Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ 2021 mở ra cơ hội quảng bá, phát triển du lịch Việt Nam

08:00 | 17/12/2021

“Chương trình Ngày Việt Nam tại Thuỵ Sĩ năm 2021 không chỉ minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mối quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ, mà còn gửi tới công chúng Thuỵ Sĩ và các nước châu Âu thông điệp về một Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc, sẵn sàng hợp tác với Thuỵ Sĩ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là đổi mới sáng tạo” - đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Hoàng Giang tại Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ 2021 tổ chức ngày 16/10.
Các tỉnh, doanh nghiệp du lịch, lữ hành xúc tiến các tour thị trường liên tỉnh, quốc tế Các tỉnh, doanh nghiệp du lịch, lữ hành xúc tiến các tour thị trường liên tỉnh, quốc tế
Đà Nẵng cần chuẩn bị gì để đón khách du lịch trở lại? Đà Nẵng cần chuẩn bị gì để đón khách du lịch trở lại?

Ấn tượng về Việt Nam giàu bản sắc trong Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ 2021

Khác với cách tổ chức trực tiếp của mọi năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ năm 2021 được tổ chức trực tuyến từ 3 điểm cầu: Trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.

Du lịch thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19
Nghệ sĩ Tạ Mỹ Hạnh trình diễn một số bản dân ca Việt Nam bằng đàn bầu tại Ngày Việt Nam tại Thuỵ Sĩ năm 2021.

Chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ năm 2021 diễn ra với 5 phần đặc sắc. Trong đó có phần "Xin chào Thụy Sĩ! Xin chào châu Âu!" đưa Việt Nam đến gần hơn với công chúng quốc tế thông qua những điểm nhấn về quan hệ hợp tác ngoại giao, kinh tế với Thụy Sĩ và những thành tựu nông nghiệp vươn tầm thế giới.

Phần tiếp theo mang tên Văn hóa cội nguồn khắc hoạ văn hoá đặc sắc của Việt Nam bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước. Trong đó, khán giả được theo dõi những tiết mục nghệ thuật dân gian, là những di sản văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận như Nhã nhạc cung đình Huế hay hát Then. Phần này cũng gợi mở về hành trình bảo tồn di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Thông qua những thước phim và các màn trình diễn nghệ thuật ấn tượng, phần 3 với tên gọi Việt Nam diệu kỳ đã quảng bá cảnh sắc thiên nhiên của Việt Nam với núi non hùng vĩ, đồng bằng phù sa cho đến vùng đô thị hiện đại... Bên cạnh đó, khán giả đã được khám phá nền ẩm thực đặc trưng với những món ăn truyền thống nổi tiếng thế giới như: phở, bún chả, hủ tiếu... qua góc nhìn mới mẻ của các du khách Thụy Sĩ.

Phần tiếp theo là câu chuyện Các thế hệ tương lai làm nổi bật nhiều thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, công nghệ, thông qua phần chia sẻ của những thế hệ người Việt đầy triển vọng. Phần cuối với tiêu đề Hẹn gặp tại Việt Nam như một lời mời hữu nghị đến bạn bè Thụy Sĩ và các quốc gia trên thế giới đến với đất nước tươi đẹp, giàu truyền thống, năng động và mến khách.

Ngày Văn hóa Việt Nam - Thụy Sĩ với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian của hai nước đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho các khách tham dự, góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết, tình đoàn kết và giao lưu văn hóa giữa hai nước, cũng như bạn bè quốc tế. Các nghệ sĩ Nguyễn Minh Trang và Tạ Mỹ Hạnh của cộng đồng người Việt ở sở tại đã trình diễn một số bản dân ca Việt Nam với các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn T’rưng.

Du lịch thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19
Nhóm thanh niên Thụy Sĩ - hội viên Võ Việt Nam ở Lausanne biểu diễn múa lân tại Ngày Việt Nam tại Thuỵ Sĩ năm 2021.

Thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam - Thụy Sĩ hậu Covid-19

Không chỉ quảng bá hình ảnh Việt Nam thân thiện, mến khách tới bạn bè Thụy Sĩ qua các sự kiện như Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ, nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch... cũng được chú trọng thông qua kênh đối ngoại nhân dân.

Theo Thị trưởng thành phố Bern Alec von Granffenried, người Thụy Sĩ rất thích du lịch. Trong một thập kỷ vừa qua, rất nhiều người Thụy Sĩ đã trở thành fan hâm mộ đất nước Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho du lịch trên toàn thế giới bị ảnh hưởng. Vì thế, người dân bị hạn chế đi lại và điều này khiến họ rất buồn, một phần họ không được đi du lịch và 1 phần họ không có cơ hội đến thăm đất nước Việt Nam.

"Người Thụy Sĩ chúng tôi rất ấn tượng bởi phong cảnh đẹp của Việt Nam. Đặc biệt, họ rất ấn tượng với cố đô Huế - 1 thành phố đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá", Thị trưởng Bern nói về sự yêu thích của người Thụy Sĩ đối với Việt Nam.

Sự thân thiện, cởi mở, gần gũi của người Việt mỗi khi “khách đến nhà” để lại ấn tượng sâu đậm và là một trong những lý do níu chân ông Michael Gerber ở lại với Việt Nam sau chuyến đi du lịch 5 năm về trước.

Chia sẻ về hành trình dọc theo dải đất hình chữ S của mình, ông Michael nói đặc biệt nhớ tới tấm lòng mến khách, nụ cười hồn hậu của những người Việt. “Phượt” bằng xe máy luôn luôn là một chuyến phiêu lưu với bất cứ ai, và Michael cũng đã bị lạc không ít lần; tuy nhiên ông luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình từ người dân địa phương.

Trong thời gian tới Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ phối hợp với Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tăng cường sự gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Sĩ là một thành tố quan trọng thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước. Đặc biệt, hai bên sẽ có những hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của giới trẻ hai nước vào các hoạt động đoàn kết, hữu nghị, đồng thời xúc tiến quảng bá du lịch để giới trẻ có cơ hội đến thăm, khám phá nét đẹp của nhau.

Đà Nẵng lên phương án đón khách du lịch trở lại Đà Nẵng lên phương án đón khách du lịch trở lại
Tour khép kín giai đoạn Tour khép kín giai đoạn "bình thường mới" hứa hẹn hồi sinh ngành du lịch

Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ngay-viet-nam-tai-thuy-si-2021-mo-ra-co-hoi-quang-ba-phat-trien-du-lich-viet-nam-154179.html

In bài viết