Trái với các công ty Nhật “già nua”, Trung Quốc thích tuyển những CEO trẻ và đã từng nhảy việc nhiều nơi
Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia dẫn đầu châu Á về các CEO thành công. Tại Nhật Bản, Masayoshi Son của SoftBank (công ty viễn thông) và Tadashi Yanai của hãng bán lẻ quần áo Fast Retailing là những ví dụ điển hình. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Jack Ma – ông trùm sàn thương mại điện tử Alibaba và đối thủ của Ma là tỷ phú Pony Ma của Tencent là những “ngôi sao” kinh doanh tại nước này.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy xu hướng chọn CEO mới ở Trung Quốc và Nhật Bản khá khác biệt.
Theo khảo sát về CEO kế nhiệm của 2.500 công ty niêm yết lớn nhất của công ty nghiên cứu Strategy& thuộc PwC, chỉ có 14,9% (tương đương 372 công ty) lựa chọn CEO mới thông qua quy trình kế nhiệm thông thường, sáp nhập hoặc sa thải. Tỷ lệ thay đổi vị trí người đứng đầu ở các công ty Nhật Bản và Trung Quốc là 15,5% và 15,2% - gần mức trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, sự khác nhau đến từ cách chọn người kế nhiệm.
Nhật Bản là quốc gia phi thường ở nhiều khía cạnh, trong đó có độ tuổi của các ông chủ. Tuổi trung bình của một CEO mới trên thế giới là 53, trong khi tại Nhật là 61. Mặc dù có những dấu hiệu của sự thay đổi nhưng hầu hết các công ty Nhật vẫn muốn bổ nhiệm nhân sự dựa trên thâm niên. Tỷ lệ một giám đốc trẻ được bổ nhiệm vào vị trí CEO tại Nhật còn tương đối thấp.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tiết lộ rằng chỉ có 33% CEO mới ở Nhật làm việc cho các công ty khác nhau, thấp hơn một nửa so với mức trung bình toàn cầu là 74%. Và chỉ có 4% CEO tại Nhật có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh – con số này trên thế giới là 36%.
“Công việc tại các công ty của Nhật thường không đòi hỏi chuyên gia, điều này khiến cho người lao động khó thay đổi công việc hay cùng lúc làm việc cho nhiều công ty khác nhau. Bên cạnh đó, thay đổi công việc ở Nhật còn có nhiều tác động tiêu cực kèm theo. Tỷ lệ các CEO có bằng MBA phản ánh thực tế rằng người Nhật nói chung không có bằng MBA do trình độ tiếng Anh kém và thiếu các trường đào tạo MBA tại Nhật Bản hoặc các nước láng giềng”, Kenji Mitsui – một đối tác tại Strategy& chia sẻ.
Ông Mitsui cũng nhấn mạnh rằng rất nhiều CEO người Nhật xây dựng sự nghiệp của họ trong môi trường khá đồng nhất về văn hóa, do đó các công ty Nhật gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh toàn cầu.
Trong khi đó, độ tuổi trung bình của các giám đốc điều hành tại Trung Quốc là khoảng 51; 68% CEO Trung Quốc làm việc tại nhiều công ty khác nhau và 35% có bằng MBA.
Một trong những điểm tương đồng lớn nhất trong văn hóa kinh doanh của Nhật Bản và Trung Quốc là họ phản đối rõ ràng việc chọn lao động nước ngoài điều hành công ty. Tất cả các công ty Trung Quốc đều được điều hành bởi người Trung Quốc. Tương tự ở Nhật Bản cũng vậy.
“Suốt 2 thập kỷ qua, sự chuyển dịch của nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu đã tác động to lớn đến quy trình vận hành của các công ty Trung Quốc”, Xu Huchu – Giám đốc điều hành của Strategy& cho biết.
Những thay đổi này cũng có thể nhìn thấy trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực, nơi mà sự chuyển dịch quản trị nhân sự sang phong cách phương Tây khá rõ ràng, bao gồm việc bổ nhiệm các CEO là một trong nhiều yếu tố góp phần vào quá trình hiện đại hóa và thành công của các công ty Trung Quốc.
“Các CEO tương đối trẻ, với trình độ học vấn cao và kinh nghiệm chuyên môn sâu sắc cũng như quan điểm quản lý toàn cầu đang đóng vai trò quan trọng tạo nên sự thay đổi của các công ty Trung Quốc. Có thể nói, đây là con đường dẫn đến sự chuyển đổi của nền kinh tế nước này”, Xu nhấn mạnh.
Lưu An