Bạn bè quốc tế ấn tượng với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Việt Nam

17:10 | 23/08/2022

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã đồng hành hàng trăm năm với lịch sử văn hóa và đời sống dân tộc Việt. Cùng với việc giới thiệu, tuyên truyền quảng bá sâu rộng, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ngày càng nhận được sự yêu mến, quan tâm, tìm hiểu nghiên cứu của các du khách, chuyên gia văn hóa trong và ngoài nước.
Giới thiệu Văn hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ tại Liên bang Nga Giới thiệu Văn hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ tại Liên bang Nga
Bài 6: Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế Bài 6: Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế

Đậm bản sắc văn hóa Việt Nam

Năm 1993, tại Liên hoan sân khấu khối các nước nói tiếng Pháp ở Lion (Cộng hòa Pháp), tiết mục 3 giá chầu đồng là Cô Bơ, ông Hoàng Mười, Cô Đôi Thượng Ngàn của Việt Nam đã gây ấn tượng đối với bạn bè quốc tế, đặc biệt là giới nghiên cứu sân khấu thế giới. Theo nhiều chuyên gia văn hóa, hình thức biểu diễn độc đáo này của Việt Nam là minh chứng cho nguồn gốc sân khấu bắt nguồn từ diễn xướng dân gian. Bởi ở Hầu đồng, có tất cả: từ âm nhạc, tích truyện về nhân vật, diễn tả nhân vật sao cho càng giống càng tốt, múa, phục trang, thậm chí cả yếu tố khán giả. Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được giới thiệu quảng bá đến thế giới.

Ông Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành viên Ban xây dựng Hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trình UNESCO cho biết: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, nó phản ánh thái độ ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ, lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn vinh, gửi gắm những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống.

Đưa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đến với thế giới
Giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đến công chúng Ấn Độ (Ảnh: Phạm Dung).

Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội. Tình yêu mẹ trở thành nguồn cội gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, thiên nhiên, góp phần cố kết nhân tâm, ổn định và phát triển xã hội. Qua các thực hành nghi lễ của tín ngưỡng giúp ta nhận thức về Mẫu (Mẹ), đó là biểu tượng về người phụ nữ Việt Nam điển hình với các phẩm chất tốt đẹp, được linh thiêng hóa thành Tiên, Phật, Thánh. “Là Tiên, là Phật, là Ta/Sinh sinh, hóa hóa, cũng là Bà đây” (câu đối tại lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thuộc Quần thể di tích phủ Dầy).

Tín ngưỡng này chứa đựng giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Các vị thần trong điện thờ Mẫu là những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại được lịch sử hóa thành những người có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí, Phùng Khắc Khoan, Lê Chân... Tri ân những người có công với dân với nước là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện ý thức về nguồn cội dân tộc. Điều này có ý nghĩa trong việc giáo dục nhân cách, cổ vũ, ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Dấu ấn đẹp với bạn bè quốc tế

Năm 2016, tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định những giá trị to lớn của di sản này, đồng thời góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung.

Sau khi được UNESCO ghi danh ngày càng có nhiều chương trình quảng bá tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ đến du khách trong và ngoài nước. Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt đến du khách, dù đã đến Việt Nam, trực tiếp chứng kiến diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hoặc xem qua mạng xã hội. Nhưng họ đều có chung cảm nhận về nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu từ âm nhạc, đến nội dung diễn xướng…

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nói: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện sợi dây kết nối quan trọng để cộng đồng biểu đạt ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, cảm nhận sự đoàn kết và mong muốn tinh thần. Từ góc độ xã hội, với bản chất cởi mở, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thúc đẩy sự bao dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử,... Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

Bà Anya Starodubova, thạc sĩ Ngôn Ngữ Quốc Gia Moscow (MGLU) (người Nga) chia sẻ: “Nhìn vào các điệu múa và màn biểu diễn, tôi nhận ra đâu là nét độc đáo của văn hóa Việt Nam, và chính nét độc đáo này đã tạo nên sự khác biệt của Việt Nam với các nước khác. Tất nhiên, trang phục và đồ trang sức là những điểm chính của bất kỳ điệu nhảy nào. Trang phục trên người của người phụ nữ (thanh đồng) nhảy múa với màu sắc sặc sỡ, cùng rất nhiều trang sức nhỏ khác thật thú vị, và tôi sẽ nghiên cứu tìm hiểu thêm về văn hóa Việt”.

Ông Olam Chanthavilay, Bí thư thứ hai, phòng Văn hóa giáo dục Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam: mỗi quốc gia có nền văn hóa đa dạng khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là người dân đến chùa, đền… hay tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đều có mục đích đến để cầu an, cầu phúc, cầu bình yên cho gia đình, người thân và hướng đến cái chân, thiện, mỹ.

Tìm hiểu văn hóa Việt Nam, ông Olam Chanthavilay bày tỏ ấn tượng với diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Thờ cúng Thánh Mẫu, biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa… được thể hiện một cách nghệ thuật.

Nghệ thuật múa bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu rất ấn tượng, được thể hiện một cách nghệ thuật gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đó cũng là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt, tạo nên một bức tranh hết sức đa dạng và phong phú của đời sống văn hóa tâm linh mang bản sắc riêng của Việt Nam.

Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với âm nhạc, nhạc cụ rất độc đáo và hiếm thấy ở các nước khác, những bản văn chầu cổ với những đạo cụ âm nhạc cổ truyền của Việt Nam như đàn nguyệt, cảnh, phách và trống con... tạo sự kết hợp tuyệt vời, rất cuốn hút. Một loại hình âm nhạc đặc thù: loại hình âm nhạc dành riêng cho không gian tâm linh”, ông Olam Chanthavilay nói.

Yên Bái: Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn năm 2020 Yên Bái: Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn năm 2020
Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

Thùy Dương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ban-be-quoc-te-an-tuong-voi-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-viet-nam-174312.html

In bài viết