Những phát hiện của Ủy ban buộc chúng tôi phải thực hiện nhiều thay đổi hơn về cách hiển thị một số loại kết quả tìm kiếm nhất định. Điều này sẽ khiến người dùng khó tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm hơn và làm giảm lưu lượng truy cập đến các doanh nghiệp châu Âu”.

Trong khi đó, Teresa Ribera, người phụ trách cạnh tranh của EU, khẳng định mọi công ty hoạt động tại châu Âu đều phải tuân thủ các quy định của EU, bao gồm DMA. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi đơn giản chỉ đang thực thi luật pháp”.

Chính quyền Trump sẽ đáp trả thế nào?

Tuần tới, EU dự kiến công bố một loạt quyết định quan trọng liên quan đến các Big Tech như Apple, Meta và Google, khi một số cuộc điều tra sắp đi đến hồi kết. Theo Financial Times, động thái này phản ánh lập trường cứng rắn của EU trong việc thực thi DMA, bất chấp nguy cơ bị chính quyền ông Trump trả đũa.

EU trấn áp Big Tech: Liệu ông Trump có tung "đòn thuế quan" đáp trả?
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào từ EU nhằm vào Big Tech đều có thể khiến Tổng thống Trump nổi giận. Politico nhận định rằng Trump đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, khi ông từng ca ngợi Apple là “một công ty tuyệt vời” và chỉ trích DMA là hành vi “tống tiền” nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ.

Trước đó, ngày 21/2, Tổng thống Trump đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng mức thuế mới và các biện pháp "đáp trả" nhằm chống lại những quy định của chính phủ nước ngoài được cho là gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp Mỹ. Ý tưởng này đã chính thức được hiện thực hóa qua bản ghi nhớ mang tên "Bảo vệ các công ty và nhà đổi mới Mỹ khỏi sự tống tiền và các khoản phạt không công bằng từ nước ngoài".

Bản ghi nhớ "Bảo vệ các công ty và nhà đổi mới Mỹ khỏi sự tống tiền và các khoản phạt không công bằng từ nước ngoài" nhắm đến các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) mà các quốc gia như Pháp, Áo, Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh đã áp dụng, được cho là ảnh hưởng không cân xứng đến các công ty công nghệ Mỹ.

Bản ghi nhớ chỉ đạo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) xem xét việc khôi phục các cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 đối với các DST này và áp dụng các biện pháp đáp trả, bao gồm cả việc áp thuế quan, để bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Trước đây, thuế quan chủ yếu được Trump áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước như ngành thép, nhôm, hoặc để ngăn chặn dòng chảy ma túy bất hợp pháp. Lần này, thuế quan được mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số. Chính quyền Trump lập luận rằng các quy định của nước ngoài đang vi phạm “chủ quyền” của Mỹ, đồng thời làm tăng chi phí tuân thủ đối với các công ty công nghệ Mỹ.

Hiện tại, các công ty Mỹ vẫn đang thống lĩnh thị trường kỹ thuật số toàn cầu, nhưng bản ghi nhớ của ông Trump dường như nhắm thẳng vào những nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập các quy định mà Mỹ chưa từng áp dụng. Trước viễn cảnh này, EU đã tuyên bố sẽ “đáp trả nhanh chóng và dứt khoát” nếu chính quyền Trump áp đặt các biện pháp “vô lý” nhằm vào chính sách kỹ thuật số của họ. Brussels thậm chí có thể viện đến Công cụ chống áp bức (ACI) để áp đặt các biện pháp thương mại, đầu tư hoặc chính sách khác nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

CEO Meta Mark Zuckerberg từng thừa nhận rằng cách duy nhất để các công ty công nghệ Mỹ “chống lại xu hướng toàn cầu này” là dựa vào sự hỗ trợ từ chính phủ. Với đề xuất thuế quan mới, chính quyền Trump, vốn đã từng khởi xướng nhiều cuộc chiến thương mại truyền thống, nay đang thúc đẩy một cuộc chiến thương mại kiểu mới, lần này là để bảo vệ lợi ích của Thung lũng Silicon.

Thương chiến Trump 2.0: đồng minh Mỹ tìm lối đi riêng? Thương chiến Trump 2.0: đồng minh Mỹ tìm lối đi riêng?
Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ tác động đến đối thủ mà còn khiến các đồng minh của Washington phải tìm hướng đi riêng. Theo giới chuyên gia, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và các khối kinh tế lớn khác.
Những quốc gia Những quốc gia "chờ thời" trước thuế quan của Mỹ
Khi EU và Canada đáp trả mạnh mẽ trước đòn thuế quan của Mỹ, một số quốc gia như Anh, Mexico, Úc... lại chọn con đường thận trọng hơn: đàm phán thay vì đối đầu. Chiến lược này giúp họ tránh được căng thẳng thương mại leo thang, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi phải đối phó với một chính quyền Mỹ sẵn sàng dùng thuế quan làm đòn bẩy trong đàm phán.

Thu Phượng (Theo Brookings, Politico, The Guardian)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/eu-tran-ap-big-tech-lieu-ong-trump-co-tung-don-thue-quan-dap-tra-211528.html

In bài viết