Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

22:14 | 13/09/2022

Mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) và hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia.
Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình
Bắc Ninh chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em Bắc Ninh chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh: Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam).

Tại hội nghị lần này các đại biểu được nghe báo cáo của đại diện cơ quan soạn thảo trình bày về những điểm sửa đổi mới nhất của dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội (tháng 6 năm 2022). Đại diện các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng chia sẻ những hoạt động của mình góp phần phòng, chống bạo lực gia đình và thảo luận cơ chế để chung tay cùng với Chính phủ giải quyết vấn đề bạo lực gia đình tại Việt Nam.

Cũng tại hội nghị lần này, đại diện Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) và CSAGA đã chia sẻ kinh nghiệm và những phương thức hiệu quả nhất trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là những hoạt động truyền thông sáng tạo để nâng cao nhận thức cộng đồng và ứng phó bạo lực gia đình.

Đại sứ và Trưởng đại diện của phái đoàn ngoại giao tại Hà Nội đến từ Australia, Canada, Liên minh Châu Âu, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Cơ quan Liên Hợp Quốc đã gửi đến hội nghị những thông điệp chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia mình trong nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chia sẻ: “Chúng tôi trân trọng các thông tin và kinh nghiệm được chia sẻ tại buổi tọa đàm ngày hôm nay, những ý kiến cộng đồng, kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt những kinh nghiệm của Australia với những hoạt động thực tiễn tiêu biểu nhất trong việc ứng phó bạo lực gia đình, bao gồm cả cơ chế liên kết các tổ chức xã hội trong việc cung cấp dịch vụ, sự phát triển của các tòa án chuyên trách về vấn đề bạo lực gia đình và sự phát triển của các chính sách dựa trên bằng chứng thực tế”.

Đại diện UNFPA tại Việt Nam, Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: “UNFPA rất phấn khởi khi thấy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đã được xây dựng dựa trên cách tiếp cận quyền con người, có đúc kết những bài học kinh nghiệm và mô hình tốt của các nước. Chúng tôi kiến nghị cần tăng cường hơn nữa vai trò của các bộ, ngành và cơ quan liên quan đồng thời thúc đẩy xã hội hóa tạo điều kiện để các tổ chức xã hội và các tổ chức phi chính phủ tham gia đóng góp cho quá trình thực hiện những chính sách và chương trình nhằm chấm dứt bạo lực gia đình tại Việt Nam. Hướng tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm đã được áp dụng nhằm đảm bảo quyền, nhu cầu và tiếng nói của họ được thực sự quan tâm và lắng nghe. Điều này lại càng trở nên vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam khi bạo lực đối với phụ nữ hầu hết vẫn bị che dấu.”

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 - 11 năm 2022. UNFPA đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong suốt quá trình sửa đổi, hỗ trợ kĩ thuật đưa ra kiến nghị từ những nghiên cứu khác nhau, đảm bảo Luật sửa đổi phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và những cam kết của Chính phủ đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành được Quốc hội khóa XII thông qua vào ngày 21 tháng 11 năm 2007 và đã có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2008. Tuy nhiên, Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 do Tổng cục thống kê và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của chính phủ Australia và UNFPA đã chỉ ra rằng có rất ít thay đổi về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ sau 10 năm kể từ nghiên cứu đầu tiên vào năm 2010. Đặc biệt, 62,9% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời, bao gồm bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, tình dục và bị kiểm soát hành vi. Thêm vào đó, 90,4% người bị bạo lực không hề tìm kiếm bất kì sự giúp đỡ nào từ chính quyền và một nửa trong số họ chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực. Như vậy, bạo lực gia đình vẫn đang tiềm ẩn trong xã hội và là một vấn đề đáng báo động.

Trong bối cảnh như vậy, đòi hỏi cần sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Từ tháng 10 năm 2021, khi dự thảo đầu tiên của Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình được công bố để lấy ý kiến phản hồi của công chúng, nhiều cuộc họp kĩ thuật và hội thảo tham vấn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức để thảo luận về những phương án, chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác và đưa ra phương án tốt nhất nhằm giải quyết tình trạng bạo lực trong gia đình. Những điểm sửa đổi tập trung vào vấn đề cung cấp dịch vụ thiết yếu và tích hợp cho người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình.

Xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi Xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi
Lồng ghép tuyên truyền Luật CSB Việt Nam và Luật phòng chống tội phạm ma túy đến ngư dân Lồng ghép tuyên truyền Luật CSB Việt Nam và Luật phòng chống tội phạm ma túy đến ngư dân

Anh Vũ (T/H)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/gop-y-du-thao-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-sua-doi-175340.html

In bài viết