Lan tỏa truyền thống của dân tộc trên mảnh đất Chùa Tháp

11:08 | 09/12/2020

Không ít bà con gốc Việt tại Campuchia, dù hoàn cảnh kinh tế chưa phải dư dả, nhưng đã nỗ lực bỏ tiền túi, nhiệt tình tham gia các hoạt động cứu trợ giúp cộng đồng vượt khó.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II: Biểu tượng đặc biệt của khối đại đoàn kết các dân tộc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II: Biểu tượng đặc biệt của khối đại đoàn kết các dân tộc

Sáng nay (4/12), Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II chính thức khai mạc tại Thủ ...

Bảo tồn phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc La Chí, Pà Thẻn Bảo tồn phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc La Chí, Pà Thẻn

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch "Bảo tồn và phát huy nghề thủ ...

Lan toa truyen thong cua dan toc tren manh dat Chua Thap hinh anh 1

Tặng quà cứu trợ cho bà con gốc Việt tại Preah Sihanouk tháng 3/2020. (Ảnh: Nguyễn Hùng/Vietnam+)

Không có nhiều thông tin, hoang mang và lo lắng tột cùng là tâm trạng chung của hàng trăm người gốc Việt tại tỉnh Preah Sihanouk khi những dấu hiệu đầu tiên của dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở thành phố cảng Sihanoukville những ngày đầu tháng 3/2020.

Sự việc Bộ Y tế Campuchia công bố trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại quốc gia này ở tỉnh Preah Sihanouk vào cuối tháng 2/2020 đã gây rúng động với cộng đồng người gốc Việt trong khu vực.

Ở đất nước với dịch vụ và hạ tầng y tế kém phát triển, khi những ca bệnh dịch lạ cứ vùn vụt tăng lên hằng ngày giữa lúc xuất hiện nhiều thông tin giả đáng sợ, người gốc Việt tại tỉnh Preah Sihanouk bị mất việc làm hàng loạt, mất thu nhập vì tác động của dịch COVID-19, nhiều người đứng trước tình trạng thiếu ăn.

Trước những khó khăn của cộng đồng người gốc Việt trên địa bàn lãnh sự và diễn biến dịch bệnh đầy bất ngờ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk đã nỗ lực nắm bắt tình hình.

Đầu tiên là việc lập một group mạng xã hội kết nối toàn bộ các ban chấp hành Hội Khmer-Việt Nam trong khu vực với Tổng Lãnh sự quán để hằng ngày cung cấp thông tin cho bà con về tình hình dịch bệnh tại Campuchia cũng như tại Việt Nam, hướng dẫn bà con cách phòng tránh dịch.

Việc lập nhóm thông tin đã giúp Tổng Lãnh sự quán cập nhật được tình hình sức khỏe cộng đồng gốc Việt trong khu vực cũng như mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với bà con.

Thời điểm đó, khu vực lãnh sự cũng là vùng có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nhất ở Campuchia với hơn 40 ca. Ngay tại Preah Sihanouk đã có hơn 30 người nhiễm bệnh.

Bà con hết sức hoang mang, nhất là khi người Campuchia ở biên giới Thái Lan mỗi ngày đổ về nước một nhiều, có lúc tới hơn 20.000 người.

Nhiều người gốc Việt mong trở về Việt Nam để trông chờ vào sự giúp đỡ của anh em, họ hàng trong nước, đặc biệt khi tình hình dịch bệnh bùng phát như vậy thì Campuchia lại áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Hoạt động kinh tế giảm sút, không việc làm, tất cả đóng cửa trong nhà nghe ngóng, tình cảnh của người gốc Việt tại đây vốn đã nghèo lại càng thêm khó khăn.

Trước tình hình đó, để động viên bà con, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Preah Sihanouk đã tổ chức quyên góp mua khẩu trang và một số vật tư y tế đến giúp bà con.

Hơn 3.000 khẩu trang và 400-500 chai cồn sát khuẩn đã được Tổng Lãnh sự quán đưa đến từng tỉnh trong khu vực lãnh sự gồm Preah Sihanouk, Kep, Kampot, Koh Kong, Takeo, Kampong Speu tặng bà con và trực tiếp hướng dẫn phương pháp phòng tránh dịch bệnh.

“Thương người như thể thương thân,” những thời điểm đầy khó khăn như vậy, không ít bà con người gốc Việt tại Preah Sihanouk, dù hoàn cảnh kinh tế chưa phải dư dả, nhưng đã nỗ lực bỏ tiền túi, nhiệt tình tham gia các hoạt động cứu trợ, cung cấp thông tin giúp cộng đồng vượt khó.

Đó là trường hợp của ông Sok Tai Tha, sinh năm 1967, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khmer-Việt Nam chi nhánh tỉnh Preah Sihanouk.

Nhìn nhận lại những thời điểm khó khăn trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 bùng phát, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk Vũ Ngọc Lý đánh giá cao nghĩa cử của ông Sok Tai Tha trong hoạt động cộng đồng: “Điểm nổi bật của anh Sok Tai Tha là anh đã giúp đỡ rất nhiều người gốc Việt trong khu vực lãnh sự và trong số những người được anh giúp đỡ đến nay nhiều người đã vượt qua được khó khăn và cuộc sống dần khấm khá. Anh đã trực tiếp bỏ tiền, vật chất, hỗ trợ cho 57 hộ bà con gặp khó khăn ở thành phố Sihanoukville trước thềm Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer. Sự hỗ trợ ấy đã làm bà con yên tâm ăn Tết, phòng chống dịch hiệu quả."

"Bên cạnh đó, anh Sok Tai Tha còn chủ động đi vận động các nhà hảo tâm khác để cùng chung tay góp sức hỗ trợ bà con, cùng chúng tôi đi đến các tỉnh trong khu vực lãnh sự và trực tiếp bỏ tiền mua khoảng 1 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 40 hộ người gốc Việt và hơn chục hộ người Campuchia về gạo và cả vật tư y tế."

Tinh thần tương thân, tương ái của ông Sok Tai Tha đã tạo động lực khích lệ rất nhiều bà con cùng chung tay đóng góp hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Campuchia.

Ông Thạch Thanh, 62 tuổi, người gốc Việt tại Preah Sihanouk và chia sẻ: "Với cộng đồng người Việt ở đất Campuchia, anh giúp đỡ hết mình cho những người khó khăn. Với dân thợ hồ nghèo khổ, anh rất nhiệt tình hỗ trợ, không kể là người Việt Nam hay Campuchia."

Ở thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát, trên địa bàn tỉnh Preah Sihanouk có rất thông tin giả tung ra trên mạng xã hội, kích động nhằm chia rẽ người Việt và người Khmer, làm cho bà con gốc Việt hoang mang chạy về nước.

Cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam đã trực tiếp đến động viên bà con yên tâm, bình tĩnh thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Tổng số khẩu trang, vật tư y tế và gạo được quyên góp trong các đợt cứu trợ này ước tính trị giá lên đến hơn 20.000 USD.

Tất cả đã được chuyển trực tiếp tận nơi cho khoảng hơn 1.000 người gốc Việt và khoảng 200 hộ gia đình người Campuchia. Những đợt cứu trợ thiết thực như vậy đã tạo sự đoàn kết giữa người gốc Việt và người Khmer, chống mọi thông tin giả gây nhiễu loạn xã hội Campuchia.

Cuộc sống dẫu còn nhiều bộn bề lo toan với công việc mưu sinh hằng ngày, nhưng điều quý giá nhất là những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là tinh thần vì cộng đồng, “lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no.”

Đâu đó, trên đất nước Campuchia, trong cộng đồng người gốc Việt còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng những hành động đẹp, những nghĩa cử trong thời kỳ đại dịch COVID-19 thực sự là tấm gương, góp phần lan tỏa truyền thống dân tộc, dù ở bất cứ đâu trên thế giới./.

Campuchia - xứ sở chùa tháp với nhiều đặc sản lạ miệng, ngon mắt Campuchia - xứ sở chùa tháp với nhiều đặc sản lạ miệng, ngon mắt
Phở Hoa Sen, địa chỉ ẩm thực Việt ở xứ sở Chùa Tháp Phở Hoa Sen, địa chỉ ẩm thực Việt ở xứ sở Chùa Tháp

Trần Long

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/lan-toa-truyen-thong-cua-dan-toc-tren-manh-dat-chua-thap-125322.html

In bài viết