Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

09:22 | 06/08/2020

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), thế giới hiện có 4,1 tỉ người sử dụng Internet, trong đó 1/3 là trẻ em. Môi trường mạng tạo điều kiện cho quyền con người, nhất là quyền trẻ em được mở rộng, trong đó có quyền được giáo dục và học tập, vui chơi, tiếp cận thông tin và bày tỏ ý kiến, nguyện vọng.
Cần đề ra giải pháp đấu tranh và bảo vệ quyền con người trên không gian mạng Cần đề ra giải pháp đấu tranh và bảo vệ quyền con người trên không gian mạng

Không gian mạng không thể là một lĩnh vực không có pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nạn tin giả, thông tin ...

Bảo vệ quyền trẻ em là một ưu tiên lớn tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Bảo vệ quyền trẻ em là một ưu tiên lớn tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Bảo vệ quyền trẻ em là một ưu tiên lớn của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Hàng năm khóa họp đều dành trọn vẹn ...

Ngay cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trẻ em không thể đến trường học và hạn chế ra khỏi nhà, không gian mạng vẫn có thể giúp các em duy trì việc học tập và giữ liên hệ với bạn bè. Tuy vậy, các nguy cơ và thực tế trẻ em bị xâm hại thông qua môi trường mạng đang gia tăng, đặt ra những yêu cầu cấp bách cần giải quyết.

5907 5
Trẻ em xem YouTube, xem mạng xã hội rất phổ biến. Ảnh: Báo TNO

Gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng

Hiện nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng thực tế cho thấy, thực trạng vi phạm quyền trẻ em trên mạng đang diễn biến đáng báo động trên toàn cầu và ở Việt Nam.

Đó là tình trạng trẻ em dễ bị bắt nạt, bị xâm phạm quyền riêng tư, mất phương hướng để phát triển nhân cách do sự nhiễu loạn thông tin dẫn đến mất niềm tin vào cuộc sống, dễ mắc sai lầm trong cuộc sống và sự nghiệp trong tương lai. Những nguy cơ bị xâm hại trong môi trường mạng thể hiện ở những mặt sau:

Thông tin xấu, độc: Khi chơi game trực tuyến hoặc tương tác trong không gian mạng, trẻ em có thể bắt gặp nội dung không phù hợp với lứa tuổi hoặc độc hại như: bạo lực, khiêu dâm, bịa đặt, xuyên tạc. Các em có thể tiếp xúc một cách vô tình qua những cửa sổ, đường dẫn tự hiện lên (pop up). Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 1,8 tỉ các hình ảnh được đăng tải trên Internet thì có 720.000 là các hình ảnh phi pháp về trẻ em.

Xâm hại đời tư: Thông tin, hình ảnh của bất kỳ ai đăng tải lên không gian mạng được sao chép và chia sẻ lại một cách dễ dàng, nhanh chóng và việc gỡ bỏ gần như không thể. Nếu trẻ em chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, thông tin và hình ảnh cha, mẹ, anh, chị, em hay thậm chí thông tin và hình ảnh nhạy cảm có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích tung tin, lừa đảo hay đe dọa các em.

Bắt nạt: Bắt nạt qua tin nhắn trên điện thoại, email hay các trang mạng xã hội là một hiện tượng khá phổ biến gần đây. Bất cứ ai, đặc biệt là trẻ em do thiếu kinh nghiệm sống và giao tiếp có thể bị cư dân mạng chế giễu, cợt nhả, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý. Thậm chí, các em có thể bị công kích, đe dọa hoặc thông tin, hình ảnh có liên quan của trẻ em bị xuyên tạc dẫn đến tâm lý xấu hổ, hoang mang, lo âu, hoảng sợ, nặng nề hơn không ít trường hợp trẻ có ý muốn hoặc đã tự tử do bế tắc. Điều này ảnh hưởng đến việc học tập và tương lai của các em.

Xâm hại tình dục: Không gian mạng còn là môi trường tiềm ẩn cho tội phạm sản xuất, quảng bá sản phẩm khiêu dâm trẻ em tiếp cận, môi giới mại dâm trẻ em hoặc tìm kiếm trẻ em để xâm hại tình dục, có cơ hội làm quen, gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như “chat sex” qua webcam hoặc chia sẻ hình ảnh, clip nhạy cảm. Các đối tượng có thể dùng chính các hình ảnh hay clip các em chia sẻ, hoặc được chúng ghi lại để ép buộc, đe dọa khiến các em phải tuân theo các yêu cầu khác, đe dọa tung các hình ảnh hay clip này đến gia đình, bạn bè hoặc lan truyền rộng rãi.

Tại ASEAN, trẻ em bị xâm hại là hiện trạng nhức nhối. Theo thống kê của Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị lạm dụng của Mỹ (National Center for Missing and Exploited Children - NCMEC), năm 2018 Indonesia có 1.219.680 vụ việc được báo cáo qua đường dây, Philippines 640.210 vụ, Thái Lan 356.571 vụ, Malaysia 217.602 vụ, Myanmar 158.164 vụ, Việt Nam 706.435 vụ, Campuchia 130.678 vụ, Lào 23.098 vụ, Singapore 25.378 vụ và Brunei 3.060 vụ.

Tại Anh, 25% trẻ em ở độ tuổi dưới 18 đã tạo ra những sản phẩm có nội dung tình dục về chính bản thân các em và gửi cho người khác. Cảnh sát bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Anh (CEOP) trong một lần bắt giữ đã phát hiện gần 2,5 triệu hình ảnh bất hợp pháp về trẻ em. Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ trên thế giới được đưa lên Internet.

Theo Kết quả khảo sát ý kiến của UNICEF công bố ngày 06/9/2019, có 170.000 người tại 30 quốc gia trả lời, có hơn 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong số đó có tới 1/5 cho rằng đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực; 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và đa số (75%) đều không biết đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.

Chiến lược quốc gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần những giải pháp cấp bách và kế hoạch lâu dài có tính chiến lược. Cốt lõi của các giải pháp này là tận dụng tối đa ưu thế và mặt tích cực của không gian mạng để phát triển trẻ em an toàn và toàn diện, thúc đẩy việc bảo đảm các quyền của trẻ em được thực hiện. Mặt khác, phải phòng ngừa và bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng phải trở thành một hợp phần của chiến lược phát triển công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Trước mắt, cần phải tăng cường việc truyền thông và giáo dục về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho chính trẻ em và những người trẻ tuổi, cho cha mẹ, giáo viên. Mục đích của việc truyền thông và giáo dục này là tạo nên những thế hệ sử dụng môi trường mạng một cách thông minh, chủ động; tạo “vắc-xin” phòng ngừa các nguy cơ bị xâm hại khi tham gia thế giới mạng cho chính mỗi đứa trẻ.

Từ hàng chục năm trước đây, các nghiên cứu đầu tiên về nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục khi sử dụng các phương tiện kết nối, trao đổi thông tin đều đã đi đến cùng một phát hiện: khi trẻ em và những người trẻ tuổi ngồi trước màn hình máy tính và bắt đầu kết nối thông tin “không giới hạn” thì mọi hàng rào bảo vệ trẻ em, cho dù đó là pháp lý hay đạo lý, là cha mẹ hay giáo viên đều có nguy cơ bị vô hiệu. Do đó, trang bị cho trẻ em và những người trẻ tuổi kiến thức, kỹ năng tự phòng ngừa, tự bảo vệ và biết cách tìm sự bảo vệ và trợ giúp là thứ “vắc-xin” hiệu quả.

Ngay trong đại dịch COVID-9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UNICEF tại Việt Nam, Tổ chức LHQ về phụ nữ (UN Women) và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì quyền trẻ em (Save Children, Child Fund) đã nhanh chóng biên soạn các tài liệu hướng dẫn an toàn, bảo vệ trẻ em, trong đó có các tài liệu và nội dung về an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Một chuỗi 11 sản phẩm truyền thông được thiết kế để quảng bá qua môi trường mạng, đặc biệt mạng xã hội và các website.

Từ những năm đầu thế kỷ 21, Việt Nam đã chuyển mạnh phương pháp tiếp cận về bảo vệ trẻ em, từ bảo vệ từng đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sang thiết lập và vận hành một hệ thống bảo vệ trẻ em một cách đồng bộ để mọi trẻ em được an toàn, sớm loại bỏ những nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và ứng phó nhanh trong các trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Đến Luật Trẻ em năm 2016, hệ thống và quy trình bảo vệ trẻ em đã có hành lang pháp lý bảo đảm để các quyền được bảo vệ và được an toàn của trẻ em được thực hiện. Luật Trẻ em cũng quy định những nguyên tắc, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đồng thời giao cho Chính phủ quy định chi tiết những nội dung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngày 09/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó có một chương riêng, Chương IV về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Luật An ninh mạng có riêng Điều 29 quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, trong đó qui định chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý...

Khi sắp kết thúc thập niên thứ hai của thế kỷ 21, với tác động ngày càng rõ rệt của cách mạng công nghiệp 4.0 thì những vấn đề an toàn cho trẻ em và người trẻ tuổi trên môi trường mạng cũng đặt ra cấp bách. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi rất nhanh, trẻ em và những người trẻ tuổi tiếp cận tốt hơn những thế hệ trước họ. Cần phải xúc tiến việc giáo dục nhận thức, trang bị kỹ năng để trẻ em có thể tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp đồng hành với việc phát huy tiềm năng sáng tạo của thế hệ trẻ bằng chính môi trường mạng.

Việc trẻ em bị lợi dụng, xâm hại, bắt nạt trên môi trường mạng để lại nhiều hậu quả, thậm chí một số trường hợp còn hơn cả trong cuộc sống thực. Song song với việc bảo vệ, cần đưa ra cả các giải pháp hỗ trợ trẻ “phục hồi” sau khi chịu tổn thương từ môi trường mạng. Việt Nam đã triển khai lộ trình học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển, các tập đoàn công nghệ lớn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các tổ chức quốc tế có uy tín đều đã ban hành các khuyến nghị đối với các quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025 nhằm hỗ trợ trẻ em tiếp cận, tương tác môi trường mạng một cách tích cực, nâng cao chất lượng học tập và giải trí của trẻ em bằng công nghệ. Đề án hướng đến những giải pháp đột phá hơn nhằm giải quyết những tồn tại trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó triển khai ứng dụng công nghệ là trọng tâm.

Tiếp tục các giải pháp truyền thống như: hoàn thiện hành lang pháp lý giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức; cung cấp nội dung bổ ích, có sức thu hút cho việc học tập và giải trí và trang bị “bộ kỹ năng số” cho trẻ em để chủ động tương tác tích cực trên môi trường mạng; hướng đến mục tiêu chiến lược là hình thành các nền tảng phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện, cảnh báo nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng.

Những giải pháp của Đề án này hướng tới mục tiêu phòng, chống xâm hại trẻ em cả trong đời thực cũng như môi trường mạng. Đồng thời, Đề án cũng góp phần cho mục tiêu phát triển kỹ năng thiết thực, bổ ích cho nguồn nhân lực số, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của đất nước trong giai đoạn phát triển và hội nhập đến 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” đề xuất hình thành một Trung tâm tư vấn đồng thời với phát triển một Mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng.

Trung tâm tư vấn thực hiên công tác hỗ trợ giúp trẻ phục hồi về tâm lý, thể chất và tinh thần khi bị xâm hại trên môi trường mạng. Mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng phối hợp với các đầu mối trong nước, ASEAN và quốc tế để tiếp nhận thông tin, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hoặc hỗ trợ ngăn chặn các vụ việc nguy hại, xâm hại trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng.

Ra mắt mô hình Phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em tại Bảo Lộc, Lâm Đồng Ra mắt mô hình Phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em tại Bảo Lộc, Lâm Đồng

Mới đây tại thôn Nau Sri, xã Lộc Nga, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng ...

Mô hình “nhà tạm lánh” tại Quảng Trị bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước bạo lực gia đình Mô hình “nhà tạm lánh” tại Quảng Trị bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước bạo lực gia đình

Mô hình “nhà tạm lánh” được xây dựng từ năm 2014 nhằm mục đích giúp đỡ các chị em phụ nữ, trẻ em bị đánh ...

Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-114168.html

In bài viết