Trung Quốc liệu có chấm dứt “Zero Covid”?

10:23 | 21/11/2022

Đó là vấn đề được đặt ra khi Trung Quốc vừa có những quyết định rất đáng chú ý nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch sau thời gian dài thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Zero Covid” (Không Covid-19).
Thay đổi hành vi để thúc đẩy giá trị phụ nữ, chấm dứt lựa chọn giới tínhThay đổi hành vi để thúc đẩy giá trị phụ nữ, chấm dứt lựa chọn giới tính
Nghệ An thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm chấm dứt hoàn toàn các hành vi vi phạm khai thác IUUNghệ An thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm chấm dứt hoàn toàn các hành vi vi phạm khai thác IUU

Trong động thái mới nhất liên quan tới chính sách phòng, chống đại dịch Covid-19, Trung Quốc ngày 18/11 lại nới lỏng thêm các quy định phòng chống dịch bệnh. Theo đó, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc bãi bỏ hạn chế số người được phép đến rạp hát hay tham gia các sự kiện như hòa nhạc và liên hoan âm nhạc ở những khu vực nguy cơ thấp không có ổ dịch.

Các địa điểm như quán karaoke, cà phê internet và các điểm chơi đánh cờ được phép hoạt động theo các quy định sửa đổi đối với những khu vực nguy cơ thấp, có nghĩa là các cơ sở này được mở cửa kinh doanh như bình thường nếu họ áp dụng các quy định phòng chống dịch thích hợp. Một thông báo của chính phủ nêu rõ các chính quyền địa phương cần nâng cao các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch, nhưng không nên tùy tiện đóng cửa các cơ sở giải trí.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bên ngoài một tòa nhà bị phong tỏa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/11. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bên ngoài một tòa nhà bị phong tỏa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/11 (Ảnh: Reuters).

Những nới lỏng trên đây được đón nhận tích cực bởi lĩnh vực giải trí và du lịch ở Trung Quốc đã bị thiệt hại nặng do gần 3 năm áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc vào ngày 15/11 cũng đã thông báo cho phép các công ty du lịch khôi phục dịch vụ du lịch nội địa, một bước đi nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19. Du khách từ nay được tham quan, du lịch giữa các tỉnh trong nước do các công ty lữ hành tổ chức nếu có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 và không còn bị hạn chế theo quy định trước đó về cấm tiến hành các chuyến đi du lịch khi có ổ dịch bùng phát.

Trước đó, giới chức y tế Trung Quốc ngày 11/11 thông báo nới lỏng một số hạn chế liên quan đến phòng dịch Covid-19, trong đó rút ngắn thời gian cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần và người nhập cảnh, đồng thời bãi bỏ biện pháp phạt các hãng hàng không chở hành khách mắc Covid-19. Theo quy định này, thời gian cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 sẽ giảm xuống 5 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung và 3 ngày theo dõi tại nhà, so với quy định trước đây cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi tại nhà 3 ngày. Việc rút ngắn thời gian cách ly tương tự cũng được áp dụng đối với những người nhập cảnh Trung Quốc.

Việc Trung Quốc liên tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống Covid-19 khiến không chỉ người dân, dư luận nước này mà dư luận cùng giới kinh doanh toàn cầu chú ý, quan tâm sâu sắc. Đáng chú ý không kém là việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch được đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc hiện khá cao, chỉ riêng ngày 14/11 vừa qua ghi nhận 17.772 ca mắc mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ tháng 4/2022 và số nhiễm mới tại thủ đô Bắc Kinh đạt kỷ lục 462 ca.

Những nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch mới đây ở Trung Quốc dù còn khá dè dặt và hạn chế so với bình diện chung trên thế giới hiện nay, song đang được nhìn nhận tích cực trong bối cảnh nước này cho đến nay, về chính thức vẫn đang duy trì chính sách “Zero Covid”.

Trung Quốc là quốc gia mà đại dịch Covid-19 khởi phát hồi cuối năm 2019 đầu năm 2020. Giai đoạn đầu tiên khi đại dịch chưa bùng phát dữ dội trên phạm vi toàn cầu, đất nước đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người này phải chịu những thiệt hại lớn nhất về sinh mạng và kinh tế.

Trung Quốc ngay sau đó đã áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch hết sức nghiêm ngặt, sẵn sàng phong tỏa bất cứ khu vực, địa phương nào để kiểm soát, không cho dịch bệnh lây lan. Nơi dịch Covid-19 khởi phát là thành phố Vũ Hán đã thực hiện phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để dập tắt làn sóng đầu tiên của dịch bệnh. Trung Quốc cũng không ngần ngại phong tỏa cả một thành phố là trung tâm kinh tế, dịch vụ quan trọng hàng đầu của đất nước với hơn 26 triệu dân như Thượng Hải để dập dịch.

Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt đã góp phần rất quan trọng giúp Trung Quốc khống chế dịch bệnh, để đất nước này trở thành một trong những quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong thấp nhất thế giới nếu tính trên số dân.

Đến nay, Trung Quốc nằm trong số những quốc gia rất ít ỏi trên thế giới còn duy trì chiến lược “Zero-Covid” dù đã tiêm phủ vaccine gần hết số dân trong nước. Ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học của Trung Quốc, nêu rõ sự xuất hiện của các biến chủng né miễn dịch như Omicron đang thách thức khái niệm miễn dịch cộng đồng. Do vậy, chừng nào chưa có biện pháp mới để ngăn chặn dịch nhập cảnh khiến lây lan trên diện rộng và chưa có cách nào kiểm soát dịch hiệu quả, thì Trung Quốc sẽ không điều chỉnh chính sách không khoan nhượng hiện nay.

Tuy nhiên, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt đã mang lại những “tác dụng phụ” không mong muốn, nhất là ảnh hưởng tới kinh tế, du lịch và đầu tư. Nền kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 3,3% trong năm 2022 này, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng 5,5% đặt ra và là mức thấp nhất kể từ khi cải cách mở cửa hơn 40 năm trước tới nay.

Các biện pháp phòng, chống dịch ở Trung Quốc được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu bởi với vai trò “đại công xưởng của thế giới”, quốc gia này cung ứng nhiều loại vật, linh kiện cho sản xuất khắp nơi trên thế giới.

Liệu những nới lỏng các biện pháp phòng, chống đại dịch có dẫn tới chấm dứt chiến lược “Zero Covid” ở Trung Quốc? Khó có câu trả lời chính xác vào lúc này. Song có thể thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thận trọng, nới lỏng dần các biện pháp phòng, chống dịch đi đôi với việc phải kiểm soát được dịch Covid-19, không để bùng phát thành một làn sóng dịch.

Thế giới ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19 Thế giới ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19
Đây là nhận định lạc quan nhất của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus về cuộc khủng hoảng sức khỏe kéo dài nhiều năm qua đã cướp đi sinh mạng của gần 6,5 triệu người trên thế giới.
Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình ở Ukraine Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình ở Ukraine
Ngày 10 và 12/10/2022, trước những diễn biến đáng chú ý gần đây liên quan đến Ukraine, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tiếp tục họp Phiên khẩn cấp về tình hình Ukraine.

Dương Hà

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/trung-quoc-lieu-co-cham-dut-zero-covid-178771.html

In bài viết