Triển vọng mới cho xuất khẩu của Việt Nam sau một năm thực thi UKVFTA

20:17 | 18/03/2022

Ngay đầu năm 2022, xuất khẩu Việt Nam sang Vương quốc Anh đã có những tín hiệu vui khi lần đầu tiên đặc sản hoa quả nhiệt đới và hàng nông sản thực phẩm Việt Nam có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn tại Anh.
Nông sản Việt Nam cần chuẩn hóa để đưa sản phẩm vào xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc Nông sản Việt Nam cần chuẩn hóa để đưa sản phẩm vào xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
4 thị trường lớn chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đầu năm 2022 4 thị trường lớn chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đầu năm 2022
Hiệp định UKVFTA đóng vai trò đòn bẩy vững chắc, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiệp định UKVFTA đóng vai trò đòn bẩy vững chắc, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Kết quả đáng khích lệ này là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan và cả những lợi ích mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) mang lại.

Trước đó, một số mặt hàng nông sản Việt Nam như hạt điều, cà phê, hạt tiêu được bán tại các siêu thị Anh, trong khi gạo, hoa quả và các nông sản thực phẩm khác chỉ được bày bán tại các siêu thị nhỏ lẻ phục vụ cộng đồng người Việt và cộng đồng người Á.

Sau khi UKVFTA có hiệu lực, việc xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho mặt hàng rau quả đã giúp việc xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Anh trong năm 2021 tăng 67% so với năm 2020 lên hơn 19,35 triệu USD, các mặt hàng nông sản các loại tăng 16% lên hơn 230,4 triệu USD. Về tổng thể, xuất khẩu Việt Nam sang Anh năm 2021 tăng 16,4% so với năm 2020 với tổng kim ngạch đạt hơn 5,76 tỷ USD.

Với 94% trong tổng số 547 dòng thuế các sản phẩm nông nghiệp được dỡ bỏ, sản phẩm Việt Nam có khả năng cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh.

UKVFTA cũng là đã thúc đẩy thương mại Việt Nam-Anh phục hồi trở lại sau những giảm sút đáng kể vào năm 2019 và 2020. Thương mại hai chiều năm 2021 đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020, Việt Nam cũng đạt thặng dư thương mại xấp xỉ 4,92 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2020. Xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng 24%.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vỏ container, cước phí vận chuyển tăng cao và kinh tế Anh chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch.

Tiến sĩ Lương Tuấn Anh, giảng viên Kinh tế Đại học Montfort Leicester (Anh), cho biết Việt Nam là cửa ngõ đến thị trường lớn châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu. Việt Nam là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và nước đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA). Việc ký kết UKVFTA giúp các công ty Việt Nam trở thành trung gian cho các công ty ở Anh đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường châu Âu.

Việc thực thi UKVFTA không chỉ đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước mà còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Anh. Ông Phạm Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK) cho biết sau khi UKVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam tại Anh đã được nhiều doanh nghiệp sở tại quan tâm và liên kết hợp tác. Hiệp định thực sự là “cú hích” cho các doanh nghiệp Việt tại Anh cũng như trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh sau Brexit.

Ông Thái Trần, Giám đốc Công ty TT Meridian, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Anh, cho biết những lợi ích của UKVFTA đã khiến nhiều nhà phân phối, các siêu thị, chuỗi đồ ăn Việt và các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Việt ở Anh tích cực tìm kiếm nguồn hàng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, bức tranh không hoàn toàn màu hồng bởi tuy giảm thuế cho nhiều ngành hàng, UKVFTA có nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn rất cao. Chỉ những hàng Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, ... mới được giảm thuế. Đơn cử như gạo, không phải loại gạo nào cũng được hưởng thuế ưu đãi từ UKVFTA, mà chỉ một số nhóm gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Ông Thái Trần cũng nhấn mạnh thị trường Anh có tính cạnh tranh rất cao với rất nhiều thương hiệu đến từ các quốc gia khác nhau, do đó các nhà phân phối có nhiều sự lựa chọn.

Tuy nhiên, Anh cũng là thị trường lớn mà các doanh nghiệp Việt còn nhiều cơ hội khai thác. Hiện tại, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam, song thị phần của Việt Nam tại thị trường này tuy còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh.

Theo ông Thái Trần, để chiếm lĩnh được thị trường Anh, việc cần làm ngay là xây dựng thương hiệu quốc gia "uy tín, chất lượng" với chiến lược sử dụng mô hình kim tự tháp. Theo đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn, có đầy đủ nguồn lực để quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu… có thể tiếp cận các đối tác Anh để ký hợp đồng sẽ nằm ở phần chóp của kim tự tháp. Đế của kim tự tháp sẽ là các nhà cung cấp sản phẩm cho nhóm ở đỉnh kim tự tháp, hoạt động dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ chất lượng từ nhóm trên để đảm bảo chất lượng. Phát triển theo mô hình này sẽ giúp thương hiệu hàng Việt có chỗ đứng ở thị trường Anh, là tiền đề để doanh nghiệp khác tận dụng thương hiệu quốc gia và phát triển thị trường tại Anh.

Lần đầu tiên Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu Lần đầu tiên Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu
Việt Nam có nhiều mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang Singapore Việt Nam có nhiều mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang Singapore

Hồng Vân (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/trien-vong-moi-cho-xuat-khau-cua-viet-nam-sau-mot-nam-thuc-thi-ukvfta-164867.html

In bài viết