Xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào tháng 6 tiếp tục giảm

18:45 | 02/06/2022

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay hiện ở mức thuận lợi, xâm nhập mặn ở tháng 6 tiếp tục giảm. Các khu vực ven biển, cửa sông ảnh hưởng của xâm nhập mặn thu hẹp.
Mực nước sông Mekong đang cao hơn trung bình nhiều năm Mực nước sông Mekong đang cao hơn trung bình nhiều năm
Nước sông Mekong dâng cao giữa mùa khô Nước sông Mekong dâng cao giữa mùa khô

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam vừa dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL tuần từ 2-9/6/2022. Theo đó, tính đến 7h ngày 2/6/2022, mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) ở mức 12,23m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm, mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 3,55m, 4,05m, 2,55m, 4,8m và 3,33m.

lưu lượng bình quân tháng 6 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Ảnh minh họa: Công an nhân dân.
Lưu lượng bình quân tháng 6 tại ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Ảnh minh họa: Công an nhân dân.

Dung tích Biển Hồ (Campuchia) hiện còn lại khoảng 3,09 tỷ m3, cao hơn dung tích trung bình nhiều năm, mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 1,39 tỷ m3, 1,95 tỷ m3, 0,82 tỷ m3, 1,96 tỷ m3 và 1,39 tỷ m3.

Tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang), mực nước ngày 2/6/2022 đạt 1,65m và 1,71m. Dự báo xu thế mực nước đầu nguồn ĐBSCL sẽ giảm trở lại trong thời gian tới.

Trong tuần từ ngày 25/5 đến 1/6/2022 mưa xuất hiện nhiều nơi trên vùng đồng bằng với vũ lượng bình quân khoảng 50-80mm, có nơi mưa lớn với vũ lượng trên 120mm. Dự báo tuần tới vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục có mưa xuất hiện trên diện rộng với vũ lượng vào khoảng 30-50mm.

Bên cạnh đó, trong tuần từ 26/5-2/6 xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 1.480m3/s đến 3.530m3/s làm mực nước trạm thượng nguồn Chiang Saen dao động tăng 1 đến 1,5m. Hiện mực nước tại Cảnh Hồng đang ở mức cao 538,13m tương ứng với lưu lượng khoảng 3.530m3/s. Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 29,9%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 19,6 tỷ m3, tăng hơn so với tuần trước do có mưa lớn trên lưu vực.

Dự báo lưu lượng bình quân tháng 6 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc và hạ lưu vực Mekong sẽ có tác động tích cực đến giảm xâm nhập mặn tháng 6.

Nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay hiện ở mức thuận lợi. Xâm nhập mặn ở tháng 6 tiếp tục giảm. Các khu vực ven biển, cửa sông ảnh hưởng của xâm nhập mặn thu hẹp. Để phòng tránh các thiệt hại do hạn mặn gây ra đối với các khu vực sản xuất vụ hè thu cách biển 20-25km, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam lưu ý các địa phương cần phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy nước ngọt (khi độ mặn ngoài sông cho phép) để tích trữ nước ao, ruộng, mương liếp...). Lưu ý khi tưới cho cây trồng, nhất là cây ăn quả (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng...) cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới.

USAID hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long USAID hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá phát triển ĐBSCL Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá phát triển ĐBSCL

Minh Thái

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xam-nhap-man-o-dbscl-vao-thang-6-tiep-tuc-giam-169590.html

In bài viết