Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn:

Gắn kết quan hệ Việt - Lào bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả

10:03 | 24/07/2022

Gần năm mươi năm qua, kể từ khi thành lập đến nay Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã trở thành "cầu nối" góp phần gắn kết quan hệ Việt Nam - Lào và là điểm tựa vững chắc cho cộng đồng người Việt tại Viêng Chăn nói riêng, tại Lào nói chung.
60 năm quan hệ Việt - Lào: Nghĩa tình sắt son bên dòng sông Mã 60 năm quan hệ Việt - Lào: Nghĩa tình sắt son bên dòng sông Mã
Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Luang Namtha (Lào) với các địa phương của Việt Nam Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Luang Namtha (Lào) với các địa phương của Việt Nam

Đoàn kết, tương thân tương ái vượt qua đại dịch

Năm 2021, trong những ngày dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc được phát huy cao độ trong cộng đồng người Việt tại Viêng Chăn.

Ông Khamoui Keomani (Lê Văn Mùi) - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, cố vấn Công ty Taio Lào, Chủ tịch Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn kể: Có thời điểm 68 bà con Việt kiều ở Viêng Chăn mắc Covid-19 và trong khu vực họ sinh sống còn hơn 100 gia đình. Dựa theo bài học phòng, chống dịch ở Việt Nam, Hội người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn kêu gọi bà con thực hiện giãn cách xã hội "ai ở đâu, ở yên đó", nhà cách ly với nhà trong vòng 21 ngày. Để bà con yên tâm cách ly, bếp cơm 0 đồng của Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn ra đời, cung cấp những suất cơm nóng hổi, miễn phí cho người dân trong khu vực cách ly.

Ông Khamoui Keomani, Chủ tịch Hội người Việt thủ đô Viêng Chăn, thỉnh chuông tại (Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa)
Ông Khamoui Keomani, Chủ tịch Hội người Việt thủ đô Viêng Chăn thỉnh chuông tại Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. (Ảnh: Nguyễn Tùng).

"Những người khỏe mạnh ở Viêng Chăn tự nguyện đến hỗ trợ Hội: sáng đi chợ, về nấu ăn rồi ngày ba bữa đưa cơm đến tận cửa cho các gia đình. Cứ như vậy, bếp liên tục đỏ lửa trong suốt thời gian các gia đình cách ly nhằm chia sẻ với bà con", ông Khamoui Keomani cho biết.

Việc làm của Hội được Ủy ban phòng chống dịch Covid-19 của Lào đánh giá cao. Khi dịch diễn biến phức tạp ở Khăm Muộn, sau khi được phép, Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn còn cử đoàn công tác có kinh nghiệm phòng, chống Covid-19 hỗ trợ, hướng dẫn Hội người Việt Nam ở Khăm Muộn.

Trong gian khó, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng tỏa sáng. Tháng 4/2021, dịch bệnh lan ra hầu khắp các địa phương của Lào, trong đó thủ đô Viêng Chăn có số lượng ca nhiễm nhiều nhất. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Hội người Việt Nam tại Lào, Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng người Việt Nam tại Viêng Chăn đã chung tay ủng hộ tinh thần và vật chất góp phần giúp Lào vượt qua thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đến tháng 6/2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, các nhà hảo tâm, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lào đã tham gia quyên góp, hỗ trợ nguồn lực cho các tỉnh của Việt Nam phòng, chống dịch.

Chủ tịch Hội người Việt thủ đô Viêng Chăn khẳng định, sự đoàn kết, sát cánh bên nhau của cộng đồng người Việt Nam tại Lào trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” không chỉ góp phần giúp bà con vượt qua khó khăn của đại dịch, mà còn tô thắm thêm hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè Lào, góp phần củng cố thêm quan hệ truyền thống đặc biệt, vĩ đại Việt - Lào.

Tiếng Việt - nhịp cầu vững chắc kết nối quan hệ Việt Nam - Lào

Gần hai mươi năm nay, Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du (bản Dong Paleb, quận Chanthabouly, thủ đô Viêng Chăn, Lào) do Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn quản lý dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào được giao sứ mệnh giúp các thế hệ con em cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Lào giữ gìn tiếng nói, chữ viết, đồng thời bảo tồn và phát huy văn hóa cội nguồn của dân tộc và góp phần vun đắp cho quan hệ hai nước.

Hiện trường có khoảng 20 giáo viên người Việt Nam và hơn 1.000 học sinh ở các cấp học từ nhà trẻ đến hết lớp 12, chủ yếu là con em kiều bào và người Lào tại thủ đô Viêng Chăn.

Chương trình giảng dạy của nhà trường được xây dựng trên khung chương trình của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào. Tuy nhiên, theo ông Khamoui Keomani, điều đặc biệt là thay vì chỉ dạy tiếng Việt vào thứ 6 theo quy định, nhà trường xen kẽ tiếng Việt vào các tiết học hàng ngày để học sinh làm quen. Học sinh của trường cũng được thầy cô giới thiệu kỹ về truyền thống, văn hóa Việt Nam để hiểu biết về ngôn ngữ mà các em đang học. Với nỗ lực này, Chủ tịch Hội người Việt thủ đô Viêng Chăn khẳng định "không sợ thế hệ con em cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Lào không biết tiếng Việt".

Trong 2-3 năm trở lại đây, trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du ngày càng nhận được nhiều suất học bổng đến từ các trường đại học Việt Nam. Tháng 2/2022, mười học sinh có thành tích học tập tốt trong năm học 2020-2021 của trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du được trao học bổng của trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Trước đó, vào năm 2020, 20 học sinh ưu tú của trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du cũng đã nhận suất các học bổng toàn phần của một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam.

"Thế hệ con em Việt kiều Lào là những hạt nhân tiếp tục duy trì, vun đắp mối quan hệ vĩ đại Lào - Việt Nam ngày càng bền chặt", ông Khamoui Keomani nói.

Chuyện cảm động về những nữ thạc sĩ, cử nhân trên nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào Chuyện cảm động về những nữ thạc sĩ, cử nhân trên nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào
Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An): Nghĩa trang duy nhất mang tên hai quốc gia, hai dân tộc Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An): Nghĩa trang duy nhất mang tên hai quốc gia, hai dân tộc

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/gan-ket-quan-he-viet-lao-bang-nhieu-hoat-dong-thiet-thuc-hieu-qua-173328.html

In bài viết