Gắn kết tình nghĩa hữu nghị Việt - Lào trên giảng đường đại học

15:24 | 06/05/2022

Các lưu học sinh Lào mang theo những hoài bão và ước mơ về tương lai đang theo học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã tự tin hòa nhập và thích nghi với môi trường mới không quản ngại vượt qua những rào cản về ngôn ngữ cũng như văn hóa. Hành trình của các lưu học sinh Lào muốn chinh phục đó chính là tri thức. Trên con đường chinh phục ấy họ không hề cô đơn, thầy và trò Trường Đại học Sư phạm luôn ân cần giúp đỡ và sẻ chia.
Thắm mãi tình hữu nghị Việt - Lào Thắm mãi tình hữu nghị Việt - Lào
Mạch ngầm kết nối tình hữu nghị Việt - Lào Mạch ngầm kết nối tình hữu nghị Việt - Lào
Các sinh viên Việt - Lào tại ngày hội giao lưu văn hóa. Ảnh: VIỆT THẮNG
Các sinh viên Việt - Lào tại ngày hội giao lưu văn hóa. Ảnh: VIỆT THẮNG

Tương trợ nhau trong giao tiếp

Trong trái tim những học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam, dù là từ những năm gian khổ của thế kỷ trước cho đến hiện nay, đất nước Việt Nam cũng thiêng liêng như đất mẹ Lào.

Trải qua những năm tháng gắn bó, nhiều gia đình Việt Nam đã trở thành bố mẹ, anh em của những lưu học sinh Lào, với những tiếng gọi “bố, mẹ-con” thân thương và trìu mến.

Thammavong Bouakhai (SN 1984) hiện là học viên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Vật lý, Trường Đại học Sư phạm. Bouakhai cho biết, thời gian đầu, đến nơi “đất khách quê người” nên gặp nhiều trở ngại trong việc xoay xở, thích nghi với môi trường sống và học tập hoàn toàn mới. “Tiếng Việt của tôi còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc nghe và phát âm. Thầy cô ở Lào dạy tiếng Việt theo tiếng miền Bắc, còn giáo viên ở Đà Nẵng dạy theo giọng miền Trung. Sự khác nhau về chất giọng hai miền vô tình tạo nên rào cản trong việc học một thứ tiếng mới đối với tôi”, Bouakhai chia sẻ.

Sang Việt Nam đúng vào thời điểm thành phố Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì Covid-19 trong năm 2021, Thammavong Bouakhai không thể ra ngoài giao lưu, trò chuyện cùng với người bản xứ để cải thiện vốn từ ngữ và khả năng giao tiếp của mình. Vì thế, trước khi các tiết học diễn ra, nữ sinh viên người Lào được thầy cô trực tiếp chuyển nội dung bài giảng, tài liệu… để tham khảo và tìm hiểu trước. Cách làm này, giúp Bouakhai dễ tiếp thu kiến thức và khi giảng viên truyền đạt sẽ nắm bài nhanh, hiệu quả hơn.

Mang trong mình ước mơ trở thành giáo viên để ươm mầm tri thức cho các bạn nhỏ, Mthachak Vanida (SN 1999), sinh viên khóa 19, ngành Sư phạm tiểu học cùng chung tâm trạng như Thammavong Bouakhai. Vanida bày tỏ: “Ban đầu mình không hiểu tiếng Việt, rất ngại nói và sợ người khác cảm thấy phiền mà không mở lòng với mình”. Nhưng may mắn, trong quá trình học tập, Vanida luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các sinh viên Việt và thầy cô. Kỹ năng nghe và nói tiếng Việt dần được cải thiện. Không chỉ vậy, trong các thảo luận nhóm, lưu học sinh Lào nhận được sự hỗ trợ từ các bạn sinh viên Việt trong việc triển khai ý tưởng, trao đổi và khai thác thông tin, đưa ra quan điểm, trình bày nội dung…

Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho CHDCND Lào luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Saysonphone Phomvihane, cựu học sinh trường T78 nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch mặt trận Lào xây dựng đất nước từng tâm sự: "Khi nhìn lại quá khứ về trường học phổ thông, nơi mà đã cho mình trú ngụ học hành, cho mình những kiến thức cơ bản nhất của một cuộc đời, không ai mà chẳng xúc động khi nghĩ tới mái trường phổ thông xưa đó, trường Hữu nghị miền núi Trung ương Lào-Việt Nam…"

Bạn Xeo Văn Hồng, thành viên Đội tự quản sinh viên ký túc xá chia sẻ: “Em luôn chủ động nhắn tin hỏi han các bạn Lào về tình hình học tập và sinh hoạt tại trường. Hướng dẫn một số câu giao tiếp cơ bản, các phong tục tập quán… để các bạn hiểu hơn về văn hóa và lối sống của người Việt. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động giao lưu, trò chuyện để tạo mối quan hệ tốt đẹp, đoàn kết với sinh viên nước bạn”. Cũng theo Hồng, trong năm học mới, nhóm đã hỗ trợ công tác đón tân sinh viên Lào về ký túc xá của trường. Hướng dẫn bố trí, dọn dẹp và sắp xếp phòng ở, tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn sinh hoạt và học tập thoải mái nhất.

Chủ nhiệm Hội Sinh viên Lào tại Trường Đại học Sư phạm Ahousit Vannaphone chia sẻ, các tân sinh viên Lào đến Đà Nẵng học luôn được sinh viên Việt Nam giúp đỡ tận tình. Sau thời gian, các lưu học sinh Lào dần mạnh dạn, hòa nhập cuộc sống mới. “Mình luôn động viên, khích lệ tinh thần các em hãy chủ động nói nhiều hơn; khuyến khích các em tìm một bạn người Việt để cùng chuyện trò, giao lưu với nhau, giúp bản thân mình trau dồi, nâng cao trình độ nói tiếng Việt”, Ahousit Vannaphone nói.

Trong 5 năm trở lại đây, khá nhiều học sinh đã chuyển sang đăng ký và được tuyển chọn vào các trường liên quan đến truyền thông và đặc biệt là ngành y dược, khoa học công nghệ. “Những trường như Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Thái Nguyên, Hải Phòng, Đại học Đà Nẵng… đang là những trường ‘hot’ được các em học sinh Lào lựa chọn,” thầy Nghĩa cho hay.

Hiện nay, dù các nước khác cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho các sinh viên Lào nhưng nhiều bạn vẫn chọn tới Việt Nam để học tập bởi mối quan hệ truyền thống đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa hai nước cũng như tình cảm đặc biệt mà nhà trường, thầy cô, bè bạn và người dân dành cho các bạn.

Theo Đại sứ Lào tại Việt Nam Thoongsavanh Phomvihane, hiện có hơn 14.000 học sinh, sinh viên Lào đang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam, là đất nước có đông sinh viên Lào theo học nhất. Và những sinh viên này sẽ chính là những người kế thừa và phát triển di sản vô giá trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Để hỗ trợ nâng cao đào tạo tiếng Việt, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã hoàn thành Biên soạn Chương trình dạy tiếng Việt và bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh Lào. Thực hiện thí điểm dạy học song ngữ Việt - Lào tại trường Nguyễn Du, Viêng Chăn, Lào. Hiệu chỉnh và hoàn thiện 02 bộ từ điển Lào - Việt, Việt - Lào. Hàng năm cử từ 30 đến 40 giáo viên sang dạy tiếng Việt và các môn khoa học tự nhiên tại Lào.

Giao lưu văn hóa, gắn kết nghĩa tình

Trên tinh thần hữu nghị, gắn kết tình cảm Việt - Lào, Trường Đại học Sư phạm luôn tạo ra sân chơi với các chương trình, hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa đến với lưu học sinh Lào. Hòa trong không khí đón Tết Nhâm Dần 2022, nhà trường tổ chức hoạt động nấu bánh chưng, bánh tét cho các lưu học sinh Lào và sinh viên Việt đón Tết xa nhà tại ký túc xá. “Kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là sinh viên Lào - Việt cùng tham gia vào lễ hội truyền thống Tết té nước được tổ chức vào năm 2021”, anh Vannaphone chia sẻ. Đặc biệt, tại Ngày hội giao lưu Văn hóa Việt - Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay và kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ Việt - Lào (1962- 2022) diễn ra đầu tháng 4, sinh viên Việt - Lào cùng tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, ẩm thực… vui nhộn.

Lưu học sinh Lào cũng ngày càng hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam. Nếu ban đầu là quanh quẩn sinh hoạt trong khu ký túc xá của lưu học sinh, giờ đây các lưu học sinh Lào đã tham gia vào hầu hết các hoạt động của sinh viên Việt Nam.

Không chỉ vậy, mối tình thắm thiết giữa sinh viên Việt - Lào còn thể hiện qua những hành động sẻ chia lúc khó khăn. Trong thời gian thành phố giãn cách xã hội, nhiều lưu học sinh Lào phải cách ly tại ký túc xá được thầy cô và bạn bè Việt kịp thời động viên, chia sẻ.

Ở các trường đại học, ngoài giờ học, các bạn cũng tham gia đội bóng, văn nghệ với sinh viên Việt, cùng nhau đi khám phá ẩm thực địa phương. “Các bạn trong lớp rủ mình về quê các bạn là mình đi theo ngay, cả Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh… mình đều đi hết. Hết giờ học các bạn cũng rủ mình về nhà, giới thiệu món ăn, rồi đi ăn các món như bún chả, bún thang, chè, cà phê Hà Nội. Vui lắm…” anh Houmphaeng Vilayphone, một cựu sinh viên Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhớ lại.

Về phía Lào, Thứ trưởng Bộ GD&TT Lào Khathaly Siliphongphan cho biết, sẽ tăng cường dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào trước khi sang Việt Nam học tập, ngoài việc học dự bị tiếng Việt 2 tháng, khoa tiếng Việt của Đại học Quốc gia Lào cũng sẽ có chương trình dạy 4 tháng tiếng Việt cho các sinh viên Lào. Phía Lào cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam để tăng cường các giải pháp quản lý sinh viên Lào tại Việt Nam.

Giới thiệu về giáo dục đại học Việt Nam tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện Việt Nam đã có 121 cơ sở giáo dục đại học được công nhận bởi các tổ chức kiểm định trong nước và 06 cơ sở đào tạo được kiểm định và công nhận bởi tổ chức kiểm định nước ngoài, 142 chương trình đại học được đánh giá và công nhận trong đó 16 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 126 chương trình theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Thạc sĩ Huỳnh Bọng, Phó trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Sư phạm cho biết, vào thời điểm giãn cách xã hội, lãnh đạo nhà trường và Ban quản lý ký túc xá đã vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho sinh viên Lào ở lại tại Việt Nam; đồng thời kêu gọi mạnh thường quân, nhà hảo tâm, huy động số tiền hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ sinh viên Lào. Ngoài ra, trong quá trình lưu học sinh Lào học tập tại trường, Đoàn Thanh niên phối hợp ký túc xá trường tạo điều kiện cho các em trong giao tiếp và kết bạn với sinh viên Việt Nam. Từ đó, giúp ngôn ngữ tiếng Việt của sinh viên Lào vững vàng hơn.

VUFO, Hội Hữu nghị Việt – Lào chúc mừng Tết cổ truyền Bunpimay 2022 của Lào VUFO, Hội Hữu nghị Việt – Lào chúc mừng Tết cổ truyền Bunpimay 2022 của Lào
Vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào Vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào

Tuyết Mai

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/gan-ket-tinh-nghia-huu-nghi-viet-lao-tren-giang-duong-dai-hoc-167779.html

In bài viết