20:58 | 14/12/2021
Trước đó, bệnh nhân N.D.P (nữ, 18 tuổi, ngụ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, mạch nhanh, sốt cao. Diễn tiến bệnh nhân lơ mơ, co giật liên tục, sốt cao, da xanh, số lượng tiểu cầu giảm rất nặng, kèm xuất huyết dưới da và vết bầm máu rải rác khắp cơ thể. Tình trạng thiếu máu - giảm tiểu cầu mức độ nặng, tiến triển nhanh, suy thận tiến triển. Tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.
![]() |
Bệnh nhân ổn định sau điều trị. |
BS.CK2. Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc bệnh viện, cho biết: Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng trao đổi huyết tương cùng với các thuốc ức chế miễn dịch, truyền chế phẩm máu hỗ trợ kết hợp thuốc an thần, dinh dưỡng nâng đỡ thể trạng, chăm sóc triệu chứng.
Hiện bệnh nhân không còn rối loạn ý thức, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết sốt, không xuất huyết dưới da. Tình trạng thiếu máu, giảm tiểu cầu dần hồi phục và trở về trong giới hạn bình thường.
Cũng theo BS.CK2 Dương Thiện Phước, đây là trường hợp thứ 2 Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc bệnh viện điều trị thành công bệnh lý “Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối” bằng kỹ thuật thay huyết tương. Khi thực hiện kỹ thuật này sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong xuống dưới 15%.
Ths.BS Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng khoa Huyết học truyền máu bệnh viện, cho biết: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP) là bệnh lý rất hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 3,7 ca trong 1 triệu dân. Nguyên nhân gây ra bệnh có thể do thiếu hụt (bẩm sinh hay di truyền) hoặc ức chế (mắc phải hay miễn dịch) của hoạt động enzyme ADAMTS-13. Mang thai có thể là một yếu tố dẫn đến bệnh lý này. “Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối cần phải chẩn đoán nhanh chóng và chính xác. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hơn 90% bệnh nhân sẽ tử vong”, Ths.BS Nguyễn Thị Minh Thy thông tin thêm.
Hà Vy