Ngoại giao đa phương: Tiếp tục đổi mới tư duy, tham mưu kịp thời, chuẩn xác

19:29 | 25/01/2024

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới cả về tư duy lẫn hành động; chú trọng công tác dự báo, tham mưu kịp thời, tỉnh táo, chuẩn xác trong triển khai ngoại giao đa phương.
Năm 2023, Việt Nam để lại nhiều dấu ấn ngoại giao tại các diễn đàn đa phương Năm 2023, Việt Nam để lại nhiều dấu ấn ngoại giao tại các diễn đàn đa phương
Cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò tại các diễn đàn đa phương Cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò tại các diễn đàn đa phương
Ngoại giao đa phương: Tiếp tục đổi mới tư duy, tham mưu kịp thời, chuẩn xác
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới cả về tư duy lẫn hành động; chú trọng công tác dự báo, tham mưu kịp thời, tỉnh táo, chuẩn xác trong triển khai ngoại giao đa phương - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ngày 25/1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Cùng dự hội nghị có có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Chỉ thị 25 là bước đột phá trong công tác đối ngoại đa phương, khi lần đầu tiên Đảng có một văn kiện mang tính định hướng cho cả hệ thống chính trị về những chủ trương, mục tiêu và biện pháp lâu dài, toàn diện, nhằm đưa công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong hơn 5 năm triển khai, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Chỉ thị 25 đã góp phần đem lại những thành quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, như bảo đảm hòa bình, an ninh, thúc đẩy phát triển và phát huy vị thế của Việt Nam tại các thể chế đa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận quan trọng rà soát tình hình triển khai Chỉ thị 25 trong 5 năm qua; thống nhất đánh giá tổng thể về cục diện, tình hình, cơ hội, thách thức đặt ra đối với đối ngoại đa phương; phương hướng, biện pháp triển khai trong thời gian tới nhằm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đối ngoại đa phương, cũng như cách thức nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các trụ cột đối ngoại.

Các đại biểu đều nhận định, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, tác động sâu sắc tới đời sống quốc tế và chủ nghĩa đa phương, việc triển khai công tác đối ngoại đa phương và Chỉ thị 25 thời gian qua đã góp phần quan trọng đề cao vị thế đất nước, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, xử lý các khó khăn, phức tạp về quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội và tranh thủ hiệu quả nguồn lực, tiến bộ quốc tế cho công cuộc phát triển đất nước.

Các đại biểu đánh giá cao sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân đã góp phần nâng cao hiệu quả tổng thể của công tác đối ngoại đa phương.

Ngoại giao đa phương: Tiếp tục đổi mới tư duy, tham mưu kịp thời, chuẩn xác
Phó Thủ tướng và các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, công tác đối ngoại tiếp tục là "điểm sáng đầy ấn tượng" trong những thành tựu chung của đất nước trong năm qua và đánh giá cao những thành tựu, nỗ lực của các ban, bộ, ngành và địa phương thời gian qua trong việc triển khai một cách sáng tạo, toàn diện và đồng bộ Chỉ thị 25 trên tất cả các trụ cột đối ngoại.

Phó Thủ tướng cho rằng, có được kết quả này là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và trực tiếp tham gia của lãnh đạo cấp cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các ban, bộ, ngành, địa phương.

Điểm lại những dấu ấn nổi bật của ngoại giao đa phương trong 5 năm qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã thực sự "chủ động", có đóng góp "rất tích cực" và quan trọng hơn Việt Nam nhận được "sự tin cậy" của bạn bè quốc tế.

Ngoại giao đa phương đã thể hiện được năng lực điều hành và dẫn dắt, nổi bật là khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA năm 2021 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đóng góp quan trọng trong những vấn đề quốc tế.

Dù điều kiện còn khó khăn, Việt Nam cũng đã có sự hiện diện trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc và đạt được những kết quả "rất đáng khích lệ", được bạn bè quốc tế trân trọng, cảm ơn và tôn vinh.

Ngoại giao đa phương cũng đã giúp xử lý thoả đáng những vấn đề phức tạp, vừa thể hiện cách ứng xử rất đàng hoàng, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời giúp tranh thủ được nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.

Ngoại giao đa phương: Tiếp tục đổi mới tư duy, tham mưu kịp thời, chuẩn xác
Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ của ngoại giao trong thời gian tới rất nặng nề do yêu cầu bên ngoài cũng như yêu cầu đối với sự phát triển của đất nước mỗi ngày một cao hơn, khó hơn.

Phát huy kết quả đã đạt được, cũng như xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Phó Thủ tướng gợi mở cần tăng cường đổi mới cả về tư duy lẫn hành động; chú trọng công tác dự báo, tham mưu kịp thời, tỉnh táo, chuẩn xác; có tâm thế tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả hơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao đa phương, thể hiện rõ nét dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế, phù hợp với ưu tiên và nguồn lực của đất nước.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh mối quan hệ bổ trợ, gắn kết mật thiết, hữu cơ giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương, trong đó hợp tác song phương là nguồn sức mạnh cho đa phương và đối ngoại đa phương tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu.

Phó Thủ tướng chỉ đạo cần củng cố cơ chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong ngoại giao đa phương; rà soát, hoàn thiện và bảo đảm hài hoà các khuôn khổ pháp lý, chính sách trong nước; đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực kế cận tâm huyết, sẵn sàng dấn thân vì lợi ích quốc gia dân tộc; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền.

Thắng lợi mới cho các nỗ lực ngoại giao và chủ nghĩa đa phương Thắng lợi mới cho các nỗ lực ngoại giao và chủ nghĩa đa phương
Vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế: Nhìn từ Geneva - Vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế: Nhìn từ Geneva - "trái tim" ngoại giao đa phương và quản trị toàn cầu

Theo Baochinhphu.vn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ngoai-giao-da-phuong-tiep-tuc-doi-moi-tu-duy-tham-muu-kip-thoi-chuan-xac-196072.html

In bài viết