Vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

06:53 | 27/07/2022

Tài liệu quan điểm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN (AOIP) đặt vai trò trung tâm của ASEAN làm nguyên tắc nền tảng để đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực.
Mai Châu, Hòa Bình: Tăng cường vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống, vì sức khỏe cộng đồng Mai Châu, Hòa Bình: Tăng cường vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống, vì sức khỏe cộng đồng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng, Hà Nam Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng, Hà Nam
Vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ tháng 5 vừa qua ủng hộ AOIP của ASEAN (Ảnh: AP).

Thời gian qua, nhiều đối tác quan trọng của ASEAN đã bày tỏ sự ủng hộ đối với AOIP. Việc các nước đối tác sẵn sàng ủng hộ AOIP do ASEAN xây dựng chứng tỏ sự tin cậy của các nước đối với ASEAN trong hợp tác khu vực.

Trong một tuyên bố báo chí tháng 8/2021, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhấn mạnh, “Mỹ duy trì cam kết vững chắc đối với cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, cũng như ủng hộ mạnh mẽ AOIP”.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định: "Với những Tầm nhìn ASEAN 2025, Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN, với việc phát huy mạng lưới đối tác và tổ chức khu vực, ASEAN đã định vị được cho mình, nhưng phải cập nhật, thể hiện ứng xử với các vấn đề mới nảy sinh".

Các đối tác khác của ASEAN như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia… cũng tuyên bố ủng hộ AOIP. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản tháng 8/2021, đại diện Nhật Bản đã nhấn mạnh Tokyo ủng hộ AOIP - nền tảng cho việc hiện thực hóa “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và sẽ không do dự hợp tác cụ thể để thúc đẩy AOIP.

Gần đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ diễn ra tại thủ đô Tokyo vào tháng 5/2022, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ ra tuyên bố chung tái khẳng định “ủng hộ một cách kiên định đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như việc triển khai trên thực tế AOIP của ASEAN”.

Nhóm Bộ tứ ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc tự do, thượng tôn pháp luật, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không dùng sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, tự do hàng hải và tự do hàng không; tất cả các nguyên tắc này cực kỳ quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cho cả thế giới.

Để AOIP có ý nghĩa đòi hỏi phải có một nền tảng. Hội nghị EAS có tiềm năng trở thành một nền tảng như vậy. Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng ASEAN có thể tận dụng Hội nghị EAS để thúc đẩy hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

EAS là diễn đàn quy tụ tất cả các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chủ chốt, nơi các nhà lãnh đạo gặp nhau để thảo luận về những thách thức chính trị, an ninh và kinh tế mà khu vực phải đối mặt - và cũng là nơi đóng vai trò nền tảng then chốt để ASEAN khẳng định vai trò trung tâm của mình. EAS đã và đang đóng góp hiệu quả cho các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

AOIP đã được các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tháng 6/2019, trong đó đưa cụm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” vào từ điển thuật ngữ chính thức của ASEAN.

Tài liệu quy định các nguyên tắc lâu dài của ASEAN liên quan tới cấu trúc khu vực, bao gồm “cởi mở”, “minh bạch”, “bao trùm”, “dựa trên các quy tắc” và “tôn trọng luật pháp quốc tế”. AOIP thể hiện mong muốn duy trì sự ổn định khu vực, đảm bảo tương lai cho ASEAN và không phụ thuộc vào ý muốn của một số cường quốc. Điều này khẳng định lập trường của ASEAN không đứng về bất kỳ cường quốc nào trong tranh giành ảnh hưởng ở khu vực ASEAN.

Với AOIP, ASEAN hiện có định hướng trong việc bảo vệ lợi ích chung ở khu vực trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc thông qua AOIP là rất quan trọng để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á.

Về mặt thể chế, AOIP “không nhằm mục tiêu lập ra các cơ chế mới hay thay thế các cơ chế hiện có”. AOIP “đặt vai trò trung tâm của ASEAN làm nguyên tắc nền tảng để thúc đẩy hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với các cơ chế do ASEAN dẫn đầu, chẳng hạn như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) - một nền tảng cho đối thoại và hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

AOIP nhằm mục tiêu khôi phục sức mạnh hiệu triệu và lập ra nghị trình của ASEAN cho hợp tác đa phương trong khu vực thông qua các thể chế do ASEAN dẫn đầu vào thời điểm chủ nghĩa đơn phương đang trên đà trỗi dậy và các hình thức liên kết khác (hai bên, ba bên, bốn bên, đa phương có giới hạn) đang ngày càng nổi bật trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, AOIP cũng khẳng định tiếng nói và khả năng của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong việc khai thác những tiềm năng kinh tế và khả năng kết nối trong khi giải quyết các thách thức cạnh tranh chiến lược.

Gần 100 đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng bảo đảm bình đẳng giới cho lao động nữ Gần 100 đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng bảo đảm bình đẳng giới cho lao động nữ
Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương

Anh Vũ (T/H)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/vai-tro-trung-tam-cua-asean-trong-dam-bao-hoa-binh-an-ninh-tai-an-do-duong-thai-binh-duong-172830.html

In bài viết