Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là một quốc gia uy tín

15:03 | 20/10/2022

Đó là khẳng định của ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Thời Đại về sự kiện Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Cộng đồng quốc tế dành tín nhiệm cao với Việt Nam

Cộng đồng quốc tế dành tín nhiệm cao với Việt Nam

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Cựu Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt Jean-Pierre Archambault và nhà sử học Pháp Alain Ruscio đều cho rằng kết quả này khẳng định uy tín ngày càng cao, cũng như nỗ lực bảo vệ và bảo đảm quyền con người của Việt Nam.

Đại sứ Lào: Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền là tin vui, niềm tự hào với cả khu vực Đông Nam Á

Đại sứ Lào: Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền là tin vui, niềm tự hào với cả khu vực Đông Nam Á

Chúc mừng Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang hy vọng sự kiện này sẽ tạo hiệu ứng lan toả cho việc thúc đẩy quyền con người ở Đông Nam Á.

- Thưa Đại sứ, ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025, Đại sứ đánh giá thế nào về sự kiện này?

Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 đã thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Đây là niềm tự hào, thành công rất lớn đối với Việt Nam nói chung và đối với ngành ngoại giao của Việt Nam nói riêng.

Tôi cho rằng: trở thành thành viên HĐNQ LHQ là thành quả của chính sách đối nội của Việt Nam. Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, đảm bảo cho nhân dân có quyền sống hạnh phúc, bảo đảm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó chứng minh những chính sách mà Chính phủ Việt Nam áp dụng đã có sự đồng hành của nhân dân Việt Nam để thành công và được ghi nhận.

Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện đời sống của nhân dân, đảm bảo người dân có quyền sống bình đẳng, có quyền làm việc và tự do ngôn luận trong khuôn khổ của luật pháp. Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều tôn giáo và không cấm kỵ bất cứ ai muốn theo tôn giáo nào. Việt Nam theo điều kiện của riêng mình cũng đã phát triển và phát huy những nỗ lực nhằm bảo vệ quyền con người trong phạm vi của luật pháp và văn hóa truyền thống, lối sống của người Việt Nam.

Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam
Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam.

Về đối ngoại, Việt Nam đã chứng minh mình là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Những chính sách rõ nét của Việt Nam đối với các vấn đề có liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ, quyền con người đã được nhắc đến tại nhiều cuộc họp mà Việt Nam tham dự trong khu vực và thế giới. Đặc biệt trong thời gian Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Tuy nhiên, sự kiện này cũng là thử thách lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp của thế giới hiện nay.

Trên thực tế, nhận định của nhiều nước trên thế giới về quyền con người không nhất quán. Thực trạng này sẽ ngăn chặn việc thúc đẩy những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tôn trọng quyền con người.

Việt Nam là một trong những quốc gia đã trải qua nhiều năm chiến tranh và là nạn nhân của sự can thiệp bên ngoài. Vì vậy Việt Nam sẽ có thể nhìn rõ trách nhiệm của mình để bảo vệ quyền con người bao gồm cả quyền tự quyết và quyền được sống tự do, độc lập có chủ quyền.

Tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực nhằm thúc đẩy các quốc gia có cách nhìn về quyền con người xây dựng trên luật pháp quốc tế mà cả thế giới đã thống nhất.

Hy vọng với những kinh nghiệm, những thử thách mà Việt Nam đã phải đối phó trong quá trình đấu tranh vì độc lập dân tộc, Việt Nam sẽ là tia sáng, thúc đẩy sự hợp tác hòa bình, công bằng và bền vững vì lợi ích của thế hệ tương lai, vì lợi ích của tất cả các quốc gia trên hành tinh của chúng ta.

- Để làm tốt vai trò của mình trong nhiệm kỳ 2023 - 2025 tại HĐNQ LHQ, theo Đại sứ Việt Nam nên làm gì và tập trung vào các vấn đề nào?

Về đối nội, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy những chính sách phát triển kinh tế, xã hội, tạo điều kiện cho người dân an cư và phát triển.

Việt Nam cũng cần phát triển công nghiệp văn hóa để người Việt Nam hiểu biết và có tầm nhìn về nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc của mình, từ đó tạo nền tảng sự phát triển tư duy của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục ứng phó với những thử thách như: cải thiện đời sống nhân dân; giúp nhân dân có cuộc sống ấm no hơn và tạo môi trường an toàn hơn (an ninh tốt, ổn định về chính trị); giúp đỡ trẻ em; phụ nữ; những đối tượng yếu thế trong xã hội. Đối với các khía cạnh kể trên, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng khích lệ, vì vậy tôi tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công.

Về chính sách đối ngoại, Việt Nam đã từng là nạn nhân của chiến tranh, phải đối phó với nhiều thử thách trong quá trình đấu tranh vì độc lập dân tộc, nên tôi tin Việt Nam đủ kinh nghiệm để có thể đóng góp vai trò tích cực trong việc khuyến nghị tất cả các quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế cần tuân thủ và tôn trọng quyền con người. Luật pháp quốc tế là cơ sở vững chắc để giải quyết các tranh chấp. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ có thể vượt qua những thử thách và những khó khăn khi đảm nhận vai trò là thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025.

- Đại sứ kỳ vọng như thế nào về đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ lần này tại HĐNQ LHQ?

Đây là lần thứ 2 Việt Nam tham gia HĐNQ LHQ. Trên thực tế Việt Nam đã có những thắng lợi, thành công trong chính sách đối nội, đối ngoại vì vậy vai trò của Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Tôi tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của mình là một quốc gia có uy tín và vị thế trên trường quốc tế. Mà vị thế có liên quan đến nhiều yếu tố:

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp cho việc phát triển kinh tế xã hội trên toàn cầu. Rất dễ dàng nhận thấy Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đóng góp cho an ninh lương thực trên thế giới. Đây là sự đóng góp rất lớn cho nhân loại bởi hiện nay nhiều nước đang gặp khó khăn về lương thực.

Thứ hai là gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là chính sách giúp chúng ta có môi trường và tạo điều kiện để các nhà đầu tư quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến.

Việt Nam nên tiếp tục duy trì lập trường nhất quán của mình là tất cả các quốc gia trên thế giới nên tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết mọi vấn đề tranh chấp bằng con đường hòa bình, không sử dụng bạo lực hoặc đe dọa sử dụng bạo lực.

Chúng tôi tin chắc Việt Nam sẽ đồng hành với nhân dân Palestine để tiếp tục ủng hộ những nỗ lực quốc tế, tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine, bảo vệ quyền con người. Chúng tôi mong Việt Nam trong khuôn khổ là thành viên HĐNQ LHQ tiếp tục tham gia tích cực vào những thảo luận về vấn đề nhân quyền ở Palestine.

Mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc tác động những quốc gia vi phạm luật pháp, vi phạm nhân quyền chỉnh sửa chính sách của mình.

- Xin Đại sứ chia sẻ những ấn tượng của mình về thành tựu nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua?

Trong thời gian ở Việt Nam tôi nhận thấy người Việt Nam đang sống rất hạnh phúc trong môi trường ổn định với hệ thống luận pháp tương đối hoàn thiện.

Về phát triển kinh tế, Việt Nam đã đóng góp tích cực để tạo việc làm, tạo cơ hội để người Việt Nam có thu nhập cao. Mức thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay thuộc mức trung bình và Việt Nam đang có nỗ lực để có thể tăng lên. Lĩnh vực giáo dục và y tế cũng đang được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận với những thông tin trên khắp thế giới qua các mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, trong một thế giới đang được mở, đôi khi có những thông tin không chính xác, thông tin mà người đưa ra có mục đích xấu có thể ảnh hưởng đến việc hình thành tư duy và suy nghĩ của con người. Vì vậy, cần xây dựng được kiến thức nền cho mọi người, để có thể phân biệt, cảnh giác với những thông tin xấu, độc hại, từ đó tạo môi trường và tư duy tích cực cho người dân.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Tổng Thư ký LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ Tổng Thư ký LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ
Ngày 13/10, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã tiếp Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình tạo cơ sở cho việc giải quyết thách thức về nhân quyền Sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình tạo cơ sở cho việc giải quyết thách thức về nhân quyền
“Kinh nghiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an và sự tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ tạo cơ sở cho việc chúng ta cùng nhau giải quyết các thách thức về nhân quyền trong khu vực và toàn cầu”. Ngài Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết như vậy trong trao đổi với Thời Đại nhân sự kiện Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Ngọc Châu (thực hiện)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dai-su-palestine-tai-viet-nam-chac-chan-viet-nam-se-tiep-tuc-khang-dinh-vai-tro-la-mot-quoc-gia-uy-tin-177164.html

In bài viết