Nghị lực vươn lên của người phụ nữ khuyết tật

10:52 | 11/05/2022

Từng qua bao ngày sấp ngửa đèo những bọc quần áo to đùng đi bán khắp các chợ, vỉa hè, quán nước... đến nay chị Phạm Thu Trang đã có một cửa hàng dịch thuật riêng, lại thêm nghề kinh doanh hàng tiêu dùng. Quan trọng hơn, ở vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị đã hỗ trợ đào tạo nghề cho nhiều thanh niên cùng cảnh ngộ.
Tôn vinh vẻ đẹp khiếm khuyết Tôn vinh vẻ đẹp khiếm khuyết
Cơ hội cho người khuyết tật tại Ngày hội việc làm ảo Cơ hội cho người khuyết tật tại Ngày hội việc làm ảo

Xuất hiện tại "Ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật trên nền tảng online Metaverse 2022" do chương trình Tình nguyện Quốc tế World Friends Korea tổ chức trong tuần qua với vai trò diễn giả, chị Phạm Thu Trang đã giúp nhiều khách mời tham gia sự kiện - chủ yếu là người khuyết tật đang tìm kiếm việc làm phù hợp - tìm thấy nhiều kinh nghiệm quý giá từ những trải nghiệm cũng như nghị lực vươn lên của mình.

Thay mặt Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân, chị Phạm Thu Trang (người quàng khăn) nhận bằng khen của Ủy ban Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC
Thay mặt Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân, chị Phạm Thu Trang (người quàng khăn) nhận bằng khen của Ủy ban Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC

Sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh song do di chứng của một số căn bệnh mà năm 18 tuổi chị Trang trở thành người khuyết tật. Việc học hành dở dang, chị trải qua rất nhiều công việc khác nhau, kể cả bán hàng ngoài đường. Ngày ngày bất kể nắng mưa, chị lên chợ Đồng Xuân lấy quần áo về bán ở các chợ, vỉa hè, quán nước. Không ít lần chị Trang bị nhân viên quản lý trật tự đô thị thu giữ hàng vì sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để bày bán hàng hóa.

Năm 2012, chị Trang tham gia Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân. Chứng kiến cảnh chị người nhỏ thó đèo bọc lớn, bọc nhỏ quần áo phía sau, các cô chú trong Hội động viên chị tiếp tục học thêm trung cấp để tìm một công việc phù hợp.

Sau 2 năm học trung cấp, chị Trang đi xin việc trong tâm trạng lo lắng khi bản thân đã ngoài 30 tuổi. Vào làm ở một công ty dịch thuật, chị Trang trải qua quãng thời gian thử việc như bao người. Theo thông báo của người quản lý, chị sẽ thử việc trong một tuần, nhưng hết một tuần chị lại bước sang thử việc tuần thứ hai, thứ ba... mà không hề có phản hồi. Thêm vào đó, sự khắt khe của người quản lý khiến nhiều lần chị Trang phải nuốt ấm ức vào trong. Đến tuần thứ tư, chị Trang gặp quản lý và đề nghị xin rút hồ sơ để tìm cơ hội mới nếu chị chưa đạt tiêu chuẩn của công ty. Chị cũng cho rằng đã thử việc tuần thứ tư mà không được thì chị cũng không thể giúp ích gì cho sự phát triển của công ty. Nghe chị nói vậy, người quản lý cho biết sang tuần sẽ báo cáo cấp trên để ký hợp đồng.

"Hóa ra họ thử tính kiên nhẫn của mình và tôi nhận ra rằng mình không đủ tính kiên nhẫn. Trong cuộc sống cần nhất là sự nỗ lực, kiên trì và biết nhẫn ở thời điểm cần thiết", chị Trang rút ra kết luận sau quãng thời gian thử việc. Ngày nhận được tháng lương đầu tiên, chị vô cùng sung sướng. Dù đồng lương không cao nhưng chính là động lực để chị tiếp tục cố gắng.

Chị Phạm Thu Trang phát biểu trong một chương trình giao lưu. Ảnh: NVCC
Chị Phạm Thu Trang phát biểu trong một chương trình giao lưu. Ảnh: NVCC

Sau một thời gian, chị Trang chuyển sang một văn phòng khác. Công việc yêu cầu cao hơn, áp lực cũng nhiều hơn, đôi lúc chị Trang thấy nản lòng, không biết có nên tiếp tục công việc nữa hay không. Nhưng rồi một phần tuổi tác đã chín chắn, một phần muốn có công việc tốt hơn để tự chủ về kinh tế, bố mẹ đỡ lo lắng, chị lại động viên mình tiếp tục cố gắng.

Sau một thời gian, chị Trang tích lũy được vốn kinh nghiệm và nghỉ việc ở công ty, mở một cửa hàng dịch thuật nho nhỏ. Ngoài ra, chị cũng kinh doanh thêm một số mặt hàng tiêu dùng. Thời điểm hiện tại, chị Trang thấy hài lòng với công việc cũng như mức thu nhập.

Điều chị Trang mong đợi nhất chính là sự công bằng ở tất cả các doanh nghiệp đối với người khuyết tật, nhìn nhận được năng lực thực sự của người khuyết tật.

Từ câu chuyện của bản thân, chị Phạm Thu Trang cho biết đa số người khuyết tật làm các công việc liên quan đến trí não, do vậy những kỹ năng cơ bản về máy tính văn phòng, chỉnh sửa ảnh vô cùng cần thiết. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, bán hàng, kỹ năng đội, nhóm, ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh cũng rất quan trọng.

Vì lẽ đó, ngay từ những ngày đầu tham gia Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân, chị Trang đã mang tâm niệm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm mình đã trải qua và có một công việc trước là để giúp bản thân mình, sau là giúp được những người xung quanh.

Để trang bị nghề nghiệp cho người khuyết tật trong Câu lạc bộ, chị Trang đã tổ chức một số lớp đào tạo tin học, photoshop... dưới sự hỗ trợ của Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng tổ chức các lớp tiếng Anh miễn phí với các tình nguyện viên trong nước và nước ngoài. Qua các lớp học, nhiều thanh niên khuyết tật được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hỗ trợ giới thiệu đến một số doanh nghiệp.

Mới đây, vào tháng 4/2022, nhiều thành viên trong Câu lạc bộ của chị cũng tham gia khóa tập huấn kỹ năng dẫn chương trình nhằm trang bị và nâng cao khả năng thích ứng, vượt qua rào cản vật lý cũng như rào cản tâm lý để làm công việc mình yêu thích.

Chị Trang chia sẻ: "Khi người khuyết tật được hỗ trợ và bản thân mỗi người quyết tâm dấn thân, chịu khó thì sẽ thành công. Còn nếu chỉ đứng nhìn hay nghĩ rằng mình không làm được thì cơ hội sẽ qua đi, bản thân người khuyết tật cũng không biết được năng lực của mình ở đâu. Cách tốt nhất chính là thay đổi chính bản thân mình".

Gần 3.000 tỷ đồng đến với người khuyết tật và trẻ mồ côi Gần 3.000 tỷ đồng đến với người khuyết tật và trẻ mồ côi
Người Việt sưu tầm xe quân sự cổ để gây quỹ giúp trẻ em khuyết tật Người Việt sưu tầm xe quân sự cổ để gây quỹ giúp trẻ em khuyết tật

Thành Luân - Trần Hạnh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nghi-luc-vuon-len-cua-nguoi-phu-nu-khuyet-tat-168090.html

In bài viết