Thăng hoa cùng thư pháp Việt

18:32 | 24/01/2023

Xin chữ, cho chữ là phong tục truyền thống mỗi dịp tết đến, xuân về của người Việt. Đây là nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc. Người xưa có câu “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, nên thường vào mồng ba, mồng bốn tết là thời điểm thích hợp để giới trẻ xin chữ về treo. Cuộc sống hiện đại, nét đẹp này cũng được làm mới với những phong cách hoàn toàn khác biệt.
Người Việt tại Australia đưa thư pháp Việt ra thế giới Người Việt tại Australia đưa thư pháp Việt ra thế giới
Mỗi dịp Tết đến, hình ảnh các ông đồ cho chữ đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam.
Nơi ươm mầm cho hòa bình Việt Nam tại Pháp Nơi ươm mầm cho hòa bình Việt Nam tại Pháp
Trong 5 năm tiến hành đàm phán Hiệp định Paris từ 1968 đến 1973, ngôi nhà số 49 phố Cambacérès từng là nơi ở của Đoàn đại biểu Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Phong tục đẹp ngày tết

3 ngày tết, 7 ngày xuân với mỗi người Việt là thời điểm để khởi đầu cho nhiều dự định của một năm mới. Chính vì thế, ai cũng mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn trong năm mới. Tục xin chữ - cho chữ có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, họ trân trọng con chữ nên ngày xuân xin chữ như xin phúc, lộc, may mắn... để bắt đầu một năm mới an khang, thịnh vượng.

Chữ thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cháu thảo hiền... Thời xưa, cho chữ thường là những người có kiến thức, có học vị cao hoặc là nho sĩ hay chữ trong vùng. Người xin chữ phải chuẩn bị một lễ nhỏ, gồm cau trầu, trà thuốc đến để xin. Lúc này, tùy tâm tư, nguyện vọng của người xin mà thầy đồ sẽ cho chữ phù hợp. Những nét chữ được viết theo nhiều cách khác nhau, trong đó đẹp và được nhiều người yêu thích nhất vẫn là viết theo phong cách thư pháp.

Trải qua thời gian phát triển, với quan niệm “biết chữ là chìa khóa mở cánh cửa tương lai”... nên mỗi dịp tết, nét đẹp văn hóa này vẫn được người Việt duy trì và phổ biến trong những ngày đầu năm mới. Khác với ngày xưa, việc xin chữ bây giờ dễ hơn, không phải đi đến nhà thầy mà chỉ cần đến các “phố” ông đồ hoặc các điểm vui xuân, đón tết đều có thể xin được.

Tại Bình Phước - vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, nét đẹp này lại càng có cơ hội lan tỏa và phát triển. Những ngày tết đến, xuân về, tại hội chợ hoa xuân, hình ảnh “ông đồ” trong trang phục áo dài, khăn đóng ngồi cho chữ đã trở nên quen thuộc với người dân. Thông thường, các chữ như “nhân”, “lễ”, “nghĩa”, “trí”, “bình an”, “hạnh phúc”… được xin nhiều. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển, chứa đựng nhiều ước vọng về một năm mới thuận lợi, may mắn và bình an trong gia đình. Anh Đinh Văn Phượng ở phường Long Phước, thị xã Phước Long cho hay: “Tôi có thói quen mỗi năm sẽ xin một chữ về đóng khung treo trong nhà. Tôi rất thích và trân trọng nét văn hóa độc đáo này của dân tộc”.

Đối với chị Trần Lê Thu Hiền ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, xin chữ đầu năm mang rất nhiều ý nghĩa. Không chỉ là ước nguyện cho năm mới, phong tục này còn là bài học về văn hóa cho các con. “Những năm gần đây, xin chữ từ các “ông đồ” dễ dàng hơn trước. Từ thời điểm có hội chợ hoa xuân (tầm 20 tháng Chạp) cho đến ra tết, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều “ông đồ” ngồi cho chữ. Tôi cũng tranh thủ đưa các con đi chơi, xin chữ, vừa du xuân vừa giáo dục thêm nét đẹp văn hóa truyền thống cho các con” - chị Hiền chia sẻ.

Nét đẹp ấm tình xuân

Đi cùng với văn hóa xin chữ là nghệ thuật viết thư pháp. Những dòng chữ mềm mại, uyển chuyển với câu chúc bình an, thịnh vượng cũng được nhiều người chọn làm quà tặng người thân vào dịp tết. Chính vì thế, công việc của các “ông đồ” như anh Đỗ Minh Khải, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài dù ở thời 4.0 vẫn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa. Gác lại công việc cuối năm, từ đêm 30 tháng Chạp đến hết mồng 3 tết, anh thường có mặt tại các ngôi chùa trên địa bàn thành phố Đồng Xoài để viết thư pháp tặng miễn phí người dân. Để những nét chữ nhận được sự yêu thích của khách hàng, anh trau chuốt, rèn luyện thêm nhiều cách thể hiện giúp nét chữ vừa có duyên vừa có hồn.

Thăng hoa cùng thư pháp, “ông đồ” Đỗ Minh Khải thường đi nhiều nơi để viết chữ tặng miễn phí cho mọi người. Với anh, đó chính là cách để giữ gìn và bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc

Trước khi viết, anh thường hỏi nhu cầu của người xin, sau đó theo thứ tự của khổ giấy, ở trung tâm sẽ viết chữ theo yêu cầu, 2 bên thường có 2 câu thơ và một số họa tiết minh họa.

"Ngày xuân, khi mình bày biện giấy, mực là người dân tập trung rất đông, xin nhiều chữ khác nhau. Ðiều đó cho thấy nét văn hóa độc đáo của dân tộc luôn được người dân đón nhận một cách đầy say mê và trân trọng. Có lẽ vì thế mà công việc này mang lại cho mình rất nhiều niềm vui, dù bận rộn thế nào thì đúng giờ, đúng ngày là “hành nghề” thôi", anh Đỗ Minh Khải, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài.

Anh Khải tìm hiểu và biến tấu chữ viết trên nhiều nguyên liệu khác nhau. Thời điểm trước tết Nguyên đán, ngôi nhà nhỏ của anh không chỉ có giấy đỏ truyền thống mà còn ăm ắp lon bia, nước ngọt, trái dừa tươi, trái bưởi… để anh trang trí và viết thư pháp. Ví như trên mỗi lon bia, anh sẽ trang trí và viết một chữ thư pháp, đến lúc ghép các lon lại với nhau sẽ thành câu chúc như: “Xuân vinh hoa, tài lộc về”, “Tấn tài, tấn lộc”; “Cung chúc tân xuân”… Điều này cũng được anh thực hiện tương tự với trái dừa, dưa hấu hay bưởi… để trở thành những món quà xuân độc đáo, ý nghĩa và hiện đại.

Còn anh Trần Anh Dũng, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài dù không thường xuyên tham gia tại các “phố” ông đồ, hội chợ hoa xuân, nhưng thư pháp vẫn là một điều gì đó khiến anh mê mẩn và khó bỏ được. Vào dịp cuối năm khi sắp xếp được thời gian, anh lại viết thư pháp, đóng khung tặng người thân hoặc tri ân những người mê nét chữ của mình. “Để thăng hoa cùng thư pháp là một điều rất khó bởi người ta nói “Tâm bút hợp nhất” - khi viết phải tập trung cả ý chí và ngòi bút. Lúc đó, người viết thư pháp phải tập trung rất sâu, để chữ viết ra vừa đẹp trong mắt người xin và đẹp trong mắt mình. Được người xin chữ quý trọng, yêu mến nét chữ thì người viết cũng rất vui và tự hào” - anh Dũng cho biết.

Những cơn gió se lạnh báo hiệu mùa xuân đã về. Thời điểm này, những “ông đồ” cũng chuẩn bị giấy đỏ, mực tàu để bước vào mùa lễ hội. Chọn nghề được nhiều người trân trọng, họ cũng cập nhật kiến thức mới để năm nay chữ đẹp hơn, sáng nghĩa hơn với người được cho và được nhận. Để rồi trong tiếng nhạc vui tươi, rộn ràng của năm mới, người người lại cùng nhau dạo phố, rủ nhau xin chữ cầu may - nét văn hóa tốt đẹp cứ thế được trân trọng, gìn giữ và duy trì qua nhiều thế hệ với ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Tìm giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam Tìm giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam
Hợp tác pháp luật và tư pháp góp phần củng cố quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào Hợp tác pháp luật và tư pháp góp phần củng cố quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào

Theo Thanh Nga/Báo Bình Phước

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thang-hoa-cung-thu-phap-viet-181511.html

In bài viết