Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền của phạm nhân trong trại giam

10:33 | 29/12/2024

Kể từ khi trở thành thành viên Công ước chống tra tấn (CAT), Việt Nam đã khẳng định cam kết mạnh mẽ thông qua việc triển khai các biện pháp tổng thể nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền không bị tra tấn của phạm nhân trong hệ thống trại giam. Những nỗ lực này đã đạt được kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc xá: khởi đầu mới cho những người từng lầm lỡ
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Giáo dục giúp phạm nhân dễ dàng tái hoà nhập cộng đồng

Hiện thực hóa quyền lợi phạm nhân trong mọi khía cạnh

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng việc cụ thể hóa chính sách bảo vệ quyền lợi của phạm nhân thông qua các khung pháp lý, đặc biệt là Luật Thi hành án hình sự 2019. Bộ luật này đã dành riêng một chương (Chương III, gồm 55 điều) quy định chi tiết về các chế độ giam giữ, giáo dục, ăn, ở, chăm sóc y tế dành cho phạm nhân, bao gồm cả phạm nhân là người chưa thành niên.

Ngoài ra, còn có một số quy định như: Luật Đặc xá năm 2018, Nghị định 133/2020, Nghị định 118/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 tạo cơ sở pháp lý trong công tác thi hành hành hình sự, xử lý vi phạm hành chính, đề cao chính sách khoan hồng của Đảng và nhà nước ta đối với người phạm tội, chống bức cung, nhục hình trong quá trình chấp hành án.

Các thông tư và văn bản hướng dẫn chi tiết từ Bộ Công an cũng bảo đảm tính minh bạch, dân chủ trong việc thực hiện chế độ dành cho phạm nhân. Ví dụ: chế độ gặp thân nhân, nhận quà, liên lạc điện thoại; tiêu chuẩn định mức trang thiết bị y tế trong trại giam; thông tư hướng dẫn xếp loại thi đua, xét giảm án, tạm đình chỉ án phạt tù.

Quá trình chấp hành án luôn được giám sát bởi các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương như: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng Nhân dân các cấp… bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và được trả công theo quy định của luật Thi hành án hình sự. (Ảnh: Báo Dân Trí)
Phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và được trả công theo quy định của luật Thi hành án hình sự. (Ảnh: Báo Dân Trí)

Việc đối xử nhân đạo với phạm nhân không chỉ thể hiện ở lời cam kết mà còn được hiện thực hóa qua từng chính sách, quy định cụ thể. Những khía cạnh thiết yếu như chế độ ăn, mặc, ở; chăm sóc y tế; và tổ chức lao động, giáo dục được quản lý chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cơ bản và nhân phẩm của phạm nhân trong thời gian thi hành án.

Theo đó, mỗi phạm nhân đều được bảo đảm định lượng dinh dưỡng hàng ngày, phù hợp với yêu cầu sức khỏe và loại hình lao động. Thực đơn được xây dựng khoa học, có sự kiểm tra định kỳ để đáp ứng nhu cầu năng lượng, đặc biệt đối với phạm nhân tham gia lao động nặng nhọc, khối lượng dinh dưỡng được tăng cường để phù hợp với mức tiêu hao năng lượng. Chẳng hạn, thực đơn bổ sung thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và các nguồn thực phẩm tươi sạch theo mùa. Phạm nhân được cấp phát quần áo, chăn màn phù hợp với thời tiết địa phương, đảm bảo giữ ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Ngoài ra, điều kiện ăn, ngủ tại các khu giam giữ được vệ sinh thường xuyên, góp phần duy trì môi trường sống lành mạnh và giảm thiểu nguy cơ bệnh tật.

Chính sách y tế dành cho phạm nhân được triển khai toàn diện và chi tiết. Mỗi phạm nhân đều được kiểm tra sức khỏe tối thiểu 6 tháng/lần. Đối với các trường hợp đặc biệt như phạm nhân nữ mang thai, người cao tuổi hoặc có bệnh nền, việc khám chữa bệnh được ưu tiên và thường xuyên hơn. Khi gặp vấn đề sức khỏe vượt quá khả năng y tế của trại giam, phạm nhân sẽ được chuyển viện điều trị tại các cơ sở y tế địa phương. Mọi chi phí điều trị tại đây đều được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn, đảm bảo không có bất kỳ ai bị bỏ rơi trong vấn đề sức khỏe.

Đồng thời, sức khỏe tinh thần của phạm nhân cũng được chú trọng. Các chương trình tư vấn tâm lý, hỗ trợ tinh thần được tổ chức định kỳ nhằm giảm bớt áp lực, giúp phạm nhân ổn định trạng thái tinh thần trong thời gian chấp hành án.

Hoạt động lao động trong trại giam không chỉ nhằm mục đích cải tạo phạm nhân mà còn là cách thức giúp họ phát triển kỹ năng nghề nghiệp, từ đó dễ dàng hòa nhập khi mãn hạn tù. Công việc được phân loại theo sức khỏe, độ tuổi và năng lực cá nhân. Các ngành nghề phổ biến gồm: may mặc, chế biến nông sản, chăn nuôi, làm mộc. Những công việc này không chỉ giúp phạm nhân có thêm thu nhập mà còn tạo nền tảng cho cuộc sống sau khi ra tù.

Tất cả phạm nhân đều được học tập về quyền con người, pháp luật, kỹ năng sống. Nhiều phạm nhân chưa biết chữ còn được tham gia các lớp xóa mù chữ ngay trong trại giam. Các hoạt động văn hóa, thể thao như bóng đá, bóng chuyền, đọc sách, tổ chức hội thi tài năng được khuyến khích nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho phạm nhân. Đáng chú ý, một số trại giam xây dựng thư viện với nhiều tài liệu pháp luật, kỹ năng mềm và sách văn học, nghệ thuật... để phạm nhân tự học.

Những chính sách trên không chỉ góp phần đảm bảo nhân quyền theo đúng chuẩn mực quốc tế mà còn thể hiện bản chất nhân đạo, khoan dung của hệ thống pháp luật Việt Nam. Chúng tạo điều kiện cho phạm nhân nhận thức được lỗi lầm, cải tạo bản thân và chuẩn bị hành trang vững chắc cho hành trình tái hòa nhập xã hội.

Khuyến nghị bảo đảm tốt hơn quyền của phạm nhân tại Việt Nam

Để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung, quyền của phạm nhân nói riêng và đặc biệt là phù hợp với Công ước chống tra tấn và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các chuyên gia khuyến nghị 5 nội dung sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người; đưa các quy định về quyền con người vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, cải cách hành chính; mở rộng, tăng cường dân chủ ở cơ sở. Phát huy mạnh mẽ những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, bảo đảm ngày càng tốt hơn và thúc đẩy quyền con người trên tất cả các lĩnh vực.

Hai là, đổi mới tư duy, chủ động mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quyền con người, nhất là thông tin, tuyên truyền về những thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Thường xuyên mở lớp tập huấn về quyền con người cho cán bộ làm công tác quản lý trại giam, để nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền của phạm nhân.

Ba là, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người gắn với nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế. Tăng cường đối thoại để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng và những sự hiểu biết khác nhau giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Bốn là, thông qua công tác tuyên truyền nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và phạm nhân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Bộ Công an về công tác thi hành án hình sự trong đó có công tác giáo dục người lầm lỗi để giúp các đối tượng này trở thành người lương thiện, có ích cho gia đình, xã hội và đề cao tính nhân văn đối với phạm nhân góp phần phản bác, đấu tranh với các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với phạm nhân, qua đó giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thân nhân phạm nhân thấy rõ được chính sách nhân đạo của Đảng, nhà nước ta, góp phần tích cực vào công tác quản lý, giáo dục cải tạo người phạm tội.

Năm là, nghiên cứu biên soạn, phát hành và cung cấp tài liệu, ấn phẩm, sách chuyên khảo về quyền con người cho cán bộ chiến sĩ, phạm nhân tại trại giam để nghiên cứu, tham khảo.

4 điều kiện được đề nghị đặc xá năm 2024 4 điều kiện được đề nghị đặc xá năm 2024
Công tác đặc xá năm 2024: bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng Công tác đặc xá năm 2024: bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng

Phan Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-ton-trong-va-bao-dam-quyen-cua-pham-nhan-trong-trai-giam-209103.html

In bài viết