Lâm Đồng: Triển lãm bản đồ, tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”

11:02 | 17/11/2020

Sáng 16-11, Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Đại học Đà Lạt tổ chức đã khai mạc tại khuôn viên Trường đại học Đà Lạt.
Quà từ Trường Sa Quà từ Trường Sa
Triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa Triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa
Trưng bày tư liệu Trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”
Lâm Đồng: Triển lãm bản đồ, tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”
Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt tham quan tại triển lãm

Đây là hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua các tư liệu, văn bản, bản đồ, hình ảnh, hiện vật. Qua đó, khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm trong cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là sinh viên Đại học Đà Lạt trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Triển lãm gồm các 7 nhóm tư liệu chính, được sắp xếp theo thứ tự thời gian.

Nếu như bộ tranh vẽ “Lược sử Việt Nam” như một phần khái lược tóm tắt lại quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam qua các thời kỳ, từ Kinh Dương Vương đến thời kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì phần 2 “Các tư liệu thành văn của các triều đại phong kiến Việt Nam” lại như một điểm nhấn chủ đạo. Trong đó, các văn bản, thư tịch cổ thể hiện rõ việc các triều đại phong kiến Việt Nam đã thường xuyên tổ chức hoạt động đi ra thăm dò, khai phá, xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là những bằng chứng lịch sử rất có giá trị để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo vì thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế về mặt pháp lý nhà Nguyễn đã làm chủ khi hai quần đảo còn chưa thuộc về bất cứ lãnh thổ của quốc gia nào và biến hai quần đảo vô chủ trở thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, bộ châu bản của triều Nguyễn có niên đại từ triều Minh Mạng (1820 - 1841) đến triều Bảo Đại (1926 – 1945) đều phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn.

Lâm Đồng: Triển lãm bản đồ, tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”
Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt tham quan tại triển lãm

Ở phần 3 là bằng chứng xác lập từ các bản đồ và các atlas liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo. Đặc biệt là bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1759 – 1869) – Nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn. Đây được xem như một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam; đồng thời, cũng là tài liệu quý trong công tác tuyền truyền của Việt Nam về chủ quyền biển, đảo trong và ngoài nước.

Phần 4 của triển lãm cũng cuốn hút người xem với các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kỳ Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa. Đó là các bản đồ có ghi chú về các trạm khí tượng nằm trên quần đảo Hoàng Sa, Ba Bình được người Pháp xây dựng; cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, khu đồn trú, khu hành chính của người Pháp. Đó còn là hình ảnh của quân đội Việt Nam cộng hòa đóng quân tại quần đảo, lực lượng thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa và lực lượng bảo an cho thấy rằng hai quần đảo này nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của Việt Nam.

Phần 5 là một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong thời gian vừa qua; hình ảnh về đời sống và sinh hoạt của quân, dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) hiện nay; hình ảnh các hoạt động sưu tầm, giữ gìn và trao tặng các tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế. Ở phần này, còn có những tư liệu, hình ảnh về “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế”. Thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và kiều bào ở nước ngoài với những hành động thiết thực, chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Phần 6 là những trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trên máy tính bảng. Phần mềm Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D bằng cách số hóa một số tư liệu có giá trị pháp lý cao như: Thư tịch, châu bản, bản đồ cổ của Việt Nam; bản đồ các nước phương Tây; bản đồ Trung Quốc... được tích hợp và số hóa dưới dạng âm thanh, văn bản trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D cho phép người xem được tự do đi lại và khám phá các tư liệu hiện vật trong không gian ảo như thật.

Đặc biệt, các hiện vật to lớn và phức tạp mà trong thực tế rất khó vận chuyển và trưng bày thì với công nghệ thực tại ảo 3D đã giúp việc trưng bày dễ dàng hơn như mô hình tàu Hải đội Hoàng Sa, Tượng đài đội Bắc Hải, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển... Mỗi tư liệu, hiện vật trong Triển lãm số, ngoài việc tích hợp các thông tin mô tả bằng âm thanh, bằng văn bản còn cho phép người xem tương tác trực tiếp như phóng to, thu nhỏ... góp phần thông tin đến người xem một cách trực quan và rõ ràng nhất.

Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Thị Quốc Hiền cho biết: Việc giới thiệu, phổ biến các tư liệu, bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực của công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo, đưa thông tin trực tiếp, đầy đủ, chính xác đến các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường học. Hoạt động cũng góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của thế hệ trẻ đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” sẽ diễn ra đến hết 18/11, tại khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt.

Trưng bày tư liệu Trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”

Triển lãm trưng bày các tư liệu, văn bản, ấn phẩm là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh ...

Bộ Thông tin truyền thông tổ chức Triển lãm bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa Bộ Thông tin truyền thông tổ chức Triển lãm bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa

Cuộc triển lãm với chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông ...

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

(ĐN) - Từ ngày 6 đến 8-10, Bộ TT-TT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày ...

Tuấn Quỳnh (TH)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/lam-dong-trien-lam-ban-do-tu-lieu-hoang-sa-truong-sa-cua-viet-nam-123633.html

In bài viết