Giáo dục - một trong những biểu tượng của quan hệ đặc biệt Việt-Lào

07:46 | 28/05/2022

Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã tổ chức buổi nói chuyện nhân kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào - Việt Nam 2022 tại trường Đại học Quốc gia Lào ở thủ đô Vientiane.
Tiếp tục vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào Tiếp tục vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
Hội hữu nghị Lào - Việt Nam: Cầu nối vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Hội hữu nghị Lào - Việt Nam: Cầu nối vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước

Ngày 27/5, tại trường Đại học Quốc gia Lào ở thủ đô Vientiane, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã tổ chức buổi nói chuyện nhân kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào - Việt Nam 2022.

Quang cảnh buổi nói chuyện về quan hệ Lào-Việt. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.
Quang cảnh buổi nói chuyện về quan hệ Lào - Việt Nam. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.

Tham dự có Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào - PGS.TS Phout Simmalavong; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; các Thứ trưởng và nguyên lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cùng đông đảo các thầy, cô giáo, các sinh viên Lào và lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Lào.

Tại buổi nói chuyện, Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong khẳng định giáo dục luôn được hai Đảng, hai Chính phủ Lào và Việt Nam xác định là lĩnh vực hợp tác chiến lược.

Ngay từ thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam không chỉ giúp Lào thiết lập và mở rộng toàn diện giáo dục vùng giải phóng của Lào, mà còn thành lập các trường tại Việt Nam để đào tạo đội ngũ cán bộ cho Lào và tiếp nhận lưu học sinh Lào sang học.

Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào cho biết trong suốt hơn 6 thập niên qua, Việt Nam đã giúp đào tạo cho Lào hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên ở mọi lĩnh vực từ chính trị, hành chính, an ninh, quốc phòng, nhà nghiên cứu, giáo viên…

Nhiều người trong số này đã trở thành những cán bộ cốt cán, đóng vai trò chủ chốt trong thời kỳ đấu tranh cách mạng cũng như trong các giai đoạn bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước cho đến tận ngày nay.

Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn 1982-2022, Chính phủ Lào cũng đã hỗ trợ đào tạo tổng cộng 4.850 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam để xây dựng đội ngũ chuyên gia Việt Nam về Lào, qua đó góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào khẳng định hợp tác giáo dục là một trong những biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, nhấn mạnh những kết quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này không chỉ góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam anh em, mà còn có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước Lào.

Theo PGS.TS Phout Simmalavong, để thiết thực kỷ niệm Năm Hữu nghị Đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022, trong năm nay, ngành giáo dục Lào sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tổ chức gặp gỡ, diễn thuyết, triển lãm, xuất bản sách và làm phim tài liệu về mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực giáo dục nói riêng để ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của hai dân tộc và giáo dục cho học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.

Trong các chia sẻ của mình, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng và nguyên Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Boxengkham Vongdara đã ôn lại lịch sử và những thành tựu nổi bật trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục trong việc gìn giữ, vun đắp và phát triển quan hệ giữa hai nước, cũng như sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ hiện nay.

Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đã chúc mừng những kết quả to lớn trong sự nghiệp trồng người của ngành giáo dục Lào; chân thành cảm ơn ngành giáo dục Lào đã luôn tạo điều kiện, dành sự quan tâm cho các lưu học sinh Việt Nam hoàn thành tốt chương trình đào tạo tại Lào.

Đại sứ khẳng định mỗi lưu học sinh Việt Nam ngày nay cũng như thế hệ tiếp theo sẽ luôn ghi nhớ lời dạy của các thầy cô giáo Lào, nỗ lực góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển.

Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào
Báo Lào: Tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam là di sản vô giá Báo Lào: Tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam là di sản vô giá

Phạm Kiên - Bá Thành/TTXVN

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giao-duc-mot-trong-nhung-bieu-tuong-cua-quan-he-dac-biet-viet-lao-169260.html

In bài viết