Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ

15:00 | 15/03/2022

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều phụ nữ mất việc làm, gánh nặng chăm sóc con cái và công việc gia đình không được trả công thêm nặng nề, bạo lực gia đình gia tăng.
Việt Nam kêu gọi tăng cường các chương trình và hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ Việt Nam kêu gọi tăng cường các chương trình và hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ
Đề xuất 5 chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam Đề xuất 5 chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam

Gánh nặng kép

Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động việc làm quý II/2021 cho biết, khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ, vốn chưa từng có trước đại dịch.

Trong quý IV năm 2019, không có sự khác biệt rõ ràng về tỷ lệ thất nghiệp giữa nam và nữ (cùng ở mức 1,4%). Khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý III/2020 tăng so với quý IV/2019 (tương ứng 2,2% so với 1,4%), trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nam không thay đổi (1,3% vào quý III/2020). Trong số những phụ nữ phải rời bỏ lực lượng lao động trong quý II, III/2020 thì nhóm phụ nữ trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) và nhóm phụ nữ từ 55 tuổi trở lên chiếm phần lớn.

Sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nam và nữ có sự khác nhau. Phụ nữ thường tập trung ở một số ngành/lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bị ảnh hưởng nhiều nhất, cụ thể là thương mại bán lẻ (64%), khách sạn và du lịch (66%), và các ngành sản xuất hàng may mặc xuất khẩu (77%).

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều phụ nữ rơi vào cảnh mất việc làm, không có thu nhập. Ảnh: TTXVN
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều phụ nữ rơi vào cảnh mất việc làm, không có thu nhập. Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các lĩnh vực này đã bị giảm sút hoạt động kinh tế trên diện rộng, bao gồm chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ Trung Quốc và khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài. Sự tham gia của lực lượng lao động ở mức thấp nhất trong một thập kỷ. Đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ cho biết họ là lao động tự làm hoặc lao động gia đình đã tăng lên và cao gấp đôi so với tỷ lệ này ở nam giới (19,6% so với 8,6% ở nam giới). Đây là nhóm đối tượng lao động phần lớn không có bảo hiểm xã hội.

COVID-19 cũng làm gián đoạn việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu. Việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp phong toả trong thời kỳ dịch bệnh làm gián đoạn việc tìm đến các dịch vụ y tế hỗ trợ, nhất là phụ nữ và trẻ em, trong đó phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Số liệu so sánh từ quý đầu năm 2019 và 2020 cho thấy tỷ lệ sinh con tại các cơ sở y tế đã giảm 5-15%, trong trường hợp cực đoan, tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm tới hơn 50%.

Đồng thời, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cũng giảm từ 5-10% đối với một vài nhóm dân số. Tổng số ca tử vong ở người mẹ liên quan đến thai sản tăng thêm 44% so với trường hợp không có dịch bệnh và có thể lên đến mức 65%, tương ứng mức tăng 443 ca vào năm 2020.

Bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng

Từ đầu tháng 2/2020, việc giãn cách xã hội đã khiến việc học tập của hơn 21 triệu trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng. Kết quả khảo sát của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy, việc đóng cửa trường học đã tác động đến khoảng 26% số hộ gia đình có con trong độ tuổi đi học. Nhóm trẻ mầm non bị ngắt quãng hoàn toàn trong học tập và kết nối với nhà trường, các em phải nghỉ học ở nhà hoặc phải gửi ông/bà/người thân chăm sóc. Mỗi hộ gia đình phải có tối thiểu một người lớn giảm hoặc ngừng hẳn công việc tạo thu nhập để trông nom, chăm sóc trẻ em nghỉ học ở nhà. Trong hộ gia đình, các bà mẹ phải giảm/ngừng việc để trông nom, chăm sóc trẻ em nghỉ học ở nhà nhiều hơn so với các ông bố.

Việc đóng cửa trường học đã tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các giáo viên hợp đồng tại các nhà trường trong hệ thống giáo dục. Đặc biệt là giáo viên mầm non với phần lớn là phụ nữ. Một lực lượng lớn giáo viên dạy hợp đồng đang phải tìm các công việc khác nhau để mưu sinh trong mùa dịch.

Việc giãn cách xã hội cùng những áp lực về tâm lý, sức khoẻ cũng như gánh nặng về kinh tế khi phải nghỉ việc không lương hoặc giảm mức thu nhập hàng tháng gây áp lực cho mỗi gia đình. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, sự lo lắng gia tăng và căng thẳng tài chính, sự khan hiếm các nguồn lực trong cộng đồng,… đã tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em ngày càng trầm trọng. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong khủng hoảng.

Sau khi thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc vào tháng 5/2020, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng và số lượng phụ nữ và trẻ em tìm kiếm chỗ tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ vào năm 2019.

Kết quả nghiên cứu ở Hà Nội năm 2020 cho thấy tình trạng xung đột trong hôn nhân hầu như đại trà kể từ khi đại dịch bùng phát. Ước tính có khoảng 87,8% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tâm lý, 80,9% phụ nữ chịu hành vi kiểm soát và 59% phụ nữ đã từng bị bạo lực thể chất. Cứ 4 phụ nữ trong được hỏi thì có 1 người (25%) tiết lộ từng bị bạo lực tình dục. Gần một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực (45%) đã tìm kiếm sự giúp đỡ, mặc dù tìm kiếm giúp đỡ khó hơn rất nhiều trong thời gian phong tỏa. Một nửa số phụ nữ (51%) từng có ý định tự tử. Đáng chú ý, phần lớn phụ nữ được phỏng vấn cho biết tất cả các hình thức bạo lực diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 so với trước đây.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, quá trình chuyển đổi từ văn phòng sang làm việc tại nhà diễn ra nhanh chóng ở phạm vi và quy mô lớn, điều này đã dẫn đến nhiều phát sinh đối với phụ nữ hơn so với nam giới.

Việc thực hiện biện pháp giãn cách “ở nhà” để kiềm chế COVID-19 đã làm tăng thêm khối lượng công việc chăm sóc không được trả công vốn đã nặng của phụ nữ như kiểm soát việc học ở nhà của con cái, chăm sóc người cao tuổi, các thành viên bị ốm đau trong gia đình, nấu ăn,dọn dẹp nhà cửa,...

Nhìn chung, phụ nữ Việt Nam dành nhiều hơn nam giới trung bình hơn 12 tiếng/tuần để làm việc nhà . Trong thời gian đóng cửa trường học, phụ nữ thậm chí còn phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái và làm việc nhà không lương, điều này làm ảnh hưởng đến chính công việc tạo ra thu nhập cho họ.

Tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2021 (Hội nghị cấp Bộ trưởng) diễn ra vào tháng 9/2021, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Trước những khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn cam kết và ưu tiên thực hiện bình đẳng giới thông qua việc ban hành và triển khai các chiến lược, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới đến năm 2030 và những nỗ lực đóng góp thực hiện mục tiêu mà APEC đề ra trong Lộ trình La Serena về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm”.

Theo Thứ trưởng Hà, kết quả này mang tới niềm tin rằng phụ nữ Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc hoạch định chính sách và lãnh đạo, quản lý xã hội trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Việt Nam là một ví dụ điển hình về thực thi mục tiêu bình đẳng giới Việt Nam là một ví dụ điển hình về thực thi mục tiêu bình đẳng giới
Việt Nam kêu gọi tăng cường các chương trình và hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ Việt Nam kêu gọi tăng cường các chương trình và hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ

Minh Thái

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dai-dich-covid-19-anh-huong-nang-ne-den-phu-nu-164641.html

In bài viết