Việt Nam – Philippines chung nguyện vọng hòa bình trên Biển Đông

09:32 | 12/07/2021

Các thỏa thuận được ký kết giữa Việt Nam – Philippines đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định trên biển, là cơ sở để tiếp tục đàm phán về vùng biển chồng lấn giữa hai nước. Hiện nay, Việt Nam và Philippines đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cơ bản dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, những quy định của Công ước Luật biển 1982 để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Quan hệ nhân dân Việt Nam – Philippines sắp tới sẽ có những dấu ấn lịch sử và đầy lý thú Quan hệ nhân dân Việt Nam – Philippines sắp tới sẽ có những dấu ấn lịch sử và đầy lý thú
Hợp tác hữu nghị nhân dân Việt Nam - Philippines ngày càng Hợp tác hữu nghị nhân dân Việt Nam - Philippines ngày càng "đâm chồi nảy lộc"
 Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ., Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Philippines.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Philippines.

Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuy không phải là những nước có chung đường biên giới, nhưng đều là hai thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam châu Á (ASEAN) và vẫn là 2 quốc gia láng giềng có chung một Biển Đông.

Trong bối cảnh hiện tại, Biển Đông có các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo, đang tồn tại những tranh chấp, bất đồng rất phức tạp, cần được giải quyết, phân định bằng biện pháp hòa bình theo đúng nguyên tắc của Luật pháp và thưc tiễn quốc tế. Nổi bật nhất và phức tạp nhất, chính là bất đồng, tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa.

Văn bản có tính pháp lý cũng như lịch sử cao nhất về lãnh thổ của Philippines chính là Hiệp định Paris ký năm 1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha, khi Tây Ban Nha bàn giao Philippines cho Mỹ quản lý. Tại Hiệp định này, phạm vi lãnh thổ quần đảo Philippines không bao gồm quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên đầu những năm 50 của thế kỷ XX, Philippines bắt đầu tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng sự kiện Tổng thống Quirino tuyên bố rằng quần đảo Trường Sa phải thuộc về Philippines với lý do nó ở gần nước này.

Tiếp đó, từ năm 1971 đến năm 1973, Philippines đưa quân chiếm đóng 5 đảo; năm 1977-1978, chiếm thêm 2 đảo; năm 1979, công bố Sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11 tháng 6 năm 1979 gộp toàn bộ quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa, vào trong một đơn vị hành chính, gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Philippines.

Năm 1980, Philippines chiếm đóng thêm 1 đảo nữa nằm về phía Nam Trường Sa, đó là đảo Công Đo. Đến nay, Philippines đã chiếm đóng 10 vị trí trong quần đảo này, gồm 7 đảo, đá san hô và 3 bãi cạn, rạn san hô.

Khi tiến hành chiếm đóng một số thực thể trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Philippines cho rằng các thực thể này đều kế cận với lãnh thổ của họ. Nhưng, dưới giác độ pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ quan điểm này hoàn toàn không có giá trị và không được thừa nhận trong Luật pháp và Thực tiễn quốc tế. Trong thực tế, có nhiều vùng lãnh thổ của quốc gia này nhưng lại nằm kề bên lãnh thổ quốc gia khác: Hawai của Mỹ lại ở gần Nhật Bản, Hàn Quốc; Phú Quốc của Việt Nam lại ở gần Campuchia….

Phía Việt Nam, qua các chính thể khác nhau trong lịch sử, đều đã chính thức phản đối bất kỳ hành động xâm phạm nào ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; luôn luôn thể hiện lập trường và thiện chí giải quyết những bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa theo nguyên tắc của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế hiện hành.

Để giảm bớt căng thẳng giữa hai nước, ngày 07/11/1995, Việt Nam và Philippines đã tiến hành đàm phán. Kết quả đàm phán đã ký được thỏa thuận về 9 nguyên tắc ứng xử cơ bản đối với vùng biển, đảo có tranh chấp trong khu vực Biển Đông, trong đó có những nội dung chính: hai bên đồng ý thông qua thương lượng, hòa bình tìm kiếm các giải pháp cơ bản cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa; tự kiềm chế không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy hợp tác song phương hoặc đa phương về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, khí tượng, chống thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ, chống cướp biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ tài nguyên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa; bảo đảm tự do hàng hải theo thực tiễn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982; từng bước tăng cường hợp tác và giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Nội dung thỏa thuận giữa hai bên đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định trên biển, là cơ sở để tiếp tục đàm phán về vùng biển chồng lấn giữa hai nước. Hiện nay, Việt Nam và Philippines đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cơ bản dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, những quy định của Công ước Luật biển 1982 để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trong giai đoạn 1995-2007, trên cơ sở đàm phán hòa bình, Việt Nam và Philippines đã tiến hành thực hiện bốn cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học chung về biển. Lần đầu tiên vào năm 1997 và tiếp theo là các năm 2000, 2004, 2007. Đây là một hình mẫu về hợp tác nghiên cứu khoa học chung về biển đang được đề nghị mở rộng thành phần và nâng lên thành một thiết chế thường xuyên. Tuy nhiên, do tình hình phức tạp của khu vực Biển Đông, quan điểm của hai bên có liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Trường còn có những khác biệt.

Chính vì vậy, từ năm 2008 đến năm 2015, Việt Nam và Philippines đã không thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học chung về biển, song hai nước vẫn cam kết duy trì sự hoà bình và ổn định trong khu vực Biển Đông.

Ngày 26/10/2010, tại thủ đô Hà Nội, diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Philippines Benigno S.Aquino III trong chuyến thăm Việt Nam. Trong cuộc hội đàm hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là nguyện vọng và lợi ích chung của các nước trong khu vực Biển Đông và điều quan trọng là cần thực hiện nghiêm chỉnh DOC, nhất trí tiến hành soạn thảo và hướng tới thông qua COC.

Hai nước tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cơ bản dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nguyên tắc của luật biển quốc tế, những quy định của UNCLOS1982 và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Thời gian gần đây, nhất là từ đầu 2021 đến nay, để ngăn chặn và ứng phó trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các nước xung quanh Biển Đông, Việt Nam và Philippines đều thể hiện tinh thần đoàn kết, ủng hộ nhau, thống nhất lập trường thượng tôn pháp luật quốc tế để giải quyết mọi bất đồng tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình. Trước mắt là cùng nhau kiên trì đàm phán về nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sao cho nó trở thành một văn bản có hiệu lực pháp lý để giải quyết mọi mối quan hệ phức tạp xẩy ra trong Biển Đông; bảo đảm vừa bảo vệ đước các quyền hợp pháp của tất cả các quôc gia có liên quan, vừa góp phần giữ cho Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đáp ứng nguyện vọng chung của cộng đồng khu vực và quốc tế, trong bối cảnh quan hệ chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng đang biến động khôn lường hiện nay…

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi điện mừng nhân 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi điện mừng nhân 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines
Đại sứ Philippines tại Việt Nam: Muốn hợp tác với VUFO, các hội thành viên để thực tế hóa và làm sâu sắc thêm quan hệ nhân dân hai nước Đại sứ Philippines tại Việt Nam: Muốn hợp tác với VUFO, các hội thành viên để thực tế hóa và làm sâu sắc thêm quan hệ nhân dân hai nước

TS Trần Công Trục

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-philippines-chung-nguyen-vong-hoa-binh-tren-bien-dong-144630.html

In bài viết