Bộ TN&MT phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cấp trực tuyến

09:00 | 15/10/2021

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025, trong đó phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%; 100% thủ tục hành chính nội bộ được công bố, công khai theo quy định và cập nhật kịp thời.
Bộ TN&MT phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cấp trực tuyến
Bộ TN&MT đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2021 – 2025

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiện đại, hội nhập, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên và môi trường; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, đổi mới, sáng tạo, trọng tâm là các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiếp cận theo mục tiêu, đánh giá dựa trên kết quả, rút gọn, lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo; cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế độ báo cáo và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành không cần thiết; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể là, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định, 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ Bộ giải quyết được thực hiện bằng phương thức điện tử; Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 35% trở lên.

Hoàn thành số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực, còn giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ để đảm bảo việc kết nổi, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, trong số đó ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%; Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%; 100% thủ tục hành chính nội bộ được công bố, công khai theo quy định và cập nhật kịp thời.

80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.

Kế hoạch đặt mục tiêu tiếp tục rà soát, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, của ngành tài nguyên và môi trường với các Bộ, ngành khác, giữa các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, không rõ trách nhiệm hoặc bỏ sót nhiệm vụ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt, kịp thời chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp đặc thù và tính liên vùng, liên ngành của công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước ngành tài nguyên và môi trường; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương.

Giảm tối thiểu 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Bộ so với năm 2020; Giảm tối thiểu 10% đầu mối tổ chức bên trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ so với năm 2020; Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính thuộc Bộ đạt tối thiểu 90%.

Bộ TN&MT phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cấp trực tuyến
Thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong ngành tài nguyên và môi trường.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ. Đến năm 2025, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tiếp tục nâng cao mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành tài nguyên và môi trường; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Đến năm 2025, hoàn thành các chỉ tiêu: 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.

100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 80% các hệ thống thông tin của Bộ có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thống văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại.

100% hệ thống báo cáo của Bộ được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; 50% hoạt động kiểm tra của Bộ được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Bộ.

Trong các mục tiêu nêu trên, các mục tiêu về cải cách thể chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của Bộ TN&MT giai đoạn 2021 - 2025.

Cải cách hành chính là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế Cải cách hành chính là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng giải pháp quan trọng, động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội lúc này là cải cách thủ tục hành chính.
Doanh nghiệp Hà Nội mong cải cách thủ tục hành chính triệt để hơn Doanh nghiệp Hà Nội mong cải cách thủ tục hành chính triệt để hơn
Tại "Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh dịch COVID-19" của Hà Nội, diễn ra ngày 6/11, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các kiến nghị, mong muốn chính quyền thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, để doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi với các nguồn lực hỗ trợ.
Tiếp tục đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính Tiếp tục đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính
Tại phiên họp Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Hội đồng thảo luận, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài; đồng thời, chỉ ra những nguyên nhân, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai nhiệm vụ công tác.

Chi Dân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bo-tnmt-phan-dau-100-thu-tuc-hanh-chinh-du-dieu-kien-se-duoc-cap-truc-tuyen-156884.html

In bài viết