Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam: “Từ mẫu” Việt Nam chung tấm lòng quốc tế

11:00 | 01/02/2022

Thiếu nhân sự vì phải cách ly, điều trị Covid-19; thiếu thuốc men, trang thiết bị, dụng cụ… nhưng luôn ở tâm thế là người có trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng và đặc biệt là trái tim đầy yêu thương, những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam ở Bentiu, Nam Sudan đã nỗ lực khám chữa bệnh cho người dân nơi khô cằn, nghèo khó châu Phi. Đồng thời, các chiến sĩ, y bác sĩ cũng đem đến nơi đây một Việt Nam gần gũi và thân thiện.
Giám đốc khu vực WHO: Tầm nhìn, chiến lược vaccine và tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam rất ấn tượng Giám đốc khu vực WHO: Tầm nhìn, chiến lược vaccine và tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam rất ấn tượng
Cận cảnh loạt đầm dạ hội giúp mỹ nhân Việt thăng hoa trên đấu trường quốc tế năm 2021 Cận cảnh loạt đầm dạ hội giúp mỹ nhân Việt thăng hoa trên đấu trường quốc tế năm 2021
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam: “Từ mẫu” Việt Nam chung tấm lòng quốc tế

Nhiệm vụ đặc biệt: giành sự sống với thần chết

Trưa ngày 3/1/2022, vào những ngày đầu xuân năm mới, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) ở Bentiu, Nam Sudan nhận 1 nhiệm vụ đặc biệt từ Trưởng bộ phận hỗ trợ phái bộ, Trưởng y tế phái bộ UNMISS, Trưởng căn cứ Bentiu, cô Hiroko đó là sẵn sàng hỗ trợ phẫu thuật cấp cứu một ca tại bệnh viện MSF.

Ngay khi nhận được yêu cầu từ bệnh viện bạn, Ban Giám đốc (BGĐ) BVDC 2.3 đã giao nhiệm vụ cho khoa Ngoại cử 1 kíp phẫu thuật khẩn cấp sang bệnh viện bạn hội chẩn. Kíp gồm Thiếu tá bác sỹ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Ngoại; Phẫu thuật viên chính Thượng úy bác sỹ sản khoa Tống Vân Anh; Đại úy bác sỹ Nguyễn Văn Tú, Đại úy bác sỹ Ngô Quốc Hoàn cùng với ekip gây mê và phụ dụng cụ. Tới bệnh viện bạn, sau khi thăm khám bệnh nhân, bác sỹ Tống Vân Anh xác định đây là 1 ca khó. Bệnh nhân nữ 22 tuổi người Nam Sudan mang thai lần 2, thai 35 tuần có dấu hiệu vỡ ối chuyển dạ kéo dài tuy nhiên đầu bé không lọt gây suy thai. Chỉ định mổ bắt con cấp cứu do suy thai có thể gây mất tim thai.

Sản phụ bị gù vẹo cột sống nặng nề do di chứng lao cột sống gây nên phương pháp tê tủy sống không an toàn, đội ngũ bác sĩ phải gây mê nội khí quản với hệ thống máy thở thô sơ. Khắc phục khó khăn, kíp gây mê phải liên tục bóp bóng trợ thở bằng tay trong suốt quá trình phẫu thuật gần 2 giờ. Bé trai 4 kg chào đời nhưng bé không khóc, trương lực cơ yếu, phải trợ thở. Tiến hành hồi sức sơ sinh tích cực khoảng 15 phút thì em bé cất tiếng khóc. Tiếng khóc đầu tiên của em bé làm vỡ òa niềm vui của mọi người trong phòng mổ. Người mẹ sau cuộc chiến sinh tử, với sự hỗ trợ từ các bác sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam đã vượt qua cửa tử an toàn.

Bác sỹ sản khoa Tống Vân Anh tâm sự: Tôi rất hồi hộp bởi đây là ca phẫu thuật sản khoa đầu tiên mà tôi đứng ở vị trí phẫu thuật viên chính tại Nam Sudan, trong điều kiện thuốc men, trang thiết bị, dụng cụ trong phòng mổ không đầy đủ. Nhưng hình ảnh người bệnh nhân mới 22 tuổi thấp bé, gù vẹo biến dạng cột sống rất đáng thương là động lực để tôi cùng kíp phẫu thuật quyết tâm cứu lấy cháu bé.

Bác sĩ Tống Vân Anh bên cạnh bé trai 4kg khỏe mạnh sau phẫu thuật.
Bác sĩ Tống Vân Anh bên cạnh bé trai 4kg khỏe mạnh sau phẫu thuật.

Pou James, nhân viên phòng mổ bệnh viện MSF chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với kíp phẫu thuật BVDC 2.3. Các bạn rất chuyên nghiệp. Chúng tôi nể phục các bạn.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam: “Từ mẫu” Việt Nam chung tấm lòng quốc tế
Kíp phẫu thuật có sự phối hợp giữa BVDC 2.3 Việt Nam và đồng nghiệp MSF.

Ca phẫu thuật thành công đã được CMO gửi thư đánh giá cao, ghi nhận sự đóng góp đó và đề nghị BVDC 2.3 Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia hỗ trợ bệnh viện MSF trong những ca phẫu thuật tiếp theo.

Không chỉ có sản phụ bị gù vẹo cột sống được cứu mạng trong ca sinh nở, Daniel - một chiến binh thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của đơn vị Ghana đóng quân trên địa bàn Bentiu cũng được BVDC 2.3 Việt Nam cứu chữa thành công. Trong một lần, sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 khoảng 2 ngày, Daniel xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, ngứa toàn thân kèm theo các nốt phỏng nước với đường kính từ 1- 3 cm nằm rải rác từ phần lưng xuống 2 chân, đã được nhập BVDC 2.3 để điều trị với chẩn đoán Hội chứng Stevens-Johnson. Bệnh hiếm gặp và rất nặng, có nguy cơ đe dọa tính mạng Daniel. Tần suất bệnh trong dân số chỉ 2/1.000.000 người, tỉ lệ tử vong lên tới 30%. Daniel tâm sự, anh đã từng đi chiến đấu tại nhiều nước trên thế giới, đã trải qua biết bao nhiêu nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ anh có cảm giác sợ hãi như lần này. Lần đầu tiên, anh cảm thấy mình ở rất gần cái chết. Nhưng từ khi được điều trị tại BVDC 2.3, cảm giác sợ hãi ấy dần biến mất. Sức khỏe của anh dần hồi phục. Sau 7 ngày điều trị, anh được xuất viện. “Giờ đây, BVDC 2.3 có thêm một người bạn rất đặc biệt - người bạn ấy coi chúng tôi như những người anh em và chúng tôi cũng xem người bạn này như là một thành viên trong mái ấm BVDC 2.3”, Trung tá - Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa - Giám đốc BVDC 2.3 chia sẻ.

Mang hình ảnh Việt Nam gần hơn với thế giới

Cành mai vàng, đào hồng, hoa sen, lá cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay áo dài Việt Nam… đều được BVDC 2.3 mang tới vùng đất khô cằn, đói nghèo châu Phi và giới thiệu tới bạn bè quốc tế nơi đây.

Ngày 05/10/2021, BVDC 2.3 được tiếp đón Đại tướng Birame Diop, Trưởng Cố vấn Quân sự Cục hoạt động hòa bình Liên hợp quốc đến thăm. Tham gia Đoàn còn có Trung tướng Shailesh Tinaikar, Tư lệnh các lực lượng quân sự Phái bộ UNMISS, Tư lệnh Phân khu Unity và các sĩ quan cấp cao đang công tác tại Sở Chỉ huy Phái bộ UNMISS và Phân khu Unity.

Ngay từ cổng chính BVDC 2.3, những đóa sen hồng - quốc hoa của Việt Nam được vẽ đặc sắc nổi bật trên nền tường đen đã gây ấn tượng đầu tiên với Đoàn Cố vấn. Bước vào khuôn viên BVDC 2.3, Đại tướng Birame Diop và đoàn làm việc lại một lần nữa bất ngờ với tác phẩm bản đồ Việt Nam làm bằng sỏi được đặt ở lối vào đơn vị và bức tranh cổ động được làm từ sản phẩm tái chế với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bức tranh lớn nhưng mềm mại, sắc nét và đặc biệt gắn với những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam được chính tay các đoàn viên thanh niên của Chi đoàn BVDC 2.3 thực hiện.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam: “Từ mẫu” Việt Nam chung tấm lòng quốc tế
Nhân viên BVDC 2.3 mặc áo dài giới thiệu về Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Trước đó, ngày 12/08/2021, đoàn viên thanh niên BVDC 2.3 đã tiến hành trồng cây xanh và vệ sinh cảnh quan môi trường trong khuôn viên trường tiểu học Nyuel Juol tại thị trấn Rubkona, Nam Sudan. Họ còn mang tới những chiếc chong chóng xinh xắn sặc sỡ được tái chế từ rác thải nhựa, trang trí quanh khu vực trồng cây, khiến các em học sinh vô cùng thích thú.

Đoàn thanh niên BVDC 2.3 trồng cây xanh ở trường  Tiểu học Nyuel Juol.
Đoàn thanh niên BVDC 2.3 trồng cây xanh ở trường Tiểu học Nyuel Juol.

Thời gian qua, BVDC 2.3 cũng đã phối hợp cùng các cơ quan chính quyền địa phương Bang Unity, cơ quan Liên hợp quốc tại Phái bộ Bentiu, các tổ chức như: WHO, UNFPA, IRC WISH, CORAID, OCHA và BVDC cấp 1 Pakistan tham gia các hoạt động tích cực trong tuyên truyền phòng chống và tầm soát HIV/AIDS tại bệnh viện đa khoa Bentiu; Tặng 300 bộ test nhanh HIV/AIDS cho Bệnh viện đa khoa Bentiu; Phối hợp cùng BVDC cấp 1 Pakistan lấy máu và test nhanh gần 200 mẫu người dân Nam Sudan tại chỗ, cũng như tham vấn, giáo dục cách phòng chống HIV.

Những ngày đầu năm mới, giữa đất trời Bentiu, nơi cách đất mẹ hơn 8.500 km, lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam bên cạnh lá cờ xanh trắng Liên hợp quốc tung bay trong gió. Trong khoảnh khắc trang nghiêm, linh thiêng và đầy tự hào, toàn thể cán bộ nhân viên BVDC 2.3 quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần khẳng định cam kết của Việt Nam đóng góp cho hòa bình thế giới. Đồng thời, gửi gắm thông điệp Việt Nam luôn là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Việt Nam tại các phái bộ góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, của QĐND Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, đồng thời khẳng định đối ngoại quốc phòng là một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 được Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định thành lập vào tháng 3/2020 nhằm thay thế Bệnh viện cấp 2 số 2 với 63 cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn, chủ yếu là cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng), Quân chủng Phòng không - không quân, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Cục Quân y cùng các đơn vị: Quân khu 2, 5, 7, 9 và Quân đoàn 4.

Nhiệm vụ chính của Bệnh viện là chăm sóc sức khỏe, điều trị cho nhân viên và binh sĩ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đồng thời Bệnh viện cũng thực hiện nhiệm vụ như một đơn vị quân đội nằm trong đội hình của Phân khu Unity tự đảm bảo an toàn đơn vị, đảm bảo hậu cần, huấn luyện, dân vận...

Cộng đồng người Việt tại Odessa (Ukraine) trao quà từ thiện cho Bệnh viện Nhi số 3 Cộng đồng người Việt tại Odessa (Ukraine) trao quà từ thiện cho Bệnh viện Nhi số 3
Việt Nam - Đối tác quốc tế có trách nhiệm trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 Việt Nam - Đối tác quốc tế có trách nhiệm trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

Hải Dương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/benh-vien-da-chien-cap-2-so-3-cua-viet-nam-tu-mau-viet-nam-chung-tam-long-quoc-te-161922.html

In bài viết