Thủ tướng mong muốn ngành ngoại giao làm tốt 5 nhiệm vụ chính trị

13:42 | 27/08/2020

Sáng ngày 27/8, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, số 2, Lê Quang Đạo, Hà Nội đã diễn ra Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020) và Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025". Để làm tốt trọng trách được giao, thời gian tới, Thủ tướng mong muốn ngành ngoại giao làm tốt 5 nhiệm vụ chính trị.
"Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân"

Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945), Tạp chí Thời Đại xin giới thiệu bài viết "Ngoại giao Việt Nam: ...

Lợi ích của nhân dân là trên hết Lợi ích của nhân dân là trên hết

75 năm qua (19/8/1975 - 19/8/2019), lực lượng CAND luôn thể hiện bản chất cách mạng, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, sẵn ...

Đến tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng toàn thể lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ...

Chủ động, tích cực thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong suốt 75 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Ngoại giao đã góp phần quan trọng đưa cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh và in đậm dấu ấn của mình trên mọi chặng đường của đất nước, từ việc góp phần giành và giữ vững độc lập của Tổ quốc những ngày đầu của chính quyền cách mạng, đến công cuộc kháng chiến thành công trước thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nhiệm vụ đối ngoại đặt ra là tiếp tục tạo môi trường và điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

le ky niem 75 nam ngay thanh lap nganh ngoai giao
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có diễn văn về truyền thống của ngành trong 75 năm qua.

“Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng và đưa vào chiều sâu quan hệ đối ngoại của ta với các nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng khẳng định, ngoại giao đã nỗ lực triển khai định hướng chiến lược tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; ngoại giao đa phương đã trưởng thành mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngoại giao cùng với quốc phòng, an ninh đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…

Thế giới đang chuẩn bị bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó lường nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng của các dân tộc trên thế giới.

Tuy nhiên, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình trạng kinh tế thế giới suy thoái, cạnh tranh chiến lược nước lớn, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, những biến động trong cục diện quốc tế bị đẩy nhanh hơn, tác động trực tiếp, nhiều chiều tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, đem lại thời cơ và thách thức mới đan xen.

Trong bối cảnh mới đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ngành ngoại giao cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước, trong đó cần xây dựng nền ngoại giao hiện đại cả về lực lượng, nội dung và phương thức hoạt động, trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam và tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh.

“Đồng thời ngành ngoại giao sẽ chủ động, tích cực thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, thích ứng năng động trước những chuyển biến nhanh của tình hình để hoàn thành được vai trò đặt ra đối với ngành trong giai đoạn mới”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Ngành ngoại giao làm tốt “5 nhiệm vụ chính trị”

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 5 năm qua, ngành ngoại giao đã đạt những thành tựu quan trọng, đáng tự hào, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.

ky niem 75 nam ngay thanh lap nganh ngoai giao
Các đại biểu làm lễ chào cờ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc chiến chống COVID-19, ngành ngoại giao đã triển khai tốt “ngoại giao COVID”, “ngoại giao trực tuyến” với kết quả nổi bật là từ tháng 2/2020 đến nay đã có 30 Hội nghị cấp cao trực tuyến, điệm đàm Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn… Bộ Ngoại giao cũng phối hợp tổ chức nhiều chuyến bay đón gần 30.000 công dân Việt Nam từ các quốc gia ảnh hưởng nặng nề với Covid-19 về nước. Công tác đối ngoại cũng đã phát huy “tinh thần đoàn kết quốc tế” trong phòng chống dịch, hỗ trợ trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất cho nhiều quốc gia.

Đối với công tác thi đua yêu nước, ngành Ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, trở thành một phương cách lãnh đạo, cổ vũ, động viên cán bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau 75 năm thành lập nước, 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, ngành Ngoại giao có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được nhưng không được chủ quan, tự mãn vì chặng đường phía trước còn dài.

“Các cán bộ Ngoại giao cần nắm vững, tuyệt đối trung thành với lập trường, nguyên tắc đối ngoại của Đảng, Nhà nước về giữ vững độc lập, tự chủ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của công đồng quốc tế, thực hiện tốt đoàn kết nội bộ, đồng lòng, nỗ lực, khéo léo, sáng tạo, đưa Việt Nam phát triển hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, ngành ngoại giao cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa những thành tựu đạt được, tiếp nối thành tựu lịch sử vẻ vang của ngành ngoại giao, công tác đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút tối đa nguồn lực bên ngoài, phát huy nội lực, phát triển nhanh bền vững, nêu cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam.

Để làm tốt trọng trách được giao, thời gian tới, Thủ tướng mong muốn ngành ngoại giao làm tốt “5 nhiệm vụ chính trị”, đồng thời Thủ tướng hoan nghênh “3 thi đua” của ngành.

Về 5 nhiệm vụ chính trị quan trọng, thứ nhất, thúc đẩy quan hệ của ta với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững. Luôn giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng đồng thời linh hoạt, khéo léo, tăng cường đan xen lợi ích, gia tăng điểm đồng, cân bằng quan hệ, nhất là với các nước lớn và các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Thứ hai, tăng cường ngoại giao kinh tế, góp phần quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Cần tạo điều kiện tối đa để kết nối các địa phương, doanh nghiệp của ta với các đối tác, bạn hàng, thị trường mới, khai thác hiệu quả các cơ hội, ưu đãi từ các hiệp định FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA; hợp tác thu hút FDI chất lượng cao, tạo động lực tăng trưởng vượt qua COVID-19 và tiếp tục phát triển thời gian tới.

Thứ ba, chủ động hội nhập quốc tế, nâng tầm, đẩy mạnh đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư. “Khi kỳ vọng của bạn bè quốc tế vào Việt Nam ngày càng lớn, chúng ta cần làm tốt hơn nữa, linh hoạt hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để đáp ứng sự tin tưởng của bạn bè quốc tế và bảo vệ được lợi ích an ninh-phát triển của Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thứ tư, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Phải giữ vững nguyên tắc “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, “kiên quyết, kiên trì”. Làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường trao đổi để bạn bè quốc tế hiểu rõ, ủng hộ sự chính nghĩa và quan điểm nhất quán của ta, nhất là về Biển Đông.

Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam bằng nhiều hoạt động đa dạng và phong phú. Xử lý kịp thời, thỏa đáng những vấn đề liên quan đến công dân, kiều bào ta ở nước ngoài; qua đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động nguồn lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng rất hoan nghênh “3 thi đua” do ngành ngoại giao đề ra. Thứ nhất, tăng cường, nâng cao nhận thức về thi đua yêu nước. Dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”, Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ làm đối ngoại phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời có ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm, hình ảnh của quốc gia, dân tộc trong từng công việc giao tiếp hàng ngày. Công tác lễ tân, hậu cần, phục vụ đã làm tốt cần thi đua làm tốt hơn, chu đáo, chân tình.

Thứ hai, thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Các đồng chí cần thường xuyên học tập từ cả phong cách, tầm nhìn, tư duy và cả những công việc hàng ngày của Người”, Thủ tướng bày tỏ.

Thứ ba, tăng cường thi đua yêu nước ngành ngoại giao với các cơ quan, bộ ngành, địa phương khác trong cả nước nhằm tạo nên nguồn lực tổng hợp phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thi đua, quan trọng nhất chính là thi đua với chính mình, mỗi cán bộ đối ngoại cần thường xuyên phấn đấu tu dưỡng trở thành người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.

Với tham luận Giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Mạnh Đông chia sẻ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nhiệm vụ này ngày càng nặng nề và đứng trước những khó khăn, thách thức hơn do việc áp đặt đơn phương các yêu sách phi lý và các hành động nhằm thực thi các yêu sách này ở khu vực Biển Đông cũng như tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh, khó lường và chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn.

Ông Nguyễn Mạnh Đông cho hay, trong bối cảnh đó, Vụ Biển, Ủy ban Biên giới quốc gia đã tích cực hưởng ứng tinh thần trách nhiệm các phong trào thi đua của ngành, hiện thực hóa nội dung của các phong trào thi đua thành các việc làm, hành động cụ thể, thiết thực trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

Hòa chung với thành tích của công tác đối ngoại giai đoạn 2017-2019, Vụ Biển đã đạt được nhiều thành tích thiết thực, quan trọng và có ý nghĩa trong việc kiên quyết, kiên trì bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, quyền và lợi ích chính đáng của tổ quốc trên biển gắn với giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

“Thách thức đối với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo - không gian sinh tồn của dân tộc - trong giai đoạn tới ngày càng lớn, các vấn đề sinh tồn cần giải quyết đều là những vấn đề khó và phức tạp. Vì vậy, việc chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ở Biển Đông chính là trách nhiệm, danh dự và niềm tự hào của thế hệ cán bộ ngoại giao, cán bộ làm công tác biên giới, lãnh thổ. Với sự tin tưởng của Nhà nước, Bộ Ngoại giao, những người làm công tác đối ngoại nói chung và biên giới lãnh thổ nói riêng sẽ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới ”, ông Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh.

Kết thúc buổi lễ, Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Bộ Ngoại giao phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 – 2025.

Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Sáng 19-8, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào (16/8/1945-16/8/2020), 75 năm Cách mạng ...

Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Indonesia Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Indonesia

Buổi lễ diễn ra dưới sự chủ trì của Đại sứ nước Cộng hòa Indonesia tại Hà Nội - ngài Ibnu Hadi.

Phạm Lý

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thu-tuong-mong-muon-nganh-ngoai-giao-lam-tot-5-nhiem-vu-chinh-tri-116642.html

In bài viết