Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

07:07 | 08/11/2022

Để làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Tòa án trong cả nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục, điều kiện chấm dứt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng tại Tòa án, nhất là đối với khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm.
Thanh Hóa: Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động Thanh Hóa: Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động
Đồng Nai: Tập huấn kiến thức công tác đối ngoại nhân dân cho 320 cán bộ Đồng Nai: Tập huấn kiến thức công tác đối ngoại nhân dân cho 320 cán bộ
Chú thích ảnh
Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ hạn chế việc công dân khiếu kiện kéo dài (Ảnh: TTXVN).

Tăng hơn 1.000 đơn thư các loại

Trong năm 2022, tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã được kiềm chế. Các Tòa án trên cả nước đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, triển khai các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình, trong 10 tháng năm 2022, các Tòa án đã nhận được tổng số 26.079 đơn thư các loại (tăng 1.064 đơn). Qua phân loại, số đơn mới đủ điều kiện thụ lý có 7.061 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 5.349 đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; 359 đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Các đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu là trong lĩnh vực dân sự, thường là các vụ án tranh chấp về đất đai, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, yêu cầu khảo sát, định giá lại đất đang tranh chấp; yêu cầu trả lại đất do chính quyền quản lý qua các thời kỳ, thừa kế, tranh chấp về hợp đồng, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại...

Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thực hiện thủ tục tố tụng trong hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như: khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện; thu thập tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự; không đồng ý với kết luận của bản án, quyết định…

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, trong năm 2022 công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của TAND tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Quá trình giải quyết, các Toà án luôn chú trọng việc đối thoại và tạo điều kiện để công dân được trình bày ý kiến hoặc bổ sung thêm tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu của mình. Chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tiếp tục được bảo đảm, về cơ bản đã khắc phục được tình trạng đã trả lời đơn cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng và phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của TAND vẫn còn một số vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, có nguyên nhân chủ quan cần được các Tòa án khắc phục trong thời gian tới, đó là: Một số cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có mặt còn hạn chế về kinh nghiệm nên một số ít trường hợp chất lượng tiếp công dân, trả lời khiếu nại, tố cáo chưa cao.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của công chức ở một số đơn vị chưa tốt, có lúc, có nơi chưa thường xuyên nên chưa chấn chỉnh và khắc phục kịp thời hạn chế, thiếu sót.

Dự báo số lượng các loại vụ việc có xu hướng gia tăng

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dự báo, trong thời gian tới, số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải giải quyết có xu hướng gia tăng, các khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ tăng, đòi hỏi các Tòa án phải cố gắng tập trung đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử, làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính nhằm hạn chế việc phát sinh khiếu nại trong hoạt động tố tụng cũng như đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Ban hành các văn bản hướng dẫn, nội quy, quy chế theo hướng tiến tới thống nhất một đầu mối tiếp công dân tại mỗi TAND. Hoàn thiện văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình, nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thống nhất trong TAND. Sửa đổi, hoàn thiện Quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại TANDTC, TAND cấp cao để góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo, Tòa án các cấp cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các đạo luật về tố tụng. Tập trung thực hiện tốt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xét xử, chú trọng làm tốt công tác hoà giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính nhằm hạn chế việc phát sinh khiếu nại trong hoạt động tố tụng cũng như các đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, gắn với công tác cải cách tư pháp và xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xử lý nghiêm minh những cơ quan, đơn vị có người đứng đầu buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm, thiếu sót trong công tác này.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích các quy định của pháp luật, chú trọng đối thoại, giải thích để nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhận thức của công dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đảm bảo đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng hướng dẫn, giải thích thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Có cơ chế khuyến khích đối với công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như ưu tiên cử đi học, xét bổ nhiệm, khen thưởng, quan tâm về chế độ chính sách cho cán bộ trực tiếp tiếp công dân.

Đẩy mạnh ứng dụng nghệ thông tin trong hoạt động Tòa án, nghiên cứu, hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu thống nhất, liên thông trong hệ thống Tòa án về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu kết nối liên thông với các cơ quan có liên quan để quản lý, theo dõi việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm khai thác, tra cứu thông tin tiếp công dân và giải quyết đơn thư nhanh chóng, đạt hiệu quả cao.

Cải cách mạnh mẽ thủ tục tố tụng, thủ tục hành chính tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia tố tụng hoặc có công việc tại Tòa án. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra những tháng cuối năm 2022 đã được lãnh đạo TANDTC phê duyệt; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thanh tra công vụ; chú trọng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo với nhiều hình thức đa dạng, kết hợp kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của TAND cấp trên đối với các TAND cấp dưới.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để trao đổi, cung cấp thông tin, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, rà soát các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, kéo dài để chủ động nội dung tiếp hoặc trả lời công dân kịp thời.

Ban hành quy chế chung về việc phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ và giữa các cơ quan hữu quan trên cùng địa bàn của TAND trong công tác tiếp công dân để đảm bảo việc phân loại, xử lý đơn thư của người dân không bị chậm trễ nhằm giảm tình trạng bức xúc của người dân và khiếu nại kéo dài.

Tăng cường công tác phối hợp Viện kiểm sát, chính quyền, các cơ quan hữu quan trong việc ban hành các Quy chế phối hợp, tăng cường trách nhiệm, hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ nhằm giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc.

Bình Thuận ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao Bình Thuận ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao
Tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã một mặt tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, mặt khác tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh; có kinh nghiệm tổ chức, xây dựng lực lượng; có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Theo Báo Tin Tức/TTXVN

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tiep-cong-dan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-178103.html

In bài viết