Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN mạng lại những thành tựu to lớn cho Việt Nam

06:00 | 25/09/2021

Gia nhập ASEAN, đặc biệt là hội nhập kinh tế ASEAN (AEC) là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 26 năm qua. Để vượt qua thách thức, phát huy những thành tựu đã đạt được một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục có những định hướng, chính sách phù hợp.
Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN mạng lại những thành tựu to lớn cho Việt Nam
Sau 26 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt.

Từ năm 1992, ASEAN đã thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực thông qua việc hình thành một Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các nước trong khối ASEAN (AFTA). AFTA được coi là hiệp định được triển khai rất thành công giữa các nước đang phát triển, đưa ASEAN trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới.

Khi thuế quan nội khối dần được loại bỏ, ASEAN nhận thấy ở thời điểm đó khu vực vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Dù có bước phát triển kinh tế được coi là ngoạn mục nhưng nền kinh tế của từng nước ASEAN vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa đủ lực để có thể cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khác trên thế giới.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào ngày 31/12/2015 đã đáp ứng các nhu cầu của khu vực, được trông đợi sẽ giúp ASEAN vượt qua những thách thức nêu trên, từng bước xây dựng một khu vực năng động, có tính cạnh tranh cao trên thế giới.

Nhằm mở rộng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đã và đang đẩy mạnh triển khai các FTA với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia - New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc).

Sau 8 năm, ASEAN cũng đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 5 nước đối tác: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia - New Zealand vào ngày 15/11/2020. Hiệp định được kỳ vọng khi 15 nước thực thi, sẽ tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới và GDP 26,2 nghìn tỷ USD.

Song song với tiến trình tham gia ASEAN, mối quan hệ kinh tế của nước ta với các đối tác cũng không ngừng được mở rộng, tạo cơ sở để Việt Nam hội nhập cả về kinh tế và chính trị ở các cấp độ khác từ đa phương, khu vực đến song phương. Dấu ấn của Việt Nam là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với tiêu chuẩn cao nhất như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA).

Sau 26 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt. Năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 289 USD thì đến năm 2020 đã là 3.520 USD, tăng hơn 12 lần. Quy mô nền kinh tế tăng gần 17 lần, từ 20,8 tỷ USD vào năm 1995 lên khoảng 343 tỷ USD vào năm 2020, đứng thứ tư trong khu vực ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 5,2 tỷ USD năm 1995 lên 283 tỷ USD năm 2020. Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào các tổ chức trong khu vực và trên thế giới, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm, đạt 29 tỷ USD vào năm 2020.

Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN mạng lại những thành tựu to lớn cho Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Lào Sengphet Houngboungnuang ký kết biên bản buổi làm việc về tăng cường hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng hồi tháng 4/2021.

Năm 2020, với việc Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ta đã cùng các nước thành viên phát huy đúng tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng" với hàng trăm cuộc họp được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến nhằm tạo điều kiện củng cố chuỗi cung ứng khu vực, khắc phục hậu quả tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế tiêu biểu như Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN, Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong việc dung hòa các quan điểm trong đàm phán Hiệp định RCEP nhằm xử lý các vấn đề vướng mắc, từ đó thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết thành công Hiệp định RCEP trong năm 2020. Thành tựu này đã một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế đa phương, khu vực và thế giới.

Cộng đồng kinh tế ASEAN đã và đang tạo ra những cơ hội và cả thách thức đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân nước ta.

Gia nhập AEC cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác, một mặt giúp Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặt khác cũng là cầu nối để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng trong và ngoài khu vực. Việc thực hiện các cam kết trong ASEAN đã và đang tạo nền tảng để Việt Nam tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam. Có thể nói, hội nhập ASEAN cho đến nay vẫn được coi là "điểm tựa" quan trọng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia vào AEC là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với 06 nước thành viên ban đầu của ASEAN (ASEAN-6). Tuy nhiên, trong thời gian 26 năm qua, khoảng cách giữa chúng ta với nhóm 6 nước ASEAN đã được thu hẹp một cách đáng kể. Thậm chí ở nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là chỉ số phát triển con người (HDI) (chỉ số HDI năm 2019 của Việt Nam là 0,704, thuộc nhóm phát triển con người cao) và thu nhập bình quân đầu người (đạt 2.660 USD vào năm 2020), chúng ta đã có bước tiến tiệm cận các nước ASEAN đi trước. Riêng về kim ngạch xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta thậm chí đã vượt nhiều nước ASEAN-6 khác./.

Chuyên gia Malaysia đánh giá cao đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN Chuyên gia Malaysia đánh giá cao đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN
Theo Tiến sỹ Hoo Chiew Ping, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Malaysia, đóng góp của Việt Nam không chỉ nâng tầm ASEAN như một khu vực trên trường thế giới mà còn tăng cường khả năng phục hồi của nội khối ASEAN cũng như hình thành những sáng kiến ​​tốt hơn.
Việt Nam, các nước ASEAN được ưu tiên khi Lào mở cửa cho du khách quốc tế Việt Nam, các nước ASEAN được ưu tiên khi Lào mở cửa cho du khách quốc tế
Du khách đến từ các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN khác, sẽ được xem xét đầu tiên, sau đó là những người đến từ các quốc gia có nguy cơ thấp khác.
Để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới Để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới
Nếu chúng ta sợ, không dám đi vay thì chúng ta sẽ bị bó trong vòng luẩn quẩn, nền kinh tế không thể bứt phá, nguy cơ lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới. Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội khóa XV nhấn mạnh đến vấn đề tăng nợ công để có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế.

Khánh An

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean-mang-lai-nhung-thanh-tuu-to-lon-cho-viet-nam-156271.html

In bài viết