Việt Nam đặt mục tiêu giảm 20% trẻ tử vong do đuối nước vào năm 2030

09:33 | 24/07/2021

Ngày 23/7, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, WHO và GHAI (Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đuối nước 25/7 với chủ đề “Ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống”. Đây là một trong những chuỗi hoạt động hưởng ứng Nghị quyết đầu tiên trong lịch sử của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phòng, chống đuối nước.
79 quốc gia đồng thuận chọn ngày 25/07 hàng năm là ngày Phòng chống đuối nước thế giới 79 quốc gia đồng thuận chọn ngày 25/07 hàng năm là ngày Phòng chống đuối nước thế giới
Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài góp phần cải thiện tình trạng đuối nước ở Việt Nam Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài góp phần cải thiện tình trạng đuối nước ở Việt Nam
Các diễn giả tham gia Tọa đàm.
Các diễn giả tham gia Tọa đàm.

Tham gia buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hà - Thứ Trưởng Bộ LĐTB&XH; ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT); TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; bà Đoàn Thu Huyền - Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách Y tế toàn cầu … Cùng đại diện của một số bộ, ngành, đoàn thể và 12 địa phương đang triển khai chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5-14 tuổi

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5-14 tuổi. Đuối nước để lại hậu quả nghiêm trọng và sâu sắc tới các gia đình và cộng đồng, tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.

Ngày 28/4/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã thông qua Nghị quyết về phòng, chống đuối nước với sự đồng thuận của các quốc gia thành viên. Chủ đề năm nay là “Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống!”.

Ông Kidong Park cho rằng, đây là thời điểm mang tính lịch sử trong công cuộc phòng, chống đuối nước. Nghị quyết đã chỉ ra rằng đuối nước có tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia; các giải pháp phòng ngừa đuối nước có liên quan đến các sáng kiến và đồng thuận trong việc đối phó với vấn đề về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro về thiên tai.

Nghị quyết đã chọn ngày 25/7 hàng năm là Ngày thế giới phòng, chống đuối nước. Điều này là cơ hội tốt để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng, chống đuối nước và kêu gọi sự phối hợp đa ngành cho các giải pháp cứu sống sinh mạng người. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống đuối nước phù hợp với các can thiệp được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.

“Mất một đứa trẻ do đuối nước là một bi kịch mà gia đình phải gánh chịu, và không cha mẹ nào nên trải qua nỗi đau đó, không ai phải trải qua cả”, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết. “Chính phủ và các đối tác đã có những giải pháp giảm tử vong do đuối nước, tuy nhiên ở cấp độ cộng đồng, chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức của mỗi gia đình để bảo vệ con em mình khỏi đuối nước”.

Tại Việt Nam, mặc dù kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc giảm trung bình 100 trường hợp trẻ em đuối nước mỗi năm nhưng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Theo ước tính năm 2020, mỗi năm hiện vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: “Phòng, chống đuối nước trẻ em luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em". Hệ thống khung pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Ngày 19 tháng 07 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước. Những can thiệp dựa trên bằng chứng như đào tạo dạy bơi an toàn và kĩ năng an toàn trong môi trường nước sẽ được áp dụng triển khai trên toàn quốc.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm của những cá nhân, gia đình đối với việc phòng chống tai nạn thương tích đối với trẻ em. Thực tế chứng minh, có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới tai nạn thương tích trẻ em xung quanh môi trường sống của trẻ. Bên cạnh đó, còn rất nhiều thách thức trong đào tạo kỹ năng, tạo môi trường an toàn cho trẻ.

Các địa phương triển khai dạy bơi cho trẻ em.
Các địa phương triển khai dạy bơi cho trẻ em.

Nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em

Để vượt qua những thách thức, đồng thời phát huy những thành quả đã làm được trong giai đoạn vừa rồi, thực hiện tốt những mục tiêu được giao, Bộ LĐ-TBXH đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em. Đồng thời tăng cường giáo dục kỹ năng cho cha mẹ, và trẻ em các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra giám sát để phát hiện và tránh những nguy cơ để bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về phòng, chống đuối nước không chỉ nhấn mạnh ảnh hưởng to lớn của đuối nước đến sự an toàn và sinh mạng của người dân mà còn tác động lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Để tăng cường các chương trình phòng, chống đuối nước, các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng, hiệu quả đã được triển khai phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Từ thiện Bloomberg và sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, chương trình phòng, chống đuối nước đã dạy bơi cho khoảng 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.200 trẻ em tại 8 tỉnh có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất trên toàn quốc. Chương trình đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và sẽ phổ biến trên toàn quốc.

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ, cho biết “Chúng tôi tự hào đồng hành triển khai một chương trình vô cùng ý nghĩa để góp phần đảm bảo sự sống còn của trẻ em khỏi tai nạn đuối nước. Chúng tôi mong muốn sẽ chuyển giao những kinh nghiệm của chương trình để áp dụng trên toàn quốc. Điều này rất cần sự đầu tư của chính quyền địa phương và chung tay của mỗi gia đình, cộng đồng”.

Mỗi gia đình tại Việt Nam đều có thể góp phần thiết thực để phòng, chống đuối nước bằng cách giám sát trẻ an toàn, dạy trẻ biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tạo môi trường an toàn cho trẻ em tránh xa nguồn nước.

Hiệu quả từ dự án phòng, chống đuối nước ở Kim Sơn do Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) tài trợ Hiệu quả từ dự án phòng, chống đuối nước ở Kim Sơn do Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) tài trợ
Tăng cường phòng chống đuối nước trẻ em, học sinh hè năm 2021 Tăng cường phòng chống đuối nước trẻ em, học sinh hè năm 2021

Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-dat-muc-tieu-giam-20-tre-tu-vong-do-duoi-nuoc-vao-nam-2030-145662.html

In bài viết