Hơn 2.000 sinh viên được hưởng lợi nhờ chương trình xóa bỏ bạo lực giới của UN Women

20:40 | 25/02/2022

Chiều 25/2, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã khởi động chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn” tại các trường đại học: Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Thái Nguyên và Đại học Hồng Đức Thanh Hóa nhằm xóa bỏ bạo lực giới bao gồm quấy rối tình dục tại các trường đại học.
Hơn 300.000 trẻ em Việt Nam được học lập trình Hơn 300.000 trẻ em Việt Nam được học lập trình
Cần Thơ: Khởi động chương trình giao lưu văn hóa học sinh, sinh viên Việt Nam - Hàn Quốc Cần Thơ: Khởi động chương trình giao lưu văn hóa học sinh, sinh viên Việt Nam - Hàn Quốc
Các đại biểu tham dự Lễ khởi động chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn”.
Các đại biểu tham dự Lễ khởi động chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn”.

Chương trình dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho hơn 2.000 sinh viên và 300 giáo viên, cán bộ nhân viên tại các trường đại học với 3 hoạt động chính bao gồm: đánh giá tình hình an toàn của sinh viên và cán bộ, giảng viên nữ trong các trường đại học làm cơ sở xây dựng chính sách đảm bảo an toàn cho sinh viên; chiến dịch truyền thông trực tiếp và trực tuyến nâng cao nhận thức cho sinh viên về vấn đề bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới cũng như cách ứng phó khi bị bạo lực; thiết lập kênh hỗ trợ khẩn cấp và thường xuyên cho những sinh viên, cán bộ nữ bị bạo lực thông qua phòng tham vấn tâm lý đặt tại các trường đại học.

Các hoạt động được triển khai theo hướng dẫn toàn cầu của UN Women về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trong khuôn viên trường đại học, góp phần thực hiện mục tiêu 5 trong khuôn khổ Các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định “Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và các trường Đại học sư phạm nói chung có đặc trưng là số lượng sinh viên nữ chiếm tỉ lệ khá lớn, vì thế nguy cơ sinh viên nữ là nạn nhân hay người trải nghiệm những hình thức của bạo lực hẹn hò, quấy rối tình dục là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rất vinh dự được tham gia vào chương trình này và sẵn sàng chung tay cùng với UN Women xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn để kiến tạo một môi trường học đường thực sự thân thiện, không có bất kì hình thức bạo lực nào xảy ra với các em sinh viên và cả cán bộ, giảng viên nữ trong nhà trường.”.

Bà Lê Thị Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Công tác chính trị, Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Đây là sáng kiến đầu tiên được thực hiện bài bản, có hệ thống theo hướng dẫn chung toàn cầu ở môi trường đại học ở Việt Nam. Sự kiện này cũng cho thấy vai trò của các trường đại học sư phạm trong việc tuyên truyền, lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới, chấm dứt mọi hình thức bạo lực với sinh viên và cán bộ nữ trong trường đại học. Những số liệu thu được từ dự án này sẽ là cơ sở có giá trị cho các nhà quản lí giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan khác để ban hành những qui định, chính sách thiết thực, hiệu quả nhằm đảm bảo môi trường học đường an toàn không bạo lực cho sinh viên”.

Các trường cùng nhau cam kết tham gia hệ thống các trường đại học sư phạm để thực hiện dự án “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn”.
Chương trình dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho hơn 2.000 sinh viên và 300 giáo viên, cán bộ nhân viên tại các trường đại học.

Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ quản lý chương trình, UN Women nhấn mạnh: “Bạo lực giới hiện diện ở mọi nơi và xảy ra với mọi cá nhân không phân biệt tuổi tác hay trình độ. Bạo lực giới tại trường học và khuôn viên trường đại học bao gồm quấy rối tình dục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm lý của nạn nhân mà còn ảnh hưởng tới chất lượng nền giáo dục và kinh tế của quốc gia. Với kinh nghiệm quốc tế nhiều năm, UN Women sẽ đồng hành cũng các trường đại học tại Việt Nam để xây dựng những khuôn viên trường học an toàn và bình đẳng”.

Trong phần thảo luận với đại diện các trường đại học tại Hà Nội, đại diện trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và Đại học Hồng Đức- Thanh Hóa đều khẳng định sự cần thiết của những dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống và được đào tạo bài bản giúp sinh viên, cán bộ và giảng viên tại các trường đại học có thể bảo vệ bảo thân và lên tiếng trước những hành vi bạo lực giới. Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới bao gồm bao lực hẹn hò và quấy rối tình dục cả trên giảng đường và trên không gian mạng cũng cần được đẩy mạnh.

Khuôn viên trường đại học tạo ra một loạt rủi ro riêng cho phụ nữ bao gồm tiếp xúc và trải nghiệm bạo lực như tấn công tình dục, rình rập, bạo lực bạn tình / bạo lực hẹn hò và quấy rối tình dục.

Bằng chứng trên toàn cầu cho thấy bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề nghiêm trọng tại các trường đại học, ví dụ trong một khảo sát quốc gia cho thấy 51% sinh viên ở Úc đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần trong năm 2016 và 6,9% sinh viên từng đối mặt với tấn công tình dục ít nhất một lần vào năm 2015 hoặc 2016. Tại Ai Cập, 70% phụ nữ tại Đại học Cairo từng bị quấy rối tình dục vào năm 2015. Các chuyên gia tin rằng hầu hết các vụ việc đều không được báo cáo. Rất tiếc, Việt Nam chưa có số liệu tương tự để so sánh với các nước khác. Tuy nhiên, Nghiên cứu Quốc gia lần 2 về Bạo lực đối với Phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi 15-64 đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời dưới tay của chồng hoặc bạn tình.

3.000 phụ nữ di cư được tặng gói hàng thiết yếu và truyền thông về bình đẳng giới 3.000 phụ nữ di cư được tặng gói hàng thiết yếu và truyền thông về bình đẳng giới
Liên hiệp Hữu nghị, UN Women hợp tác thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ Liên hiệp Hữu nghị, UN Women hợp tác thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ

Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hon-2000-sinh-vien-duoc-huong-loi-nho-chuong-trinh-xoa-bo-bao-luc-gioi-cua-un-women-163746.html

In bài viết