Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng dịp Tết Nguyên đán

08:09 | 23/01/2022

Càng gần thời điểm Tết Nguyên đán, tội phạm lừa đảo trên mạng càng gia tăng, người dùng mất cảnh giác cũng bị mắc bẫy lừa đảo nhiều hơn.
Người phụ nữ bị lừa đảo hơn 1,1 tỷ đồng sau khi 'thuê' mở tài khoản facebook Người phụ nữ bị lừa đảo hơn 1,1 tỷ đồng sau khi 'thuê' mở tài khoản facebook
Thầy bói Thầy bói "núp bóng" cán bộ ngân hàng lừa mua cổ phiếu nội bộ

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, trong năm 2021, cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có hơn 520 vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Tội phạm mạng lợi dụng không gian mạng, sự nhẹ dạ, cả tin của người sử dụng, để thực hiện nhiều chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn.

(Ảnh minh họa)
Tội phạm mạng lợi dụng không gian mạng ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn phương thức tinh vi. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã làm thời gian sử dụng internet của người dùng Việt Nam tăng cao, đồng thời các vụ lừa đảo trực tuyến có chiều hướng gia tăng rõ rệt.

Các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin thể hiện theo cách mới, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tình hình dịch COVID-19 để làm cho người dân hoang mang, mất cảnh giác và dễ mắc bẫy.

Các hình thức lừa đảo liên quan đến COVID-19 bao gồm: giả mạo công chức chính quyền, bán sản phẩm y tế không minh bạch, ăn cắp dữ liệu cá nhân, giả mạo kêu gọi ủng hộ từ thiện, tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ lừa đảo...

Điều đáng nói là càng gần thời điểm Tết Nguyên đán, tội phạm lừa đảo trên mạng càng gia tăng, người dùng mất cảnh giác cũng bị mắc bẫy lừa đảo nhiều hơn.

Thay vì những hành vi dụ dỗ người bị hại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng như trước thì các đối tượng đang chuyển sang phương thức cung cấp cho người dân các phần mềm ứng dụng có khả năng kiểm soát thiết bị di động để chúng dễ dàng khống chế nạn nhân.

Các ứng dụng có khả năng kiểm soát thiết bị của người dùng (remote applications) như: Any Desk, Teamviewer, AirMirror... đều được các hãng sản xuất điện thoại trên thế giới hiện nay chấp nhận cho tải xuống.

Đây là các ứng dụng miễn phí, hỗ trợ điều khiển điện thoại, máy tính, máy tính bảng từ xa, dễ dàng cài đặt, truyền dữ liệu giữa các thiết bị và không bị các phần mềm diệt virus hoặc các hệ điều hành như IOS, Andoird chặn quyền truy cập.

Người dùng chỉ cần tải về để sử dụng và cung cấp địa chỉ truy cập của điện thoại (dãy số có sẵn trong các phần mềm remote được cố định tại các điện thoại đã cài phần mềm) cho người cần điều khiển là ngay lập tức điện thoại của người đó sẽ được kiểm soát hoàn toàn (bao gồm từ các cuộc gọi cho đến tin nhắn, thông báo trong điện thoại).

Khi các thiết bị di động đã bị điều khiển thì các đối tượng sẽ liên tục gọi điện thông qua các ứng dụng liên lạc Messenger, Zalo, Viber… để đánh lạc hướng, câu kéo thời gian của “nạn nhân” nhằm lấy thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP để chiếm đoạt tài sản. Chỉ đến khi “nạn nhân” nhận thấy tài khoản ngân hàng của mình bị trừ tiền mới phát hiện ra thì đã muộn.

Làm thế nào để phòng tránh mắc bẫy lừa đảo trên mạng dịp Tết Nguyên đán?

Để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trên môi trường mạng, các chuyên gia khuyến cáo người dân không chia sẻ, cung cấp các thông tin về tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai; không truy cập, sử dụng các website, ứng dụng phần mềm chưa được kiểm chứng về mức độ an toàn trên môi trường mạng internet.

Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác đối với các tin nhắn của người lạ từ các ứng dụng giao tiếp trên không gian mạng. Khi mua bán trên mạng, giao kết hợp đồng được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, xác thực, mọi người cần lưu ý và cẩn trọng, cân nhắc vì thông tin này có thể bị mua bán hoặc bị trôi nổi trên mạng và để lại hậu quả lâu dài. Đặc biệt, người dùng chủ động thiết lập an toàn cho các loại tài khoản bằng cách đặt mật khẩu đủ khó đủ dài, sử dụng bảo mật 2 lớp gửi đến tin nhắn điện thoại, thư điện tử, mã OTP...

Các thiết bị có kết nối mạng internet như máy tính, máy tính bảng, máy tính xách tay cần được cài đặt phần mềm chống virus có bản quyền, được cập nhật bản mới thường xuyên.

Bên cạnh đó, chuyên gia công nghệ cũng khuyến cáo, người dùng hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng để đăng nhập vào các tài khoản cá nhân; việc đăng nhập email hoặc tài khoản cá nhân ở những nơi phát wifi công cộng đồng nghĩa với việc thông tin cá nhân của người dùng rất dễ bị các tin tặc khai thác.

Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu nghi vấn về tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, người dân cần thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Năm 2021: Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong đối ngoại về quyền con người Năm 2021: Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong đối ngoại về quyền con người
Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhan-dien-cac-thu-doan-lua-dao-tinh-vi-tren-mang-dip-tet-nguyen-dan-161821.html

In bài viết