"Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ": Diễn đàn học thuật của các nhà khoa học trong nước và quốc tế

16:17 | 07/08/2023

Ngày 7/8, tại Bình Định, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ". Gần 200 nhà khoa học, các diễn giả quốc tế tham dự Hội nghị.
Nơi kết nối khoa học Việt Nam với thế giới
Trung tâm ICISE là cầu nối đưa các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam

Hội nghị cung cấp một diễn đàn học thuật để trao đổi và hợp tác khoa học trong lĩnh vực vật lý hạt cơ bản, vật lý năng lượng cao và thiên văn học. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả trẻ từ Việt Nam, châu Á - Thái Bình Dương và các vùng khác trên thế giới chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận về các tiến bộ mới nhất trong các ngành khoa học này.

Phát biểu khai mạc, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam cho biết đây là hội nghị đặc biệt vì nó đánh dấu chặng đường 30 năm thành lập Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của Trung tâm ICISE.

"Tôi rất mong trong thời gian tới, Trung tâm ICISE và Việt Nam sẽ tiếp đón thêm rất nhiều nhà khoa học trên thế giới nữa. Và tôi mong các thế hệ trẻ sẽ thêm yêu và đam mê nghiên cứu khoa học để cống hiến cho đất nước phát triển", GS Trần Thanh Vân nói.

GS Trần Thanh Vân phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: ICISE).
GS Trần Thanh Vân phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: ICISE).

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao vai trò của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam cũng như đóng góp thiết thực của ICISE trong lĩnh vực giao lưu học thuật, phát triển khoa học - công nghệ. Ông mong muốn tại hội nghị, các nhà khoa học sẽ thảo luận về các vấn đề chuyên môn, làm sao để khoa học đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời các nhà khoa học đưa ra nhiều gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển cho Việt Nam về phát triển bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Bình Định là mảnh đất hiếu học, yêu mến khoa học và tôn trọng tri thức. Việc xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến của các nhà khoa học luôn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh quan tâm, chú trọng, xem đó là hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Để khoa học và công nghệ trở thành một động lực tăng trưởng, tỉnh đang khẩn trương triển khai xây dựng Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của cả nước.

Ông tin tưởng trong tương lai không xa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sẽ ra đời từ mảnh đất này, góp phần đưa khoa học nước nhà không ngừng phát triển. Tỉnh Bình Định cam kết sẽ luôn đồng hành với Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (áo trắng bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (áo trắng bên phải) tặng bằng khen cho vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Ảnh:
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (ngoài cùng bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) tặng bằng khen cho vợ chồng GS Trần Thanh Vân (Ảnh: ICISE).

Hội nghị dự kiến diễn ra đến ngày 12/8, với 31 phiên họp với các phiên toàn thể và các phiên chuyên đề chuyên sâu về vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao với gần 200 nhà khoa học tham dự, cùng các diễn giả quốc tế như: GS Gerard 't Hooft (Giải Nobel Vật lý 1999), Utrecht University, Hà Lan; GS David E. Kaplan, Johns Hopkins University, Mỹ; GS Joachim Kopp, Johannes Gutenberg University Mainz, Đức; GS Dam Thanh Son, Chicago University, Mỹ; GS Wendy Freeman, Chicago University, Mỹ; GS Andrew Long, Rice University, Mỹ; GS Jacques Laskar, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS)…

Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Hội đoàn 1901 tại Pháp từ năm 1993, trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về các Tổ chức Gặp gỡ Moriond (57 năm, từ năm 1966) và Gặp gỡ Blois (34 năm, từ năm 1989). Mục đích chính của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam.

Năm 2012, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam trở thành đối tác chính thức của tổ chức UNESCO.

Người sáng lập và đồng thời là chủ tịch Hội từ khi thành lập đến nay là GS Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp), giáo sư ưu tú của Đại học Paris XI (Orsay, Pháp), giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS).

Trung tâm ICISE chính thức hoạt động từ ngày 12/8/2013. 10 năm qua, Trung tâm đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với sự tham dự của gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bên cạnh các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức các buổi thuyết trình khoa học đại chúng dành cho học sinh, sinh viên, công chúng yêu khoa học ở Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các buổi giao lưu trực tuyến hoặc trực tiếp với những chủ nhân giải Nobel và học sinh, sinh viên ưu tú Việt Nam đạt giải Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học.

Sẵn sàng hỗ trợ để Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam hoạt động thuận lợi Sẵn sàng hỗ trợ để Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam hoạt động thuận lợi
Hơn 2.000 học sinh, sinh viên Việt Nam được cấp học bổng Vallet của Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam Hơn 2.000 học sinh, sinh viên Việt Nam được cấp học bổng Vallet của Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam

Minh Thái (T/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cac-cua-so-nhin-ra-vu-tru-dien-dan-hoc-thuat-cua-cac-nha-khoa-hoc-trong-nuoc-va-quoc-te-189751.html

In bài viết