Đến năm 2045, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ chiếm 65 - 70% trong tổng năng lượng sơ cấp

12:26 | 04/03/2024

Theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp sẽ chiếm 15 - 20% vào năm 2030 và 65 - 70% vào năm 2045.
Công suất năng lượng tái tạo trên thế giới tăng 50% trong năm 2023
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong 3 lĩnh vực quan trọng
Đến năm 2045, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ chiếm 65 - 70% trong tổng năng lượng sơ cấp
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược nêu rõ quan điểm phát triển năng lượng Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải lấy bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra yêu cầu ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Cùng với đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện. Phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.

Cụ thể, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu phải đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 170 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 260 - 280 triệu TOE. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và 65 - 70% năm 2045.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 180 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 400 - 420 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 250 - 280 kgOE/1.000 USD GDP.

Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu xăng dầu cả nước; phấn đấu mức dự trữ xăng dầu đạt 75 - 80 ngày nhập ròng sau năm 2030. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 15 - 20 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 10 - 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 - 10% vào năm 2030 và khoảng 14 - 20% vào năm 2045.

Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 - 35% vào năm 2030, lên mức 70 - 80% vào năm 2045.

Cũng theo Quyết định 215/QĐ-TTg, Việt Nam sẽ phát triển 4 phân ngành năng lượng gồm: Phân ngành dầu khí, phân ngành công nghiệp than, phân ngành điện, phân ngành năng lượng mới và tái tạo.

Riêng với phân ngành năng lượng mới và tái tạo, chiến lược định hướng khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.

Đồng thời, khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu. Nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới...

Công suất năng lượng tái tạo trên thế giới tăng 50% trong năm 2023 Công suất năng lượng tái tạo trên thế giới tăng 50% trong năm 2023
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong 3 lĩnh vực quan trọng Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong 3 lĩnh vực quan trọng

Hà Thu

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/den-nam-2045-ty-trong-nang-luong-tai-tao-se-chiem-65-70-trong-tong-nang-luong-so-cap-197354.html

In bài viết