“Món tủ” của phu nhân Đại sứ và bí quyết chinh phục thực khách

11:03 | 01/08/2023

Quan tâm thói quen ăn uống của từng vị khách, biến tấu món ăn Việt phù hợp với khẩu vị, tôn giáo nước bạn. Đó là cách thức bà Vũ Thị Nguyệt, phu nhân ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Đại sứ tại Algeria, Pháp và Vương quốc Campuchia áp dụng trong những lần Đại sứ quán mời cơm khách hay các dịp lễ, Tết.
Đại sứ Giorgio Aliberti nhớ món bún chả Việt Nam
Phở - Một phần tinh túy của ẩm thực Việt Nam

Trao đổi với phóng viên tạp chí Thời Đại, Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Nem rán, phở bò là hai “món tủ” bếp sứ quán chọn thiết đãi khách và quảng bá ẩm thực Việt. Vợ ông và các chị em khác trong sứ quán sẽ trực tiếp chuẩn bị các món ăn.

Thời gian ở Pháp, bà Nguyệt cùng cấp dưỡng sẽ đến khu thương mại của người Việt nằm ở quận 13 phía đông nam Paris để chọn nguyên liệu. Ở đây có đủ nguyên liệu làm món nem rán từ: vỏ bánh đa nem đến miến, mộc nhĩ, nấm hương, các loại củ quả... Còn khi ở Campuchia, đầu bếp thiếu nguyên liệu nào đều có thể nhờ mọi người ở Việt Nam gửi sang.

Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng và người bạn đời, bà Vũ Thị Nguyệt (Ảnh: FBNV).
Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng và người bạn đời, bà Vũ Thị Nguyệt (Ảnh: FBNV).

Theo Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng, vợ ông thường khoác chiếc tạp dề màu đỏ, đầu chít chiếc khăn lụa cũng màu đỏ, vào bếp băm hành, băm thịt làm nhân nem, gói nem, rán nem rồi lại pha nước chấm.

"Nếu có khách là người Hồi giáo, bà Nguyệt sẽ dùng nhân tôm, thịt gà để thay thế cho nhân thịt lợn. Bà cũng dặn mọi người không bày quá 3 chiếc nem trên một đĩa để khách ăn thòm thèm mới thấy ngon, nhớ lâu và cũng là để còn thưởng thức nhiều món khác. Mãn tiệc, những suất nem nóng gói trong giấy bạc sẽ được gửi đến các phu nhân khách làm quà mang về. Đây là ứng xử ngoại giao giao thân tình và tinh tế”, ông Thắng kể.

Cùng với món nem rán, Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng cùng phu nhân còn giới thiệu món phở đuôi bò nấu theo vị Bắc đến cán bộ ngoại giao các nước.

Nồi nước dùng được phu nhân Đại sứ canh giữ chắt lọc suốt 8 tiếng để cho ra một thứ nước phở sóng sánh mà trong veo, thơm ngậy mà không béo. Vị xương bò hòa quyện với các loại gia vị thảo mộc như hành tây, hoa hồi, quế chi làm cho nước dùng thật đặc biệt phở Bắc. Rau thơm ăn kèm chỉ có mấy nhánh hành hoa và mấy sợi rau mùi mà không pha trộn húng quế mùi tàu với giá đỗ như nhiều địa phương miền Nam vẫn làm.

Những chuyện "bếp núc" này đã được Đại sứ Thắng kể lại trong cuốn sách "Chuyện kể của một đại sứ" ra mắt vào tháng 6/2023.

Trong sách có đoạn viết: "Để trao đổi tin tức và công việc, tôi thường mời khách thân tình ăn sáng, vừa chuyện trò vừa đợi bà phu nhân Đại sứ tận tay bưng lên mời khách tô phở nóng hổi thơm phức, đích thân đứng lại vài phút giới thiệu thế nào là phở Bắc và cách chuẩn bị nồi nước dùng. Thực khách coi đấy là một cử chỉ thân thiện, một vinh dự đặc biệt dành cho mình, có phần ngưỡng mộ vị phu nhân trong khi Đại sứ thì rất đắc ý coi đấy là một nét chấm phá tinh tế, đặc sắc đáng yêu trong hoạt động ngoại giao".

Theo Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng, ẩm thực là cách thức ngoại giao dễ đi vào lòng người nhất. Mỗi lần mời cơm bạn bè quốc tế không chỉ là dịp để giới thiệu món ăn, cách thức nấu món ăn đó mà còn cả văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam.

Ông Nguyễn Chiến Thắng từng 3 lần được Chủ tịch nước bổ nhiệm Đại sứ (lần thứ nhất tại Algeria kiêm nhiệm Mali và Sahraoui Dân chủ, lần thứ hai tại Pháp kiêm nhiệm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, lần thứ ba tại Vương quốc Campuchia).

Cuốn sách "Chuyện kể của một đại sứ" vừa được ông Nguyễn Chiến Thắng ra mắt vào cuối tháng 6/2023, ghi lại những câu chuyện mà ông gặp và ghi nhớ trong những năm tháng làm Đại sứ ở các nước.

Vị khách ngoại quốc “khó tính” Vị khách ngoại quốc “khó tính”
Lưu học sinh Việt nhớ hộp sữa chua của “mami” Cuba Lưu học sinh Việt nhớ hộp sữa chua của “mami” Cuba

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mon-tu-cua-phu-nhan-dai-su-va-bi-quyet-chinh-phuc-thuc-khach-189376.html

In bài viết