Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Nền kinh tế Việt Nam hứa hẹn phục hồi nhanh, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài

21:12 | 16/09/2021

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 8 tháng năm 2021, vốn FDI đã đạt 14 tỷ USD, trong đó riêng tháng 8 đạt 2,4 tỷ USD (tăng 65% so với tháng 7). Dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.

Nhà đầu tư nước người ngày càng có thiện cảm

Báo cáo cập nhận kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/9, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 8/2021, thời gian mà dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Nền kinh tế Việt Nam hứa hẹn phục hồi nhanh, tiếp tục thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI lớn - Ảnh minh họa

Các chuyên gia của WB cũng nêu một số thông tin đánh giá về các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Cụ thể, các biện pháp hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến giao thông trong nước và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng 1,2%, qua đó tạo áp lực lên giá cả nói chung. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,3% so với tháng trước được WB đánh giá là mức “tương đối ổn định”.

Trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dư nợ tín dụng cuối tháng 8 vẫn tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tốc độ tăng cuối tháng 7.

Các chuyên gia WB nhận định tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với thời gian trước đại dịch do các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và tái cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo WB, trong thời gian tới, kết quả tổng thể của nền kinh tế trong năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng 9 để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV/2021.

Chính phủ Việt Nam đã và đang đi đúng hướng khi ưu tiên đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine để bao phủ ít nhất 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo WB, chính những điều này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin lớn với kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, WB khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm.

Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh khi dỡ bỏ giãn cách xã hội

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng WB tại Hà Nội, cho biết, nền kinh tế Việt Nam sẽ có phục hồi sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

Bà Madani nhận định, từ cuối quý III/2021 trở đi, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ, giống như sự phục hồi sau khi lệnh giãn cách xã hội từ tháng 4/2020 được dỡ bỏ, phần nào nhờ sự tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay. Theo bà, mặc dù gặp nhiều rủi ro về kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, song nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh rất bền bỉ và năng động.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 trong khi tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng kinh tế âm. Bà cũng bày tỏ hy vọng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi trong tương lai một phần nhờ vào thị trường xuất khẩu chính, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... đều đang trên đà phục hồi.

Trước đó, ngày 24/8, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay. Theo WB, dù những rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi.

WB đang chờ số liệu trong tháng 9 của Tổng Cục Thống kê Việt Nam (GSO) cũng như xem quyết định của Chính phủ Việt Nam liên quan tới mở cửa nền kinh tế, mới đưa ra điều chỉnh về dự báo về tăng trưởng kinh tế của nước này.

Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi trước năm 2022 Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi trước năm 2022
Đây là nhận đinh trong một báo cáo mới công bố của The Economist Intelligence Unit (EIU), trong bối cảnh sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia. Ngoài ra, dịch Covid-19 có thể khiến hầu hết các nước G7 mất 4 năm để khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới
Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.
Nhóm sáng kiến Việt Nam Spark: Hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 và hướng tới phục hồi kinh tế Nhóm sáng kiến Việt Nam Spark: Hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 và hướng tới phục hồi kinh tế
Ngày 2/9/2021, nhận lời mời của tổ chức Diễn đàn Toàn cầu Boston (Boston Global Forum), Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã tham dự cuộc họp đầu tiên của nhóm Sáng kiến Việt Nam Spark nhằm hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 và hướng tới phục hồi kinh tế.

Tào Đạt

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nen-kinh-te-viet-nam-hua-hen-phuc-hoi-nhanh-thu-hut-them-nhieu-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-150961.html

In bài viết