Thái Bình: ươm mầm hữu nghị Việt - Lào

10:12 | 29/09/2020

Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào sớm được xây dựng, gìn giữ và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Tình hữu nghị và mối quan hệ đặc biệt này đã được các lãnh tụ của hai dân tộc trực tiếp đặt nền móng và tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có. Truyền thống đó vẫn tiếp tục được phát huy trên mảnh đất Thái Bình, nơi có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang sang giúp nước bạn Lào chiến đấu, xây dựng, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia.
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác bảo vệ biên giới Việt – Lào Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác bảo vệ biên giới Việt – Lào

Ngày 25-9, tại Hà Nội, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng BQP đã ...

Trao 250 phần quà cho thương binh, gia đình có công là hội viên Hội Hữu nghị Việt - Lào; Việt Nam - Campuchia Trao 250 phần quà cho thương binh, gia đình có công là hội viên Hội Hữu nghị Việt - Lào; Việt Nam - Campuchia

250 phần quà đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai trao cho thương binh, gia đình có công là hội viên Hội Hữu nghị ...

Những tháng ngày không quên

Những năm tháng sống và chiến đấu trên nước bạn Lào cách đây gần nửa thế kỷ song đối với ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình mặc dù đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn không thể nào quên. Ông nhớ lại: Năm 1960 có cuộc đảo chính ở Lào, lúc đó cách mạng Lào rất khó khăn nên Việt Nam đã cử lực lượng sang để giúp bạn, đơn vị tôi được cử đi sang làm chuyên gia. Ông Hạnh vốn là người khỏe mạnh, là đảng viên nên được giao làm cán bộ nòng cốt, làm chuyên gia quân sự đi huấn luyện cho đại đội súng cối của tỉnh Sầm Nưa. Vừa mới sang, chưa biết tiếng nhưng vì nhiệm vụ nên ông Hạnh phải tự mày mò, vừa học tiếng vừa giúp đỡ các bạn Lào. Hoàn thành nhiệm vụ, năm 1962 ông về nước, được cử đi học trường sĩ quan và đến năm 1965 ông lại được gọi quay trở lại Lào.

Đó là những ngày tháng đầy khó khăn, nguy hiểm, ông cùng đồng đội phải nằm vùng hoạt động ngay trong lòng địch, xây dựng hàng chục cơ sở cách mạng quanh thủ đô Viêng Chăn, tham gia nhiều trận đánh khốc liệt. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là trong quá trình hoạt động cách mạng ông luôn được nhân dân các bộ tộc Lào bao bọc, chăm sóc, che chở. Vừa được nuôi ăn vừa được cung cấp tình hình địch để ông có cách đối phó, thậm chí còn dẫn đường cho các ông hoạt động. Cũng có những lần ông phải cải trang như người Lào đi làm nương, làm ruộng để trinh sát, nhân dân Lào còn cho gạo, cơm, xôi để ông cùng đồng đội ăn có sức đánh địch. Còn sống để trở về quê hương cũng là nhờ công lớn của nhân dân các bộ tộc Lào nói chung và những ông bố, bà mẹ Lào nói riêng đã chăm sóc ông. Vì thế, đến nay cứ nghe thấy con em người Lào ở bất cứ đâu với ông Hạnh và các thành viên Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Thái Bình đều quý mến, coi như con cháu trong nhà.

Tết Bunpimay cổ truyền của Lào được tổ chức tại Thái Bình hàng năm.

Ươm mầm hữu nghị

Một trong những việc làm ý nghĩa nhất hiện nay của Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Thái Bình là phối hợp với Trường Đại học Y Dược Thái Bình chăm sóc con em các bộ tộc Lào đang sinh sống và học tập tại Thái Bình. Theo ông Hạnh, đây là việc làm quan trọng trong thực hiện đối ngoại nhân dân. Nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc sinh viên Lào, nắm bắt tâm tư, tình cảm, điều kiện của từng sinh viên để có hướng giúp đỡ. Điển hình nhất là sinh viên Sanout Sodarluck bị tai biến nặng, Hội đã vận động được hàng chục triệu đồng để giúp người nhà sinh viên sang Thái Bình.

Trước những khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp hay việc đi lại, chăm sóc em, Hội đã phối hợp với nhà trường và Ban liên lạc sinh viên Lào để cùng gia đình chăm sóc em nên em đã sớm bình phục và trở về nhà. Nhiều thành viên trong Hội còn đỡ đầu, nhận sinh viên Lào làm con nuôi để thuận lợi cho các cháu ăn học. Bản thân ông Hạnh đã nhận rất nhiều con nuôi, cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, ngày lễ, tết các con lại sum họp ở nhà ông. Vì thế, văn hóa ẩm thực của hai nước Việt - Lào cũng được gia đình ông và các sinh viên Lào thể hiện ngay trong chính mâm cơm của gia đình. Tình cảm đặc biệt này đã được ông và các sinh viên gìn giữ từ nhiều năm nay. Nhiều người con nuôi của ông và các hội viên đã tốt nghiệp, về nước công tác, trở thành những bác sĩ giỏi của Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội - Viêng Chăn. Kết quả này là món quà vô giá mà người cha Nguyễn Đức Hạnh và các thành viên trong Hội nhận được từ những đứa con của mình. Có những năm đến ngày tết Việt, nhiều con nuôi còn ở lại Thái Bình ăn tết với gia đình các ông, coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.

Ngoài việc yêu thương các cháu sinh viên như con em trong nhà, nhận đỡ đầu, con nuôi, Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Thái Bình còn luôn đồng hành, động viên kịp thời các em trong mọi hoàn cảnh. Điển hình như sinh viên Bounpheng Lathamsathith khi còn làm Trưởng ban liên lạc sinh viên Lào khóa trước đây có hoàn cảnh rất éo le. Khi đang học tập tại trường, nghe tin bố bị tai nạn mất, mẹ tuổi đã cao, em đã suy sụp về tinh thần; Hội đã đồng hành, động viên em tiếp tục học để báo đáp công ơn cha mẹ. Nghe lời người cha Nguyễn Đức Hạnh, em đã phấn đấu học tốt, đạt kết quả cao, trở về quê hương cống hiến cho nền y học nước nhà. Để động viên em, gia đình đã sang Thái Bình đón em về nước, lúc đó Hội lại giúp gia đình em về chỗ ở, tổ chức đón tiếp như những người khách quý. Ông Hạnh còn thường xuyên giáo dục các con nuôi phải cố gắng học tập để lập nghiệp, có nghề nghiệp ổn định mới tiến tới xây dựng gia đình. Đây là động lực để các em cố gắng học tập, trở thành những bác sĩ giỏi.

Trường Đại học Y Dược Thái Bình trao bằng tốt nghiệp cho các lưu học sinh Lào.

Ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, chuyện nhận con nuôi, đỡ đầu hay phối hợp cùng nhà trường chăm sóc các cháu sinh viên Lào chính là kết tinh của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào, tình cảm giữa những người làm cách mạng với nhiệm vụ cách mạng. 14 năm công tác ở Lào và những lần sang thăm lại nước bạn là những kỷ niệm không bao giờ quên. Nhớ có lần đi cùng đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam sang thủ đô Viêng Chăn, ông đã phát biểu tại Lào về cả tuổi thanh xuân cống hiến cho Viêng Chăn, ở vùng đất này 10 năm đánh giặc, sau hơn 40 năm trở lại thấy Viêng Chăn đã thay đổi nhiều nhưng tình cảm ông giành cho Viêng Chăn thì không bao giờ thay đổi. Những câu chuyện mộc mạc, chân thành của ông, nhất là khi ông luôn nói đây là quê hương thứ hai của mình và nói bằng tiếng Lào thì cả nghìn người đều reo hò vỗ tay. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào đã cảm động ôm lấy ông khóc nói lời cảm ơn nhờ có bước chân của những người như các ông, các bộ tộc Lào mới có ngày hôm nay. Vì thế, việc ông và những người trong Hội dành tình cảm cho con em các bộ tộc Lào cũng là từ tâm mà ra.

Sinh viên Phetsamone Souvannalangsee - một trong những người con nuôi của ông Nguyễn Đức Hạnh đang theo học tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình khẳng định: Ấn tượng nhất khi ở Thái Bình là đã được bố Hạnh coi như con đẻ, được Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình quan tâm, chăm sóc, được sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô trong trường đã tạo cho chúng em có một môi trường sống rất tốt. Qua đó em càng hiểu rõ về tình hữu nghị vĩ đại giữa hai nước, là tài sản vô cùng quý báu mà thế hệ trẻ hai nước cần giữ gìn và phát huy. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để về phát triển ngành y nước nhà, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin yêu của nhân dân hai nước.

Hội Hữu nghị Việt - Lào và Đại sứ quán Lào tại Việt Nam dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ Hội Hữu nghị Việt - Lào và Đại sứ quán Lào tại Việt Nam dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào hậu COVID-19 Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào hậu COVID-19

Thu Thủy

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thai-binh-uom-mam-huu-nghi-viet-lao-119588.html

In bài viết