Mối hiểm hoạ tiềm tàng từ trò chơi trên không gian mạng

13:10 | 29/12/2020

Thời gian qua, trên mạng xã hội trò chơi có tên gọi “Thử thách cá voi xanh”, Thử thách Momo đã xuất hiện ở Việt Nam khiến nhiều người lo ngại bởi nó có thể ảnh hưởng tới tâm lý, thậm chí cả tính mạng người chơi.
Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, công dân trên không gian mạng Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, công dân trên không gian mạng
Đây là quyền tự do cơ bản của công dân được pháp luật quốc tế, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ. Bên cạnh đó, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, mỗi cá nhân, công dân trong khi sử dụng, thực hiện các quyền và tự do của mình thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, đối với quốc gia, dân tộc mà mình đang sống.
Trẻ em được bảo vệ thế nào trên không gian mạng tại Việt Nam Trẻ em được bảo vệ thế nào trên không gian mạng tại Việt Nam
Chính phủ Việt Nam thể hiện sự quan tâm rất lớn đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thông qua việc ban hành Luật Trẻ em, Luật an toàn thông tin mạng, Luật an ninh mạng và các văn bản hướng dẫn đã đưa ra một số quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Nguy hiểm rình rập từ các trò chơi trên mạng xã hội

Vài năm gần đây, trên Youtube xuất hiện nhiều video mang tên Thử thách Momo (Momo challenge) có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát. Momo là một nhân vật thường được chèn vào các đoạn phim hoạt hình nổi tiếng và phổ biến, ví dụ Heo Peppa. Người có động cơ xấu tải các phim này, chèn Momo vào giữa với mục đích là nói chuyện với trẻ em nhỏ, các em tuổi thiếu niên (teenagers) và điều khiển các em làm những trò "thử thách", thường là dẫn đến việc tự sát.

Nguy hiểm hơn nữa, Momo còn xuất hiện trên ứng dụng YouTube Kids, trong các video hoạt hình mà trẻ em thường xem. Ngoài ra, Momo cũng có thể liên lạc đến người dùng bằng các ứng dụng trò chuyện. Hiện vẫn chưa thể xác định “thử thách Momo” bắt nguồn từ đâu và những người dàn dựng nên nó có mục đích gì.

Chỉ trong vòng một tháng gần đây đã xảy ra hai vụ trẻ em, 8 tuổi (ở Đồng Nai) và 5 tuổi (Thành phố Hồ Chí Minh) tử vong thương tâm mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do làm theo các thử thách Momo trên Youtube... Liên tiếp vụ việc xảy ra đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của việc để trẻ em tự do tham gia mạng Internet.

Bên cạnh “Thử thách Momo, “Thử thách cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) cũng mang nguy hiểm với trẻ em.

Qua tìm hiểu, trò chơi này lấy cảm hứng từ hành vi tự tử của cá voi xanh trong thực tế, khi chúng lao lên bãi biển để tự kết thúc cuộc sống của mình. Khi tham gia “Thử thách cá voi xanh”, trong vòng 50 ngày, người chơi sẽ phải làm theo những nhiệm vụ mà những “người quản lý” trò chơi này đưa ra với mức độ từ dễ đến khó theo thời gian.

Đáng chú ý, kẻ quản lý trò chơi này luôn thận trọng khi thông qua mạng xã hội để lựa chọn người chơi. Chúng thường chọn người trong độ tuổi vị thành niên, bởi những người này chưa suy nghĩ thấu đáo, liều lĩnh, dễ bị dụ dỗ và thích thể hiện bản thân; hoặc những người cô độc, sống nội tâm, hay bị bạn bè hoặc người thân cô lập. Thành viên mới muốn tham gia cũng phải được giới thiệu bởi một người đang chơi và thông qua sự chấp thuận của người đứng đầu.

Tại Việt Nam, trào lưu Cá voi xanh được núp bóng dưới dạng ứng dụng game trên mạng xã hội nên ít người để ý đến. Bên cạnh đó, thời gian qua, các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube… cũng tràn ngập clip mời gọi tham gia trào lưu chết người này. Cụ thể, có hiện tượng một số thanh thiếu niên, nhất là học sinh bậc THCS, có biểu hiện tham gia trò chơi này. Thậm chí còn có thông tin có học sinh đã cắt tay tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của trò chơi trên Internet.

Mối hiểm hoạ tiềm tàng từ trò chơi trên không gian mạng
Thử thách Momo khiến các phụ huynh lo lắng khi hướng dẫn trẻ tự tử. Ảnh minh hoạ

Sau một thời gian vắng bóng, gần đây trò chơi này có xu hướng quay trở lại với nhiều cái tên khác nhau như Suicide Game (Trò chơi tự tử), The Silent House (Ngôi nhà im lặng), Sea of Whales (Biển cá voi) hay Wake me up at 4:20 am (Hãy đánh thức tôi dậy lúc 4h20 sáng). Thậm chí, một số biến thể khác từ Thử thách Cá voi xanh cũng xuất hiện, như trò chơi mang tên Choking Game tại Ấn Độ với thử thách yêu cầu người chơi tự làm mình nghẹt thở.

Mạng Internet cũng là lĩnh vực mà tội phạm đang tích cực lợi dụng

Theo Trung tá Khổng Ngọc Oanh, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết thời gian gần đây đã xảy ra liên tiếp các vụ việc đau lòng khi trẻ em học theo các trò chơi, thử thách trên mạng và tử vong. Nguyên nhân là do trên mạng xã hội có nhiều video bạo lực và không quá khó để tìm thấy các video thử thách tự tử... Nhiều video tiêu đề tưởng rất văn hóa nhưng lại chứa đựng những nội dung, thông tin xâm hại trẻ em.

“Theo Bộ Công an thống kê, có rất nhiều video dạy cách tự tử của người Nhật, người Hàn, dạy trẻ nếu bí bách, bất đồng thì nên tìm cái chết cho thanh thản... Đây là nhũng nội dung rất nguy hiểm trực chờ xâm hại trẻ em,” Trung tá Khổng Ngọc Oanh nói.

Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng nói đến môi trường mạng Internet luôn luôn có 2 mặt, một mặt Internet chứa đựng những thông tin tốt, mang tín lan toả nhưng cũng có ứng dụng xấu, thông tin xấu dẫn đến xâm hại, nguy hiểm cho trẻ em. Gần đây nhất là phong trào thử thách cá voi xanh (Blue Whale Challenge), thử thách Momo (quái vật Momo), thử thách muối (The Salt Challenge)... đều là những thông tin độc hại với trẻ em.

Thực trạng trên cho thấy mạng Internet đã và sẽ để lại rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ em khi tiếp cận. Mạng Internet cũng là lĩnh vực mà tội phạm đang tích cực lợi dụng để thực hiện các hành vi, phương thức thủ đoạn để xâm hại trẻ em, tìm kiếm mại dâm, cưỡng dâm, khiêu dâm, mua bán trẻ em…

Trung tá Khổng Ngọc Oanh cho hay qua các vụ án đã phát hiện và đấu tranh cho thấy, thủ đoạn chính của các đối tượng là lập phòng chat ảo, game online, lập diễn đàn trên mạng… để tiếp cận, làm quen, lừa gạt dụ dỗ trẻ em, nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, môi giới mại dâm, mua bán trẻ em.

Ngoài ra, đối tượng xấu tạo những thông tin ảo trên mạng như tên, tuổi, hình ảnh, địa chỉ nghề nghiệp, cuộc sống khá giả của mình rồi lợi dụng sự non nớt, sự tò mò cũng như ham chơi của trẻ em để dụ dỗ, lừa phỉnh nhằm xâm hại tình dục hoặc thực hiện hành vi mua bán trẻ em, cưỡng dâm, ép mại dâm trẻ em... Trong nhiều vụ việc, các đối tượng đã dụ dỗ các em chụp, quay hình ảnh nhạy cảm cơ thể mình để phát tán, mua bán và cưỡng bức chính các em.

“Đặc biệt, có trường hợp đối tượng giả là người cùng giới, cùng tuổi với trẻ, sau một thời gian trò chuyện về sở thích, học hành... chúng chuyển sang trò chuyện về giới tính, muốn trao đổi hình ảnh những bộ phận nhạy cảm cho nhau, đề nghị trẻ chụp hình ảnh nhạy cảm của mình gửi cho chúng. Sau khi có được một số hình ảnh của trẻ, chúng lộ nguyên hình là đối tượng phạm tội, ép buộc trẻ phải cho quan hệ tình dục, cưỡng đoạt tài sản, nếu không sẽ phát tán những hình ảnh đó lên mạng”, Trung tá Khổng Ngọc Oanh cảnh báo.

Mối hiểm hoạ tiềm tàng từ trò chơi trên không gian mạng
Thử thách cá voi xanh độc hại với trẻ em.

Thiếu kỹ năng sử dụng mạng an toàn

Hiện nay, tham gia vào bảo vệ trẻ em trên mạng đã thu hút được ngày càng nhiều sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ mạng ở Việt Nam như Vinaphone; Mobiphone cũng đã đưa ra một số giải pháp kỹ thuật để sàng lọc thông tin; tìm kiếm những thông tin xấu... Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã làm việc phá được nhiều vụ án liên quan tới xâm hại trẻ em; mua bán trẻ em trên môi trường mạng.

Ông Hoàng Minh Tiến cho biết Cục An toàn thông tin đã phối hợp với Cục Trẻ em, Cục Phát thanh và Truyền hình xử lý rất nhiều đường link, hình ảnh không chỉ trong trang mạng trong nước mà còn trên một số trang mạng nước. Tuy nhiên, ở góc độ kỹ thuật mới chỉ đáp ứng được một phần của yêu cầu thực tế.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là những nhà cung cấp dịch vụ đưa ra nội dung không phù hợp hướng tới trẻ em như Youtube, Tiktok. "Chúng tôi cũng đã có những đấu tranh với họ để bảo vệ quyền trẻ em, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn bởi nó liên quan tới các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây là vấn đề không chỉ của một đất nước, một khu vực nói riêng mà mang tính toàn cầu,” ông Nam nhấn mạnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng, phát triển mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng song song với đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 cùng với phát triển hệ sinh thái về sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo lành mạnh trên không gian mạng.

“Để trẻ em bớt dành thời gian vào các ứng dụng xấu thì cách tốt nhất là tạo ra ứng dụng tốt, thông tin tốt, tích cực, lan tỏa, mang tính giáo dục cao cho trẻ em,” ông Hoàng Minh Tiến nói.

Trẻ em được bảo vệ thế nào trên không gian mạng tại Việt Nam Trẻ em được bảo vệ thế nào trên không gian mạng tại Việt Nam
Chính phủ Việt Nam thể hiện sự quan tâm rất lớn đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thông qua việc ban hành Luật Trẻ em, Luật an toàn thông tin mạng, Luật an ninh mạng và các văn bản hướng dẫn đã đưa ra một số quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Tập huấn kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng Tập huấn kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng
Vì mục tiêu an toàn, bảo vệ trẻ em, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Tổ chức phi chính phủ hoạt động trên không gian mạng (CyberKid) Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội nghị đào tạo tập huấn kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

Lan Bích

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/moi-hiem-hoa-tiem-tang-tu-tro-choi-tren-khong-gian-mang-127367.html

In bài viết