Cơ hội cho gạo Việt Nam trong cuộc chạy đua vào thị trường ASEAN

13:56 | 06/05/2022

Nhu cầu chất lượng gạo tại ASEAN ngày càng tăng, Việt Nam tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa gạo - măt hàng nông sản chính.
Tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN Tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN
Đưa thực phẩm Hoa Kỳ đến gần hơn với thị trường Việt Nam Đưa thực phẩm Hoa Kỳ đến gần hơn với thị trường Việt Nam

Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN được tổ chức trực tiếp tại An Giang do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại ASEAN và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đồng tổ chức vào ngày 5/5, đồng thời kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam đóng trên địa bàn tỉnh An Giang và cả nước.

Toàn cảnh phiên tư vấn thứ 12 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức tại điểm cầu An Giang - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Toàn cảnh phiên tư vấn thứ 12 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức tại điểm cầu An Giang - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang và cả nước sẽ được đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan… thông tin về tình hình thị trường gạo và các cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tiếp cận các thị trường này.

Phiên tư vấn sẽ giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm lúa gạo vào thị trường ASEAN như: nhu cầu thị trường, chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại - cho biết ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực này rất lớn, trong đó có mặt hàng gạo là mặt hàng nông sản chính.

Theo báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong số các nước ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines. Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei...

Bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết gạo được xem là thực phẩm chính của người dân Malaysia, nên đây là một thị trường rất tiềm năng đối với gạo của Việt Nam. Không những vậy, khi gạo Việt Nam có mặt và chiếm lĩnh được vị thế tại thị trường Malaysia, thì sẽ rất dễ dàng tiếp cận thị trường các nước Trung Đông rộng lớn và giàu có.

Tuy nhiên, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gạo sang Malaysia cần xây tập trung đưa các sản phẩm gạo mang thương hiệu gạo riêng của doanh nghiệp Việt Nam, tránh xuất khẩu thô cho các doanh nghiệp Malaysia đóng gói và “khoác thương hiệu” của doanh nghiệp nước sở tại.

Ông Phạm Thế Cường - tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia - cho hay gạo là lương thực chính trong các bữa ăn hằng ngày của người dân Indonesia, là nguồn lương thực quan trọng trong các sản phẩm từ lúa gạo như loại bánh, đồ ăn nhanh… Tổng nhu cầu tiêu thụ gạo tại nước này trên 30 triệu tấn/năm.

Đây là nước sản xuất lúa gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Trung Quốc. Quốc đảo này có điều kiện khí hậu thuận lợi để canh tác lúa gạo nhưng người dân không thiết tha với sản xuất lúa gạo, vì năng suất và chất lượng lúa gạo của họ chưa cao.

Để bảo đảm sản xuất trong nước, Indonesia có chính sách quản lý gạo nhập khẩu khá chặt chẽ theo cơ chế cấp phép và giới hạn, chỉ nhập khẩu những loại gạo trong nước không sản xuất hoặc các loại gạo chất lượng cao từ 0-5% tấm

Còn ông Cao Xuân Thắng - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore - cho biết hiện nay Singapore đã tự chủ được 10% lương thực thực phẩm các loại. Nhập khẩu từ Việt Nam: gạo, rau củ quả, hạt điều, cà phê… tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường này chỉ 0,15% trong tổng số các mặt hàng của Việt Nam. theo đánh giá đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng của gạo Việt Nam.

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo vào đóng thùng container để xuất khẩu - Ảnh: MINH KHANG
Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo vào đóng thùng container để xuất khẩu - Ảnh: MINH KHANG

Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo đến năm 2030. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang ASEAN, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho rằng ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng khách hàng, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm...

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới.

Đồng thời, các doanh nghiệp được khuyến cáo tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Anh: nhiều cơ hội, doanh nghiệp tiếp cận thế nào? Xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Anh: nhiều cơ hội, doanh nghiệp tiếp cận thế nào?
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Cuba Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Cuba

Trần Nhung

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/co-hoi-cho-gao-viet-nam-trong-cuoc-chay-dua-vao-thi-truong-asean-167756.html

In bài viết