Doanh nghiệp Mỹ trong "cơn bão" thuế quan

11:22 | 15/03/2025

Bối rối trước những thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump, một số doanh nghiệp Mỹ đã giảm đơn đặt hàng hoặc tạm hoãn kế hoạch đầu tư.
Tăng thuế nhôm, thép: nước cờ bảo hộ hay "con dao hai lưỡi" cho kinh tế Mỹ?
Thương chiến Mỹ - Trung: Bắc Kinh phản đòn với chiến thuật mới

Những ngày "bối rối" của doanh nghiệp Mỹ

Từ ngôi nhà của mình ở thành phố Phoenix (bang Arizona), Erica Campbell, 36 tuổi, chủ doanh nghiệp chuyên bán vật phẩm Công giáo đang chờ chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc cập bến. Các thùng hàng đã được xếp vào container trước khi Tổng thống Donald Trump áp thuế mới 10% lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 1/2. Cô cho rằng có thể mình đã tránh được khoản thuế bổ sung, nhưng vẫn lo lắng về các đợt thuế quan mới trong tương lai.

“Tôi không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi đang ở trạng thái cảnh giác cao độ,” Campbell nói.

Việc ông Trump áp thuế vào Trung Quốc đã đưa hàng triệu doanh nghiệp nhỏ của Mỹ vào tình trạng hỗn loạn. Trong nhiều thập kỷ qua, các công ty Mỹ đã thiết kế sản phẩm tại Mỹ và nhờ vào các nhà máy Trung Quốc để sản xuất hàng hóa một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Đó là cách Apple sản xuất iPhone, và cũng là cách Campbell, một người mẹ ba con, điều hành doanh nghiệp có doanh thu 2 triệu USD/năm ngay từ căn bếp của mình.

Tàu hàng chất đầy container tại cảng Oakland giữa căng thẳng thương mại do Mỹ tăng mức thuế quan. Ảnh: Reuters.
Tàu hàng chất đầy container tại cảng Oakland, California giữa căng thẳng thương mại do Mỹ tăng mức thuế quan. (Ảnh: Reuters)

“Máy móc tốt nhất, tay nghề giỏi nhất, khả năng sản xuất hàng chất lượng với giá hợp lý đều nằm ở Trung Quốc,” Bill Keefe, đồng sáng lập thương hiệu thời trang ngủ cao cấp Julianna Rae, cho biết. Ngay cả khi có ý định chuyển sản xuất về Mỹ, nhiều công ty gặp phải vấn đề lớn: không tìm được nhà máy phù hợp.

Chris Miksovsky, chủ công ty Humangear chuyên sản xuất đồ du lịch và dã ngoại, đã thử tìm kiếm đối tác sản xuất tại Mỹ. Anh gửi email cho sáu công ty, nhưng bốn công ty không hồi âm. Hai công ty còn lại đặt rất nhiều câu hỏi, trong đó một công ty đột ngột biến mất, còn công ty kia trả lời muộn mà không kèm theo báo giá.

“Áp thuế để đưa việc làm trở lại Mỹ nghe có vẻ hợp lý, nhưng phải đảm bảo rằng Mỹ đủ năng lực sản xuất, và quan trọng hơn là có đủ doanh nghiệp thực sự quan tâm để làm điều đó,” Miksovsky nói.

Một số doanh nghiệp đã chuyển sản xuất sang Mexico để tránh thuế quan từ nhiệm kỳ đầu của Trump, nhưng nay lại đứng trước nguy cơ bị áp thuế hai lần: một lần với nguyên liệu đầu vào (thép và nhôm nhập khẩu), một lần với hàng thành phẩm khi nhập vào Mỹ.

Shawn Ernst, chủ doanh nghiệp Snap Supply chuyên sản xuất linh kiện sửa chữa thiết bị gia dụng, cho biết, có thể giá một linh kiện lò nướng 23 USD sẽ sớm tăng lên 31 USD. Nếu tăng giá quá nhiều, ông lo ngại công ty mình sẽ mất lợi thế cạnh tranh trước các nhà cung cấp Trung Quốc bán hàng trực tiếp trên Amazon.

Theo The New York Times, nhật báo này đã nhận phản hồi từ gần 100 công ty nhập khẩu, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, về tác động của thuế quan.

Theo đó, một số vấn đề chung mà doanh nghiệp Mỹ đang gặp phải trước làn sóng thuế quan là:

- Các doanh nghiệp Mỹ, chứ không phải các nhà cung cấp Trung Quốc, mới là bên gánh chịu chi phí thuế quan.

- Nhiều công ty buộc phải tăng giá để bù đắp chi phí phát sinh.

- Không ít doanh nghiệp rơi vào trạng thái "tê liệt", không dám lên kế hoạch lâu dài do sự bất ổn về chính sách.

- Việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc là một quá trình tốn kém, mất thời gian và không phải lúc nào cũng khả thi.

Sự bất định về chính sách thuế quan

Trump tuyên bố mức thuế 10% chỉ là “phát súng mở màn”. Trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông từng cam kết sẽ nâng thuế lên tới 60%.

Theo AP, "cuộc chiến thương mại" trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Trump được cho là gây lo ngại cho giới kinh doanh. Thuế nhập khẩu diện rộng hơn được áp lên Canada, Mexico và Trung Quốc chỉ bằng một sắc lệnh. Ngoài ra, ông Trump còn định áp thuế đối ứng với các quốc gia có mức thuế nhập khẩu cao hơn của Mỹ.

Xe tải nằm im tại bãi đỗ ở ngoại ô Ciudad Juarez (Mexico) ngày 5/3 khi doanh nghiệp Mexico tạm ngừng xuất khẩu sang Mỹ, chờ thuế quan được dỡ bỏ. Ảnh: Reuters.
Xe tải chở hàng nằm im tại bãi đỗ ở ngoại ô Ciudad Juarez (Mexico) ngày 5/3 khi doanh nghiệp Mexico tạm ngừng xuất khẩu sang Mỹ, chờ thuế quan được dỡ bỏ. (Ảnh: Reuters)

Gregory Husisian, luật sư thương mại tại công ty luật Foley & Lardner cho hay công ty ông sẽ không tiến hành bất kỳ khoản đầu tư nào cho đến khi mọi chuyện rõ ràng. "Ít nhất trong nhiệm kỳ đầu của Trump, các doanh nghiệp còn biết luật chơi là gì. Còn bây giờ, họ không biết mình đang chơi cờ tỷ phú hay cờ ca-rô", ông mô tả.

Theo Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Don Beyer của bang Virginia, Tổng thống đang khiến cả lục địa Bắc Mỹ quay cuồng. "Hiện có những doanh nghiệp không biết liệu mặt hàng họ giao dịch có chịu thuế hay không", Don Beyer nói.

Thuế quan gây tổn hại kinh tế một phần vì chúng do nhà nhập khẩu chi trả. Chi phí này thường được chuyển sang cho người tiêu dùng, làm tăng áp lực lạm phát. Ngoài ra, thuế quan còn kéo theo các biện pháp trả đũa từ đối tác thương mại, gây thiệt hại cho tất cả nền kinh tế liên quan.

Thiệt hại kinh tế còn làm phức tạp các quyết định kinh doanh. Sự bất định này có thể khiến các doanh nghiệp trì hoãn hoặc hủy bỏ các khoản đầu tư - động lực thúc đẩy tăng trưởng, theo Eswar Prasad, nhà kinh tế tại Đại học Cornell.

Chiến thuật thuế quan của Mỹ có thể định hình lại thương mại toàn cầu Chiến thuật thuế quan của Mỹ có thể định hình lại thương mại toàn cầu
Tổng thống Trump coi thuế quan là "công cụ" để tăng doanh thu, khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại và gây sức ép để các quốc gia khác phải hành động theo các mối quan ngại của Mỹ.
Cách Mexico ứng phó với thuế quan của Mỹ Cách Mexico ứng phó với thuế quan của Mỹ
Trước sức ép thuế quan từ Mỹ, Tổng thống Mexico đã khéo léo xoay chuyển tình thế bằng chiến lược ngoại giao linh hoạt. Từ cuộc điện đàm căng thẳng với Tổng thống Trump đến kế hoạch triển khai quân đội biên giới, Mexico đã tránh được sức ép thuế quan, đồng thời giữ vững quan hệ thương mại song phương.

Thu Phượng (Theo AP, The New York Times)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/doanh-nghiep-my-trong-con-bao-thue-quan-211249.html

In bài viết