Lao động Việt ưa chuộng thị trường Nhật

06:01 | 08/10/2022

Điều kiện làm việc, sinh hoạt phù hợp, thu nhập khá cao là những điểm thuận lợi để người lao động Việt Nam ưa thích thị trường lao động Nhật Bản khi xuất ngoại làm việc.
Chương trình VJEPA: Cơ hội cho điều dưỡng làm việc lâu dài ở Nhật Bản Chương trình VJEPA: Cơ hội cho điều dưỡng làm việc lâu dài ở Nhật Bản
Hàn Quốc có nhu cầu tuyển lao động ngành đóng tàu Việt Nam Hàn Quốc có nhu cầu tuyển lao động ngành đóng tàu Việt Nam
Lao động Việt ưa chuộng thị trường Nhật
Sinh viên, học sinh trường nghề đến dự ngày hội việc làm, tìm hiểu thông tin thị trường lao động tại Nhật Bản.
Đầu tháng 9/2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO) tổ chức hội thảo tăng cường hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau đại dịch COVID-19.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được những kết quả khả quan, số lượng lao động tăng dần hàng năm, chất lượng lao động không ngừng được nâng cao.

Hiện nay có trên 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đối với Nhật Bản, trong 30 năm qua có trên 350.000 thanh niên Việt Nam sang để thực tập kỹ năng.

Đây là thị trường được lao động Việt Nam ưa thích do điều kiện làm việc và sinh hoạt phù hợp, thu nhập cao.

Ở chiều còn lại, do già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp, nhu cầu về lao động nước ngoài của Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng; người sử dụng lao động ở đây ưa thích và mong muốn tuyển dụng lao động Việt Nam... Đây là các yếu tố để có thêm nhiều lao động, thực tập sinh Việt Nam sang Nhật làm việc.

Giữa tháng 8/2022, sau khi chủ sử dụng lao động Nhật Bản phỏng vấn và chọn, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long phối hợp đưa 2 người lao động đến làm thủ tục nhập học (đào tạo kiến thức cơ bản) tại Công ty CP Đầu tư Sài Gòn giá trị (TP Hồ Chí Minh) trước khi sang Nhật làm việc.

Là người được chọn, bạn Trương Thị Thủy (SN 1992, quê quán Tam Bình) cho biết: “Em làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài được 12 năm, nhưng với mong muốn sang Nhật làm việc để thử sức mình, tích lũy kinh nghiệm và kinh tế, sau này trở về có thể tự kinh doanh”.

Tương tự, lao động Lý Thị Cẩm Ngân (SN 1993, cùng huyện) có chuyên môn nghề điện tử và nguyện vọng đi làm việc tại Nhật Bản. Thông qua trung tâm, Ngân được tư vấn kết nối với Công ty CP Phát triển nhân lực và thương mại Việt Nam (Vinamex) đăng ký thủ tục thành công.

Mới đây tại ngày hội việc làm tổ chức ở Trường CĐ Nghề Vĩnh Long, sinh viên Thanh Hiệp (22 tuổi) đang học năm cuối ngành công nghệ ô tô của trường nghề chia sẻ: “Em đến ngày hội với định hướng đăng ký đi làm việc ở Nhật” (đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng). Hiệp cho biết đầu năm tới đây sẽ tốt nghiệp ra trường và theo đuổi dự định này.

Lao động Việt ưa chuộng thị trường Nhật
Cùng với lao động trẻ, đây là lực lượng chủ yếu sau khi đào tạo có nhiều khả năng tham gia vào thị trường lao động nước ngoài.

Đối với lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về, hiệu quả kinh tế và cơ hội việc làm trong nước cũng được mở ra. Anh Nguyễn Ngọc Thân (32 tuổi, ngụ huyện Bình Tân) trở về nước sau 5 năm đi làm việc tại Nhật Bản, đã dành dụm xây dựng được căn nhà khang trang cho cha mẹ.

Với kiến thức, kỹ năng tích lũy được, về tỉnh anh đã phỏng vấn vào một công ty điện tử 100% vốn Nhật Bản đóng trong Khu công nghiệp Bình Minh.

Sau 2 năm bị tác động dịch bệnh, cơ hội đi làm việc, thực tập sinh, du học nghề ở nước ngoài đang dần rộng mở. Đó là cơ hội cho những ai muốn có kiến thức, môi trường làm việc mới và thu nhập cao.

Tại tỉnh Vĩnh Long, 9 tháng năm 2022, có 1.076 người lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó có trên 900 người đi làm việc tại Nhật Bản.

Theo ông Trần Văn Khái - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đến thời điểm này có nhiều khởi sắc.

Với kế hoạch đưa 1.700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, lãnh đạo sở cho rằng, ngành và các ngành liên quan và các địa phương đang nỗ lực tiến tới hoàn thành chỉ tiêu này năm 2022.

Theo ông Hiroaki Yagi- Chủ tịch JITCO, hiện Chính phủ Nhật Bản đang xem xét lại chương trình thực tập sinh kỹ năng và chương trình lao động kỹ năng đặc định.

Bên cạnh đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang xây dựng một hệ thống tuyển dụng mới nhằm loại bỏ các tổ chức trung gian và giảm chi phí ban đầu cho thực tập sinh.

Ở Việt Nam, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội thông qua năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022; cùng với đó là triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động đưa thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau đại dịch COVID-19.

Tỉnh Vĩnh Long các năm qua đã ban hành nhiều văn bản về đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; nghị quyết về chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Những định hướng với công tác này là: các ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, tác phong tốt, đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ; tiếp tục thông tin, tuyên truyền hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của nước ngoài nhất là tại Nhật Bản.

Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật được hỗ trợ khởi nghiệp khi về nước Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật được hỗ trợ khởi nghiệp khi về nước
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ người nghèo, dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài Ngân sách Nhà nước hỗ trợ người nghèo, dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài

Theo Minh Thái/ Báo Vĩnh Long

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/lao-dong-viet-ua-chuong-thi-truong-nhat-176548.html

In bài viết