Việt Nam nỗ lực triển khai hiệu quả Công ước Chống tra tấn

06:30 | 16/05/2022

Qua 7 năm triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn (CAT), Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực tiễn, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Việt Nam dự Hội nghị lần thứ 15 các nước thành viên Công ước Quyền của Người Khuyết tật Việt Nam dự Hội nghị lần thứ 15 các nước thành viên Công ước Quyền của Người Khuyết tật
Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc tiếp Đặc phái viên Công ước quốc tế về cấm mìn sát thương Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc tiếp Đặc phái viên Công ước quốc tế về cấm mìn sát thương

Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước Chống tra tấn - CAT) là một trong 9 công ước cốt lõi của Liên hợp quốc về quyền con người, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, có liên quan trực tiếp, toàn diện đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật. Trải qua 7 năm triển khai thực hiện Công ước CAT, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực tiễn, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Hội thảo “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”,
Một hội thảo về Công ước Chống tra tấn của Liên hợp quốc tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 12/2014. Ảnh: TTXVN

Nhiều qui định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Nhiều văn bản được ban hành đã giải đáp các quan tâm của Ủy ban chống tra tấn, các tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài như: Nghị định số 59/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 qui định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 qui định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Thông tư số 12/2020/TT-BCA ngày 07/02/2020 qui định biểu mẫu, sổ sách về công tác thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, theo dõi, quản lý người ở cơ sở lưu trú; Thông tư số 45/2020/TT-BCA ngày 15/5/2020 tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho phạm nhân, trại viên, học sinh và người bị tạm giữ, tạm giam.

Các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ của cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; triển khai thí điểm việc tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự; bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, lao động, phân loại giam giữ, thăm gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự, kiểm tra, khám sức khỏe đầu vào và định kỳ, phòng chống dịch bệnh theo đúng qui định pháp luật; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thực thi công vụ.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi liên quan đến tra tấn được Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm minh, công khai, theo đúng qui định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, khảo sát, đánh giá chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo; công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự được tăng cường, kịp thời phát hiện những sai sót để từ đó tham mưu lãnh đạo các cấp chấn chỉnh các vi phạm, nhất là các vụ án có dấu hiệu oan, sai, các trường hợp trốn khỏi nơi giam giữ, các trường hợp chết tại các cơ sở giam giữ, trụ sở các cơ quan Công an và các vụ án có bị can, bị cáo nguyên là cán bộ cơ quan nhà nước.

Trong hai năm 2021 và 2022, Bộ Công an tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và việc thực thi các qui định pháp luật về bảo đảm quyền con người tại Công an 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 14 trại giam và 5 cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng trong năm 2021 và 2022 để đánh giá cụ thể về việc thực thi các qui định của Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.

Việt Nam đã tích cực tổ chức hàng chục hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài trong tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng giảng dạy và nội dung Công ước CAT, góp phần tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực thi Công ước. Đáng chú ý, trong giai đoạn từ 2015 - 2019, Bộ Công an đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Học viện Clingendael và các cơ quan liên quan tổ chức 05 Khóa tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, các báo cáo viên pháp luật, các giảng viên trong trường CAND, thực hiện mục tiêu tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND.

Năm 2018, Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Ngay sau đó, tất cả bộ, ngành và 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, biên soạn, phát hành, đăng tải hàng chục đầu sách, tài liệu tuyên truyền, tài liệu giảng dạy, tin, bài, phóng sự, chuyên đề trên các phương tiện thông tin truyền thông; tổ chức hoặc tham dự hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực và kinh nghiệm cho hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và người dân, nhất là cho các cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, khám chữa bệnh cho người bị giam giữ về quyền con người và chống tra tấn.

Nổi bật là 10.000 cuốn sách với tựa đề “Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước CAT" đã được cấp phát cho các bộ, ngành, địa phương; phát sóng phim tài liệu về thực hiện Công ước CAT ở Việt Nam trên kênh truyền hình quốc gia VTV1; đăng tải bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước CAT và các qui định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trên Cổng thông tin điện tử để các bộ, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân tìm hiểu, nghiên cứu và tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Năm 2020, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao biên soạn, đăng tải khoảng 108 tin, bài liên quan đến giải quyết, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các tội danh liên quan đến tra tấn được qui định trong Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, thông qua các hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn đã được tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, nhất là quá trình xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu. Đây là các hoạt động công khai với sự tham gia trực tiếp của người dân và những đối tượng khác có liên quan.

Trên tinh thần đối thoại, thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia CAT lần thứ nhất trong kỳ họp lần thứ 65 của Ủy ban chống tra tấn tại Geneve , Thụy Sĩ năm 2018. Chỉ trong 2 ngày làm việc, Đoàn Việt Nam đã trả lời khoảng 70 câu hỏi và bình luận, chia làm 13 nhóm vấn đề của các thành viên Ủy ban chống tra tấn về việc triển khai thực hiện Công ước ở Việt Nam, trên tất cả các phương diện lập pháp, hành pháp, tư pháp và các lĩnh vực khác.

Việt Nam cũng trả lời các bình luận và khuyến nghị tại Báo cáo đánh giá về việc triển khai thực hiện Công ước CAT Việt Nam của Ủy ban chống tra tấn Liên hợp quốc, trên cơ sở bám sát từng bình luận và khuyến nghị, đã cung cấp đầy đủ các lập luận và số liệu chứng minh, qua đó khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và kiên quyết trừng trị nghiêm minh mọi hành vi vi phạm này.

Công bố quyết định kiểm tra về phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài nguyên & Môi trường Công bố quyết định kiểm tra về phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài nguyên & Môi trường
Bộ Nội vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật Bộ Nội vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật

Minh Thái

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-no-luc-trien-khai-hieu-qua-cong-uoc-chong-tra-tan-170629.html

In bài viết