Chuyện kể về những kỷ vật Bác Hồ

09:20 | 29/10/2022

Mỗi kỷ vật trưng bày tại Triển lãm “Sưu tập tặng phẩm Bác Hồ 1945-1969” đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là một câu chuyện cảm động, thú vị gắn với con người, tổ chức hay quốc gia, dân tộc cụ thể trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ký kết kế hoạch hiệp đồng bảo vệ khu vực tiếp giáp, vùng biển Ký kết kế hoạch hiệp đồng bảo vệ khu vực tiếp giáp, vùng biển
Tinder cùng họa sĩ Slim.illus vẽ tranh về câu chuyện hẹn hò trực tuyến của các bạn nữ Việt Nam Tinder cùng họa sĩ Slim.illus vẽ tranh về câu chuyện hẹn hò trực tuyến của các bạn nữ Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Luật sư Loseby cùng vợ và con gái sang thăm Việt Nam, ngày 26/1/1960.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Luật sư Loseby cùng vợ và con gái sang thăm Việt Nam, ngày 26/1/1960.

Đặc biệt, đây là khối hiện vật độc bản, nguyên gốc có giá trị về nhiều mặt đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Qua các kỷ vật này, người xem cảm nhận sâu sắc hơn lòng kính yêu vô hạn của dân tộc Việt Nam cũng như sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế dành cho Người.

Tấm lòng đồng bào Việt Nam

Với mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại, mà còn như người trong gia đình, luôn lắng nghe, yêu thương và thấu hiểu.

Trong tình cảm với đồng bào cả nước, Bác luôn dành cho thiếu niên, nhi đồng tình yêu bao la. Đáp lại tình yêu thương ấy là những món quà nhỏ xinh do các cháu tự làm như: chiếc túi đeo thêu hoa điểm 10 được học sinh Trường Nữ công Khối 76, khu Hoàn Kiếm (Hà Nội) tặng Bác vào ngày 30/1/1965; chiếc làn cói trang trí hình Cầu Ngói Kim Sơn được đội Thiếu niên Tiền phong huyện Kim Sơn (Ninh Bình) tặng Bác vào ngày 30/11/1968.

Đáng chú ý, vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp với mong muốn tìm lời giải cho nền hòa bình của Việt Nam. Trong chuyến đi này, ngoài lịch làm việc với các chính khách Pháp, Người còn dành nhiều thời gian tiếp xúc với các nhân sĩ trí thức, trong đó có họa sĩ, nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm - đã nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre.

Khi ấy, vào ngày 1/7/1946, tại khách sạn Royal Monceau, họa sĩ Vũ Cao Đàm đã xin được vẽ và nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ một thời gian ngắn được tiếp xúc và phác thảo hình ảnh Người, họa sĩ Vũ Cao Đàm đã có tác phẩm nghệ thuật Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh để đời.

Bức tượng ban đầu được họa sĩ, nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm thực hiện bằng chất liệu thạch cao nhưng chưa kịp chuyển về nước thì chiến tranh nổ ra. Để đảm bảo bức tượng được an toàn, ông đã gửi nhờ gia đình một nông dân Pháp sống ở Béziers, thuộc tỉnh Hérault cất giữ.

Đến năm 1996, con gái của ông Vũ Cao Đàm là họa sĩ Yanick Vũ đã mang bức tượng sang Tây Ban Nha, tìm một cơ sở đúc đồng nổi tiếng để chuyển bức tượng từ chất liệu thạch cao sang chất liệu đồng. Vào năm 1998, bức tượng đã được gia đình ông Vũ Cao Đàm tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đĩa ghi âm các bài phát biểu của Chủ tịch Fidel Castro - Lãnh tụ cách mạng Cuba đã được đoàn quân sự Cuba sang thăm Việt Nam kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/4/1962.
Đĩa ghi âm các bài phát biểu của Chủ tịch Fidel Castro - Lãnh tụ cách mạng Cuba đã được đoàn quân sự Cuba sang thăm Việt Nam kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/4/1962.

Thắm tình bạn bè quốc tế

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều miền đất, tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, gặp gỡ, thân thiết với nhiều chiến sĩ cách mạng, chính khách quốc tế. Dù là nguyên thủ quốc gia, nhân vật nổi tiếng hay người dân bình thường, ở các thể chế chính trị khác nhau nhưng vào dịp sinh nhật Người, những ngày quốc lễ Việt Nam, hay trong các chuyến thăm, nhiều món quà ý nghĩa đã được gửi tới Người.

Điển hình là vào tháng 1/1962, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô - Thiếu tá German Titov đã sang thăm Việt Nam. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam nồng hậu đón tiếp, G.Titov đã tặng Người cuốn sách Buổi sáng của kỷ nguyên vũ trụ gồm những bài viết, bức ảnh, bức điện, sự kiện xoay quanh việc hai nhà du hành Liên Xô Gagarin và Titov bay lên vũ trụ. Cuốn sách đã được Bác đón nhận và gìn giữ nó ngay nơi ở và làm việc của mình cho tới lúc đi xa.

Trong hành trình vun đắp quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh những món quà mang dấu ấn đặc trưng về văn hóa, nổi bật trong đó là chiếc hộp chạm hình chim thần Garuda bắt rắn thần Naga do Chủ tịch Ủy ban quốc tế của Ấn Độ tại Việt Nam tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1962.

Cùng với mối quan hệ đặc biệt, những món quà mang đậm tình hữu nghị luôn biểu trưng cho lòng yêu thương kính trọng của nhân dân Cuba dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, ngày 13/2/1960, Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam của Cuba đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh bộ tặng phẩm quý gồm: đĩa hát Tuyên ngôn La Habana, chiếc cặp da màu đen, khóa mạ vàng, cặp có hai quai xách, đôi dép da quai hậu với viền lông màu vàng, tranh chân dung Chủ tịch Cuba Fidel Castro…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn coi trọng tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào.

Những tặng phẩm hữu nghị của đất nước Lào anh em dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nói lên phần nào tình cảm sâu sắc mà đồng bào nhân dân và các tổ chức của Lào đối với Người.

Trong số đó, nổi bật là chiếc Khẳn bạc (đồ dùng cao quý được người dân Lào dùng để đựng đồ cúng Phật) - một vật chứng lịch sử, biểu trưng cho tình cảm hữu nghị của nhân dân Lào dành cho Bác, tặng phẩm hữu nghị này đã được Đại sứ Thao Phèng kính tặng Người nhân dịp trình Quốc thư tại Phủ Chủ tịch ngày 23/2/1963.

Chiếc túi đeo thêu hoa điểm 10 được học sinh Trường Nữ công Khối 76, khu Hoàn Kiếm (Hà Nội) tặng Bác vào ngày 30/1/1965.
Chiếc túi đeo thêu hoa điểm 10 được học sinh Trường Nữ công Khối 76, khu Hoàn Kiếm (Hà Nội) tặng Bác vào ngày 30/1/1965.

Hành trình kỷ vật

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành muôn vàn tình yêu thương cho đồng bào, mà Người còn thể hiện tình cảm trân trọng, quý mến đối với nhân dân các nước anh em và bạn bè quốc tế. Những món quà Bác tặng đều được người nhận trân trọng, giữ gìn suốt cuộc đời và truyền lại cho thân nhân đời sau tiếp tục gìn giữ.

Hơn 40 năm qua, bức tranh thêu Bác Hồ tặng ông bà Francis Henry Loseby được lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp ban đầu, minh chứng cho tình bạn cao đẹp và thủy chung giữa Bác Hồ và luật sư Francis Henry Loseby - ân nhân đã giúp Bác tìm lại được tự do sau vụ án “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”.

Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã mời gia đình luật sư Loseby sang thăm và đón Tết cổ truyền. Nhân dịp này, Người đã tặng gia đình luật sư Loseby bức tranh thêu Chùa Một Cột.

Trải qua thời gian, gia đình luật sư luôn trân trọng tình cảm của Người dành cho gia đình và bức tranh đã được treo ở vị trí trang trọng nhất tại phòng khách của gia đình. Năm 1967, luật sư Loseby qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vòng hoa viếng ông với dòng chữ “Hồ Chí Minh kính viếng luật sư Loseby”. Ngày 22/5/2005, trong buổi lễ trang trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Paul Tagg đại diện cho gia đình luật sư Loseby đã trao tặng lại cho Bảo tàng kỷ vật quý báu của gia đình.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, bà Nguyễn Thị Kim Liên thuộc Đoàn văn công Nam Định đã vinh dự được gặp Bác Hồ ba lần và được Bác tặng chiếc thước kẻ - kỷ vật gần gũi, thiêng liêng của Bác, vào năm 1969.

Khi bôn ba ở một số nước châu Âu để tìm đường cứu nước, Người tình cờ nhặt được thanh gỗ liền sửa thành chiếc thước kẻ và ghi lên đó ba chữ SNK, nghĩa là “Suy nghĩ kỹ”. Người đã gìn giữ chiếc thước kẻ này nhiều năm trên bàn làm việc của mình.

Thước kẻ SNK của Bác Hồ tặng cho bà Nguyễn Thị Kim Liên, năm 1969.
Thước kẻ SNK của Bác Hồ tặng cho bà Nguyễn Thị Kim Liên, năm 1969.

Nhiều năm trôi qua, bà Liên luôn nâng niu, trân trọng chiếc thước kẻ của Bác Hồ. Mỗi khi dự định làm bất kỳ một việc gì, bà đều nhớ đến dòng chữ SNK mà Bác Hồ ghi trên thước, như nhớ một lời dạy, một phương châm sống. Tuy nhiên, theo đề nghị của Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 23/6/2011, bà đã trao tặng chiếc thước kẻ để Bảo tàng lưu giữ và phát huy giá trị lâu dài.

Về Vĩnh Long nghe kể chuyện “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống Về Vĩnh Long nghe kể chuyện “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống
Bằng tình yêu và lòng đam mê với nghệ thuật truyền thống, những người nông dân “chân lấm tay bùn” của làng Bèo và làng Xuân Áng, xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã làm đắm say lòng người qua làn điệu chèo hay những vai diễn trong các vở tuồng cổ. Hoạt động của họ vừa góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống, vừa làm cho loại hình nghệ thuật này thăng hoa.
Chuyến đi Chuyến đi "Theo dấu chân Bác Hồ" tại Pháp
Ngày 26/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức chuyến đi "Theo dấu chân Bác Hồ" về hai thành phố Le Havre và Sainte Adresse, nơi Người từng sống và làm việc từ năm 1911 - 1912.

Theo Hà Anh/ Báo Thế giới & Việt Nam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chuyen-ke-ve-nhung-ky-vat-bac-ho-177598.html

In bài viết