Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

21:04 | 09/05/2023

Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Đã có 5 dự án bất động sản ở TP.HCM được gỡ vướng, cho phép huy động vốn
Gỡ vướng cho bất động sản: "Thực thi chính sách cần nhanh hơn, chi tiết hơn"

Sáng 9/5, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Liên quan đến thị trường bất động sản, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng từ cuối quý 2/2022.

Nguyên nhân là do những khó khăn trên thị trường tài chính và trái phiếu khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp... đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, các giao dịch bị trì hoãn.

Đến 4 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Ông Thanh dẫn chứng, theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 là gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý 3 lớn nhất với khoảng hơn 104 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Khó khăn nữa là nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Báo cáo dẫn chứng, ngày 21/2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có văn bản số 306/TB-SGDHN thông báo danh sách 54 tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.

"Nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản nhà ở với chiết khấu sâu; nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.", ông Thanh quan ngại.

Cần những giải pháp tổng thể

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Các khó khăn lớn mà các doanh nghiệp bất động sản đang đối diện được Bộ Xây dựng chỉ ra là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Trước thực trạng này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về cơ cấu nợ liên quan đến bất động sản (bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, vay mua nhà, kinh doanh bất động sản...).

Cùng với đó, trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Đồng thời, cơ cấu lại thị trường bất động sản thông qua điều tiết nguồn cung, khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu bất động sản cao cấp và bất động sản bình dân bằng công cụ quy hoạch.

Công ty Vinhomes: Thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục
Đến lượt nhóm Bất động sản giữ tiền lại thị trường

Nguyễn Ngọc

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/can-thuc-hien-cac-giai-phap-dong-bo-de-thao-go-kho-khan-cho-thi-truong-bat-dong-san-185669.html

In bài viết