Những người đi qua biển - Kỳ 1: Đi qua lối rẽ

16:27 | 26/08/2020

Năm 1975, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chấm dứt. Tiếng súng đã ngưng, nhưng hòa bình thực sự vẫn chưa đến với đất nước Việt Nam bởi chính sách cấm vận của chính quyền Mỹ. Khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn đầy chông gai và băng giá, thì những nhà văn, nhà thơ cựu binh của hai đất nước sau cuộc chiến đã mở một con đường đi qua biển để đến với nhau.
Bộ đội Biên phòng An Giang tặng 100 suất quà cho người dân nghèo ở vùng biên giới Bộ đội Biên phòng An Giang tặng 100 suất quà cho người dân nghèo ở vùng biên giới

Ngày 07/5, hai Đồn Biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang đã tổ chức trao tặng ...

Hình ảnh Dinh Độc Lập qua những biến cố lịch sử Hình ảnh Dinh Độc Lập qua những biến cố lịch sử

Dinh Độc Lập là công trình kiến trúc được người Pháp xây dựng, từng là nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam ...

Trước kia, những lính Mỹ đi qua biển mang theo bom đạn đến với Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, vẫn con đường đi qua biển, họ mang đến mảnh đất này sự sám hối, lời xin lỗi cùng giấc mơ hòa bình và tình bạn. Còn những người lính Việt Nam đi qua biển tới Mỹ chỉ mang theo vẻ đẹp văn hóa, khát vọng hòa bình và lòng vị tha của dân tộc. Trong suốt nhiều năm, họ là những người tiên phong dựng lên một cây cầu của tình bạn và hòa bình giữa hai dân tộc.

Nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, trân trọng giới thiệu bài viết gồm 3 kỳ của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một người đã tham dự từ những ngày đầu cùng các nhà văn, nhà thơ cựu binh của cả hai phía cho tới tận bây giờ để xây lên cây cầu ấy.

3229 nha tho nguyen quang thieu 1
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

1. Tôi sẽ không bao giờ quên được chuyến đi với nhà văn danh tiếng Phillip Caputo, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, người nhận Giải thưởng sách quốc gia của Mỹ cho tiểu thuyết Dư âm chiến tranh. Tạp chí Discovery, Mỹ đã đặt ông trở lại Việt Nam sau chiến tranh để viết một phóng sự về chiến trường xưa. Nhưng phải mất một thời gian dài ông mới quyết định trở lại Việt Nam. Bởi trong ông, nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn thi thoảng trở về như ông miêu tả “giống một bóng ma đứng cạnh chiếc giường của vợ chồng tôi”.

Đêm đầu tiên trở lại Thượng Đức, chiến trường xưa mà Caputo đã tham chiến, chúng tôi ngủ lại trong nhà một người dân tại ngôi làng nhỏ bên bờ sông Túy Loan. Đấy là một ngôi làng mà thời chiến tranh, lính Mỹ ít khi dám liều lĩnh bước vào. Đêm ấy, Caputo quyết định mắc võng ở ngoài hiên để ngủ. Sáng hôm sau thức dậy, tôi hỏi ông ngủ ngon không. Ông cười với gương mặt rạng rỡ và nói với tôi cả đêm qua ông không ngủ vì côn trùng kêu suốt đêm. Tôi rất ngạc nhiên về câu trả lời của ông.

Hồi còn ở chiến trường, những lính Mỹ đóng quân ở Thượng Đức rất sợ đêm xuống. Vì “Việt cộng” có thể xuất hiện từ mọi phía trong màn đêm. Khi nằm trong boongke trên đồi trong đêm, nếu tiếng côn trùng đang kêu chợt im lặng là một nỗi sợ hãi phủ lên những lính Mỹ. Vì nghĩa là có ai đó đang bò gần đến boongke của họ. Lũ côn trùng rất tinh. Khi đang kêu mà có động trên mặt đất là chúng ngừng kêu.

Đối với Caputo và những lính Mỹ khác, tiếng côn trùng ngừng kêu đồng nghĩa với cái chết đang đến gần. Nhưng ở ngôi làng nhỏ chiến trường xưa đêm ấy, côn trùng đã kêu suốt đêm. Và Caputo không ngủ được vì hạnh phúc. Lần đầu tiên trên mảnh đất chiến trường xưa, ông không còn cảm thấy sợ hãi điều gì nữa. Ông thức trong sự bình yên và hạnh phúc.

Larry Heinemann là tiểu thuyết gia danh tiếng, ông cũng giành được Giải thường sách quốc gia của Mỹ với tiểu thuyết đã được dịch và phát hành ở Việt Nam: “Chuyện người lính Paco”. Ông trở lại Việt Nam 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Ông đến chỉ để đi lại một khúc rẽ ở Tây Ninh. Đấy là khúc rẽ mà trong suốt thời gian chiến tranh tiểu đội ông hầu như ngày ngày phải đi tuần qua. Larry mong ước quay lại Việt Nam để chắc chắn rằng qua khúc rẽ đó, không có tiếng súng nào vang lên và tiếng đổ xuống của một lính Mỹ bị trúng đạn phục kích.

Tiểu đội của Larry thường thường đi tuần tra và họ phải đi qua khúc rẽ nơi chân núi. Và hầu như lần nào cũng có một tiếng súng vang lên cùng một lính Mỹ bị bắn gục. Khúc rẽ trở thành nỗi ám ảnh kinh hãi với Larry và những lính Mỹ khác. Ông đã đến khúc rẽ ấy với trạng thái hoang mang như đứng trước miệng một vực sâu. Ông nhắm mắt và đi từng bước qua cái khúc rẽ với sự trợ giúp của vợ. Khi vợ ông nói hãy mở mắt ra, ông đã từ từ mở đôi mắt của mình trong khi tim đập váng lên.

Những gì ông nhìn thấy sau khúc rẽ ấy giờ đây không phải là một cuộc chiến tranh, không có tiếng súng nào vang lên và không một tiếng đổ của kẻ bị bắn. Trước mặt ông là một con đường thẳng tắp, hai bên là những ngôi nhà đơn sơ gần gũi và cánh đồng lúa vàng rực đến tận chân trời. Chỉ đến lúc đó, ám ảnh chiến tranh mới rời khỏi ông.

Ông từng viết trong một cuốn sách rằng: “Ám ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam ở trong nhà tôi giống một xác chết đã chết từ lâu mà không mai táng được”. Trở về sau chuyến đi, ông đã tới nhiều trường đại học, nhiều thư viện trên nước Mỹ và nói về sự sai lầm và tội ác của người Mỹ trong cuộc chiến tranh và cảm giác kỳ lạ của ông khi trở lại Việt Nam.

Có một người phụ nữ rất nổi tiếng ở Mỹ. Bà được gọi là “Bà mẹ của phong trào phản chiến”. Đó là nhà văn Grace Palley, thi bá hàng đầu nước Mỹ. Khi bà mất năm 2014, một số tờ báo lớn ở Việt Nam đã đưa tin. Hồi còn trẻ sống ở New York, hằng sáng bà đều ra một ngã tư đứng đó với biểu ngữ chống chiến tranh Việt Nam.

Bà kể lại, mỗi tối trở về người bà ướt và hôi nồng nặc mùi nước bọt của những người Mỹ đi qua nơi bà đứng biểu tình nhổ vào bà. Nhưng nửa năm sau, hàng ngàn người Mỹ đã đứng bên bà để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Bà là người Mỹ được chọn vào Việt Nam để đón một số phi công Mỹ bị bắt lần đầu tiên được trao trả trong thời gian chiến tranh.

Bà kể với tôi, trong suốt các chặng bay từ Việt Nam về Mỹ, bà đã nói cho những phi công Mỹ trẻ về sai lầm của chính quyền Mỹ trong chiến tranh và về vẻ đẹp văn hóa và lịch sử của đất nước Việt Nam. Bà không phải là một cựu binh Mỹ nhưng lần nào tôi đến gặp bà, bà cũng hỏi tôi một câu hỏi “Việt Nam đã hết chiến tranh chưa’’. Một cái gì đó không bình thường đang diễn ra trong bà. Nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen nói với tôi, bà chỉ hỏi những người Việt Nam câu hỏi ấy. Có lẽ khi hai từ Việt Nam vang lên thì ngay lập tức toàn bộ cuộc chiến tranh trở về và xâm chiếm tâm trí bà. Sau khoảnh khắc đó, bà lại trở lại là một nhà văn danh tiếng thông tuệ và hài hước.

Kevin Bowen là giáo sư, tiến sỹ, nhà thơ và là Giám đốc Trung Tâm William Joiner của trường Đại học Massachusetts, Mỹ. Ông đến Việt Nam trong nghĩa vụ quân dịch và đóng quân ở Núi Bà Đen, Tây Ninh một năm rồi trở về Mỹ. Ông nhập trường đại học. Trong những ngày nghỉ, ông đi bán trái cây. Năm 1972, ông gom toàn bộ tiền bán trái cây đi Paris. Ông đến đó để chờ đợi kết quả của Hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam. Nhưng kết quả của Hội nghị Paris đã làm ông thất vọng. Người Mỹ vẫn can thiệp vào cuộc chiến tranh và Việt Nam vẫn bị chia cắt. Ông trở về Boston và bắt đầu sáng tác thơ về cuộc chiến tranh mà ông đã tham gia và đã phản chiến và làm thơ về đất nước và con người Việt Nam.

Trong một phần tự truyện của mình ông viết: “Năm 1986, tôi rời Boston sau ngày Giáng sinh để thực hiện chuyến đi trở lại Việt Nam lần đầu tiên. Bộ phim “Platoon” đang dẫn đầu các rạp chiếu ở New York. Tôi đi cùng với một nhóm các học giả dưới sự tài trợ của Dự án hòa giải Đông Dương (USIRP) của John McAuliff. Có 12 người trong nhóm chúng tôi và một cựu binh khác. Chúng tôi bay từ New York đến Anchorage đến Seoul rồi đến Bangkok lúc nửa đêm.

Ngày hôm sau, chúng tôi tới sứ quán Việt Nam để xin visa. Chúng tôi thấy người ta mang ra một cuốn sách lớn và từng tên của chúng tôi được kiểm tra. Vào ngày năm mới, chúng tôi bay tới Việt Nam từ Bangkok trên chuyến bay của Air France 747. Khi chúng tôi hạ cánh, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ để tìm kiếm hình ảnh những cánh đồng lúa một lần nữa, những bức tường ngăn cũ ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất.

Chuyến đi đầu tiên đó đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Trong nhiều tháng, tôi cố gắng miêu tả điều đã xảy ra. Lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, bàn chân tôi có cảm giác kết nối với mặt đất, toàn bộ cơ thể tôi thức dậy, không phải trong bầu không khí cảnh giác cao độ của chiến tranh mà là sự công nhận và trân trọng đối với sự thống nhất và toàn vẹn của mỗi khoảnh khắc. Không có máy bay hay trực thăng lướt qua bầu trời.

Điều đã thay đổi nhiều nhất qua năm tháng, tôi nghĩ đó là sự thay đổi trong cách tôi cảm nhận Việt Nam, từ một nơi của chiến tranh và những người lạ nguy hiểm trở thành một nơi giống như ngôi nhà thứ hai, nơi có bạn bè và gia đình, nơi khích lệ và nuôi dưỡng tinh thần. Chúng tôi mắc nợ Việt Nam và các nhà văn của họ rất nhiều. Sự rộng lượng của họ luôn làm tôi kinh ngạc. Sự dũng cảm, cởi mở, kiên nhẫn, tử tế luôn là nền tảng cho sự hợp tác của chúng tôi”.

2. Năm 1991, cuộc gặp gỡ chính thức lần đầu tiên giữa các nhà văn cựu binh Mỹ và Việt Nam được tổ chức tại khu biệt thự Quang Bá. Một đoàn các nhà văn danh tiếng hàng đầu của nước Mỹ đã đến Việt Nam như Kevin Bowen, Larry Heinemann, Yusef Komuniakaa, Bruce Weigl, Tom Obrien, Phillip Caputo, Fred Marchant… cùng với một nhà báo chiến tranh tên tuổi của tờ Washington Post. Họ đều là những người đã đi qua cuộc chiến tranh Việt Nam và đã tham gia phong trào phản chiến. Tôi nói với họ về khu biệt thự Quảng Bá trước kia.

Và những nhà văn cựu binh Mỹ đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi họ được ở một nơi đặc biệt như vậy. Sau buổi gặp gỡ đó, các nhà văn cựu binh Mỹ đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp. Tôi còn nhớ từng chữ mà đại tướng nói khi mời những nhà văn cựu binh Mỹ ăn chuối: “Các bạn ăn chuối đi, những quả chuối này không nhiễm chất độc da cam đâu’’.

Câu nói hài hước những tinh tế và đầy thiện chí đã làm những nhà văn cựu binh Mỹ tham dự buổi gặp đó khóc. Họ nhớ lại những chuyến bay ngày ngày của quân đội Mỹ thả chất độc da cam xuống những cánh rừng phía Nam trong chiến tranh.

Bruce Weigl đã viết thư cho tôi sau khi trở về Mỹ, ông đau đớn nói: “Có những buổi chiều tôi ngồi trong vườn uống cà phê và nhìn những đám mây vàng bay trên bầu trời nước Mỹ. Tôi rùng mình khi nghĩ đó là những đám bụi của chất độc da cam. Xin những người Việt Nam hãy tha tội cho chúng tôi”. Bruce kể với tôi nhiều lần là sau khi ông từ Việt Nam trở về, hai nhân viên FBI đã gặp và hỏi ông thấy gì ở Việt Nam? Bruce cười mỉa và nói: “Tôi thấy hố bom của Mỹ vẫn còn trên mặt đất, tôi thấy những đứa trẻ dị tật bởi chất độc da cam, tôi thấy lòng vị tha và khát vọng hòa bình vô tận của người Việt Nam, tôi thấy đó như quê hương thứ hai của tôi”.

Và từ đó, không có cú điện thoại hay cuộc gặp nào từ FBI nữa. Đấy là lý do mà sau này, Bruce tìm mọi cách nhận một người con nuôi Việt Nam quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam mồ côi cha mẹ. Tên người con nuôi là Hạnh và ông đã viết cuốn sách “Vòng tròn của Hạnh”, sau này thành sách bán chạy nhất (best seller) ở Mỹ cách đây vài năm. Hiện tại, hằng năm ông lại về Việt Nam để sống, viết sách và về thăm mộ cha mẹ đẻ của đứa con nuôi. Ông làm tất cả cho Hạnh trong suốt hơn 10 năm nay. Ông nói với tôi, ông muốn chuộc một phần tội lỗi của mình. Ông vừa viết xong cuốn tiểu thuyết về làng quê Việt Nam.

Sau những chuyến đi đầu tiên như một cuộc “khám phá” đất nước một thời là kẻ thù của mình, những nhà văn cựu binh Mỹ đã đưa gia đình họ đến Việt Nam. Đặc biệt, họ đã đưa những đứa con họ đến với đất nước này. Họ muốn những đứa trẻ lớn lên hiểu đúng về cuộc chiến tranh mà cha chúng đã tham gia như một sai lầm không thể tha thứ, họ muốn những đứa con của họ hiểu đúng về đất nước này.

Xem tiếp Kỳ 2: Chơi bóng rổ với “Việt cộng”

“Tôi thấy hố bom của Mỹ vẫn còn trên mặt đất, tôi thấy những đứa trẻ dị tật bởi chất độc da cam, tôi thấy lòng vị tha và khát vọng hòa bình vô tận của người Việt Nam, tôi thấy đó như quê hương thứ hai của tôi”. (Câu trả lời nhân viên FBI của nhà văn Bruce Weigl khi ông từ Việt Nam trở về Mỹ sau cuộc gặp giữa các nhà văn cựu binh Mỹ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1991).
Video: Lính Mỹ biến thành “siêu chiến binh” nhờ khung xương trợ lực, có thể nâng đạn pháo nặng gấp 10 lần Video: Lính Mỹ biến thành “siêu chiến binh” nhờ khung xương trợ lực, có thể nâng đạn pháo nặng gấp 10 lần

Khung xương trợ lực Guardian XO Alpha phù hợp với hoạt động nâng đỡ các thiết bị nặng hoặc đạn pháo, giúp giảm chấn thương ...

Lễ giao nhận bản đồ địa hình biên giới giữa Việt Nam và Campuchia Lễ giao nhận bản đồ địa hình biên giới giữa Việt Nam và Campuchia

Việt Nam và Campuchia gặp gỡ trao đổi công việc và giao nhận bản đồ địa hình biên giới.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-nguoi-di-qua-bien-ky-1-di-qua-loi-re-114174.html

In bài viết