“Tay kéo vàng” trên buôn làng biên giới

19:08 | 25/03/2021

“Đến hẹn lại lên”, thường thì vào ngày cuối tuần, những “tay kéo” ở các đồn Biên phòng (BP) trên tuyến biên giới Tây Nguyên lại “khăn gói” về làng. Nếu làm phép tính đơn giản, mỗi chuyến đi như thế chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của bà con và số tiền gọi là “tiết kiệm chi phí” cho dân cũng chẳng đáng là bao. Nhưng sự hiện diện của những “tay kéo BP” nơi buôn làng xa xôi đã lan tỏa nét đẹp tình người trong cộng đồng…
Điện Biên: Già làng, trưởng họ bảo vệ đường biên Điện Biên: Già làng, trưởng họ bảo vệ đường biên
"Lá chắn thép" phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới miền Tây Nghệ An "Lá chắn thép" phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới miền Tây Nghệ An
Đắk Lắk khởi công xây dựng Trạm xá Quân dân y trên địa bàn biên giới Đắk Lắk khởi công xây dựng Trạm xá Quân dân y trên địa bàn biên giới

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Sa Loong, BĐBP Kon Tum phối hợp với Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum tổ chức cắt tóc cho các em học sinh nhà trường. Ảnh: Thái Kim Nga

Một nụ cười bằng… mười lít xăng

Tạm quên đi nỗi nhọc nhằn giữa cái nắng như thiêu, như đốt của tháng 3 Tây Nguyên, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng, Chính trị viên phó Đồn BP Nậm Na, BĐBP Đắk Nông cùng các “cộng sự” của mình xếp gọn “đồ nghề” vào túi để chuẩn bị chinh phục cung đường dích dắc từ biên giới vào xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (địa bàn đồn phụ trách). Chuyến đi nào cũng vậy, phải “rà” rất kỹ, bởi nếu lỡ bỏ quên bất kỳ món đồ gì thì lại thêm một buổi đi đường. “Tổng chiều dài là gần 250km cả đi và về, anh ạ. Thật ra, theo đường chim bay cũng gần 50 km thôi, nhưng không thể cắt rừng qua vùng đệm Vườn quốc gia Yook Đôn được. Mỗi chuyến đi như thế, chúng tôi phải đổ gần 10 lít xăng mới đủ...” - Đại úy Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ với chúng tôi.

Xem ra, mỗi chuyến xuống địa bàn “tác chiến” của tổ cắt tóc Đồn BP Nậm Na không hề đơn giản. Chưa kể những chi phí cần phải có cho chuyến đi, riêng chuyện “phi ngựa sắt” trên quãng đường dài như thế cũng đủ ê ẩm mình mẩy tay chân. Thế mới biết nụ cười con trẻ vùng biên giới đáng trân quý đến nhường nào. Tuy nhiên, theo giải thích của Đại úy Tùng, do đường xa nên các anh thường kết hợp giải quyết nhiều việc, vừa cắt tóc, vừa giúp dân lao động sản xuất, rồi tuyên truyền, vận động, tặng quà, thăm hỏi, chúc mừng...

Xã Đắk Wil có 15 thôn, với hàng chục thành phần dân tộc anh em đan xen nhau chung sống, trong đó, thôn 5 là một trong những khu dân cư có đời sống kinh tế khó khăn bậc nhất. Thôn này hiện có 55 gia đình, 350 nhân khẩu người dân tộc Mông định cư đã lâu năm nhưng rất chậm phát triển.

Những ngày đầu triển khai mô hình, để thu hút trẻ em tham gia, các “tay kéo BP” phối hợp với giáo viên điểm trường và đoàn viên, thanh niên trong thôn tổ chức tuyên truyền, vận động theo kiểu “đổi tóc lấy quà”. Cháu nào chịu ngồi yên cho bộ đội cắt tóc, thầy, cô giáo bấm móng tay, móng chân sẽ được nhận quà, khi thì quần áo, mũ nón, lúc thì tập vở, cây bút... Sau vài lần như thế, các cháu mới bắt nhịp, tự giác tìm đến các điểm cắt tóc lưu động đã được thông báo trước đó của đồn BP.

Đại úy Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ vui với chúng tôi: “Hiện tại, thôn 5 có 35 cháu là “khách VIP” của đồn. Chúng tôi tổ chức tổ cắt tóc lưu động theo kiểu cuốn chiếu, hết thôn này lại sang thôn khác, nên việc làm cứ phải nói là đều đều. Việc tổ chức mô hình “Tay kéo BP”, bên cạnh hỗ trợ giúp đỡ trẻ em nghèo vùng biên, cải thiện tính thẩm mỹ và ý thức vệ sinh cá nhân, còn có hiệu ứng rất tích cực về mặt xã hội, tạo nét đẹp tình người trên vùng biên giới...”.

“Kéo vàng Biên phòng” lan tỏa tình yêu thương

Theo chân những “tay kéo vàng” Đồn BP Sa Loong, BĐBP Kon Tum, chúng tôi vào Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi nằm ở trung tâm xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi để chuẩn bị cho “xuất diễn” cuối tuần. Ngày hôm nay, ngôi trường này chỉ có 10 học sinh khối lớp 2 cần được “làm đẹp” nên công việc cũng khá nhàn nhã. Như những người thợ lành nghề, chỉ sau hơn 30 phút “múa tông đơ” của Binh nhất A Quang là đến phần việc bấm móng tay, móng chân của Đại úy, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Nguyễn Văn Phước, 10 “vị khách” đã nhanh chóng quay trở về lớp học.

Khi biết chúng tôi là nhà báo BP, thầy giáo Lưu Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi trải lòng: “Thật sự là rất cảm động, các anh ạ. Theo tôi được biết, mô hình “Tay kéo BP” được triển khai trong toàn lực lượng BĐBP. Và thử hình dung, trên khắp mọi nẻo đường biên cương Tổ quốc, vào ngày cuối tuần, cứ hiện diện hình ảnh thân thương như thế này thì mọi nhọc nhằn chắc chắn sẽ tan biến. Xin cảm ơn những người lính BP...”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, tất cả các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đang duy trì thường xuyên và hiệu quả mô hình “Tay kéo BP” với gần 50 tổ cắt tóc với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia. Bên cạnh việc bảo đảm “làm đẹp” trong đơn vị mình, bình quân mỗi tháng, tổ cắt tóc của các đồn BP đã tổ chức cắt tóc cho 30-40 người (chủ yếu là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn). Như vậy, có thể khẳng định, mô hình “Tay kéo BP” đã và đang phát huy tác dụng, góp thêm niềm vui đến với các chủ nhân vùng biên giới.

Sức lan tỏa tình người của mô hình “Tay kéo BP” đã mang lại hiệu ứng tích cực về mặt xã hội. Nhiều địa bàn biên giới, không chỉ có lực lượng đoàn viên, thanh niên và giáo viên các trường tiểu học tham gia mà còn thu hút cả những thợ cắt tóc chính hiệu, dù việc làm miễn phí này ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của chính họ.

Ở xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, có đợt tổ cắt tóc của Đồn BP Ia Nan, BĐBP Gia Lai trở nên quá tải vì phải đón cùng lúc hàng trăm “khách hàng”. Trước tình thế đó, các tiệm cắt tóc trong khu vực đã kịp thời “chi viện lực lượng”, cùng với các “tay kéo BP” lập nên kỷ lục khó tin: “Thu dọn chiến trường” cho 70 cháu chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Đại úy Phan Trung Tình, Chính trị viên phó Đồn BP Ia Nan chia sẻ với chúng tôi một câu chuyện rất đẹp nói về sức lan tỏa của mô hình “Tay kéo BP”. Ngày đầu triển khai mô hình, cảm động trước sự cống hiến của những người lính BP, cô Nguyễn Thị Thanh Ái, giáo viên mỹ thuật, Trường Tiểu học Kpă Klơng, xã Ia Nan âm thầm ra phố huyện tìm mua bộ đồ nghề cắt tóc trị giá 1,2 triệu đồng để về tham gia cùng bộ đội cho vui. Vạn sự khởi đầu nan, sau ít lần “múa kéo” theo kiểu vừa học, vừa làm, tay nghề của cô giáo Ái cũng được nâng lên.

Đến thời điểm này, tổ cắt tóc của Đồn BP Ia Nan đã có thêm thành viên mới, để mỗi sáng cuối tuần lại được mang nụ cười đến với trẻ thơ vùng biên giới. Đặc biệt hơn nữa, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Ái còn mạnh dạn đề xuất Đồn BP Ia Nan trợ giúp mua dầu gội đầu có chứa thảo dược để loại bỏ tình trạng nấm tóc và diệt trừ chấy rận cho học sinh thân yêu của mình.

Đại úy Phan Trung Tình khẳng định với chúng tôi: “Sức lan tỏa của mô hình “Tay kéo BP” đã đưa mọi người lại gần nhau hơn. Ở đây không hề có sự cạnh tranh hay ganh đua nào, chỉ có tình người, lòng nhân ái để cùng nhau tiếp sức cho trẻ nghèo vùng biên vững bước đến trường...”.

Sĩ quan trẻ luôn hết mình vì người dân biên giới Sĩ quan trẻ luôn hết mình vì người dân biên giới
Gần 6 năm công tác tại BĐBP thành phố (TP) Hồ Chí Minh, Thượng úy Nguyễn Quang Trung, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, BĐBP TP Hồ Chí Minh luôn là một cán bộ trẻ năng động, một thủ lĩnh Đoàn nhiệt huyết trong công tác, không ngại khó khăn, vất vả, hết lòng giúp đỡ bà con nghèo. Năm 2020, anh vinh dự được bình chọn là 1 trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu của BĐBP.
Rộn ràng chợ phiên vùng biên Rộn ràng chợ phiên vùng biên
Mặc dù, là chợ tự phát và họp vào chủ nhật hàng tuần những chợ phiên Ham Xoong xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã trở thành địa điểm thu hút nhiều người dân, du khách thập phương tới thăm quan mua bán, trao đổi nông sản địa phương.
"Lá chắn thép" phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới miền Tây Nghệ An "Lá chắn thép" phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới miền Tây Nghệ An
Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, 33 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 với hơn 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc BĐBP Nghệ An thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát khóa chặt đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới miền Tây Nghệ An.

Thái Kim Nga

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tay-keo-vang-tren-buon-lang-bien-gioi-134506.html

In bài viết