Kinh tế Việt Nam: Hiệu quả điều hành và triển vọng tích cực

10:35 | 08/10/2022

Theo các chuyên gia, các kết quả đạt được cho thấy hiệu quả điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam trong năm 2022 và kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Người lao động Việt Nam thu nhập bình quân 6,7 triệu đồng/tháng trong quý 3/2022 Người lao động Việt Nam thu nhập bình quân 6,7 triệu đồng/tháng trong quý 3/2022
IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cao hơn IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cao hơn

Hiệu quả điều hành kinh tế

Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn; tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng sau phục hồi của Việt Nam tiếp tục được duy trì từ đầu năm đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: GDP 9 tháng tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến năm 2022 đạt tỷ lệ tăng trưởng cao vượt mục tiêu đề ra và cao hàng đầu thế giới.

Kinh tế tăng trưởng đều trên cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73%. Tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm (thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%; xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Infographic về GDP 9 tháng 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê).
Infographic về GDP 9 tháng 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Trao đổi với báo chí, bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên cho biết, dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, nhưng trong quá trình phục hồi, Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ. Đó là kết hợp đồng bộ các chính sách, chuyển dịch trọng tâm chính sách kịp thời, từ đó giúp kiềm chế lạm phát tốt, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bà Era Dabla-Norris đánh giá cao các chính sách tiền tệ, tài khóa của Việt Nam, đồng thời đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4%, đồng thời thấp so với các nước trên thế giới và khu vực.

"Nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa", đại diện IMF nói.

Bà chỉ ra bốn lý do chính giúp Việt Nam đạt được những kết quả này. Thứ nhất, hồi đầu năm, sự phục hồi kinh tế đã bắt đầu nhưng vẫn còn chậm một chút. Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phù hợp để giảm bớt tác động của giá nhiên liệu cao, như hình thức cắt giảm thuế môi trường và các giải pháp chiến lược khác. Thứ ba, giá cả các loại dịch vụ hỗ trợ, hoạt động hành chính và hoạt động dịch vụ khác đã được kiểm soát tương đối ổn định. Và cuối cùng, so với các nước khác trong khu vực, sự điều hành tỉ giá hối đoái linh hoạt của Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát.

“Nhờ có sự kết hợp của các yếu tố này nên lạm phát trung bình từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp hơn mức 4% đặt ra. Nhưng chúng ta cần thấy rằng các áp lực lạm phát hiện vẫn rất lớn trong bối cảnh giá cả lương thực và năng lượng trên thế giới có nhiều biến động. Nếu nhìn tổng hòa từ nhiều cạnh, kết quả thời gian qua cho thấy sức mạnh và sự phục hồi của nền kinh tế trong nước”, Trưởng đoàn giám sát của IMF nêu rõ.

Triển vọng tăng trưởng tích cực

Trước đó, trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau hai năm tổn thương, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế toàn cầu bất lợi trong ngắn hạn và trung hạn.

WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra vào ngày 1/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, trong báo cáo tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Chính phủ đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng của GDP nước ta trong quý IV cũng như cả năm 2022. Kết quả dự báo đặt ra 2 kịch bản.

Kịch bản thấp: Dự kiến trong quý IV đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn, khó đoán định. Bối cảnh rất khó để chúng ta có thể dự báo được một con số chính xác kết quả vài tháng tới và dự báo càng dài hạn thì càng khó hơn. Chúng tôi đã đưa ra các kịch bản, phương án thấp là phương án gặp nhiều khó khăn thì cả năm 2022, tăng trưởng đạt 7,5%.

Tuy nhiên, ở kịch bản khả quan hơn, trong bối cảnh diễn biến như hiện nay, không có đột biến, thuận lợi đối với nền kinh tế nước ta từ bên ngoài, chúng ta dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%.

PGS.TS Chu Hoàng Long, Phó Trưởng khoa Kinh tế phát triển, trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Australia nhận định trên báo chí, với đà phục hồi trong 9 tháng đầu năm 2022 và các quyết sách của chính phủ, triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là khả quan.

Các ngành kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi nhờ xuất khẩu ổn định và tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành một trong những thị trường tiêu dùng lớn của thế giới vào đầu thập kỷ tới.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Việt Nam cần xử lý các cản trở về thể chế để nâng cao hiệu quả triển khai chính sách tài khóa, đặc biệt là các chương trình đầu tư công; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, sẵn sàng đối phó với rủi ro lạm phát gia tăng; thực hiện đầy đủ chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thông qua đẩy mạnh triển khai các dự án cơ sở hạ tầng và công nghệ số.

Theo TS Chu Hoàng Long, Việt Nam cần cải cách kinh tế theo chiều sâu thông qua đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng cường khả năng chống chịu rủi ro, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, phát triển năng lượng tái tạo, sản phẩm xanh, định giá carbon, cải thiện chất lượng lực lượng lao động, làm nền tảng cho ổn định và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, để đảm bảo cho phục hồi và tăng trưởng nhanh, bền vững cần tập trung vào ba trụ cột nền tảng: Một là, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Hai là, hội nhập kinh tế quốc sâu rộng thông qua các FTAs song phương, đa phương. Ba là, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; phục hồi kinh tế, tăng trưởng nhanh, bền vững và giải quyết vấn đề xã hội.

Ông cho rằng cần phải gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hóa giải nỗi lo lắng chính đáng của công chức trong việc sợ làm sai quy định, thủ tục, nhất là các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng đối với người dân và doanh nghiệp.

Nhận định, đánh giá đúng tình hình để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 Nhận định, đánh giá đúng tình hình để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam

Minh Thái (T/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/kinh-te-viet-nam-hieu-qua-dieu-hanh-va-trien-vong-tich-cuc-176558.html

In bài viết