Hình thể nóng bỏng, nhan sắc mỹ miều - Phạm Hương, Mỹ Linh, Nguyễn Thị Loan vẫn trắng tay
Chung kết Miss Universe 2017 vừa khép lại với thất bại của người đẹp Việt Nam Nguyễn Thị Loan. Loan Nguyễn cũng khép lại chuỗi thất bại liên tiếp của các người đẹp Việt trên 4 đấu trường nhan sắc lớn và có uy tín trong năm 2017 này. Từ Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế và giờ là Hoa hậu Hoàn vũ. Trong khi đó, các đại diện Việt Nam tham gia 4 sân chơi này đều được đánh giá là những người đẹp xuất sắc khi hội tụ đủ các yếu tố về ngoại hình, trí tuệ, ngoại ngữ…
Nhưng các người đẹp Việt có thực xuất sắc như suy nghĩ của người ái mộ nước nhà?
Đêm chung kết Miss Universe 2017 cho công chúng nhìn thấu tỏ điều này.
Nguyễn Thị Loan là 1 trong 15 thí sinh sở hữu thể hình đẹp nhất Miss Universe 2017 theo đánh giá của chuyên trang Missosology. Song, thế thôi thì chưa đủ.
Luật chơi năm nay của Miss Universe rất khắc nghiệt: Chọn thí sinh nổi bật chia đều theo khu vực. Thiếu may mắn cho Nguyễn Thị Loan khi châu Á năm nay có quá nhiều gương mặt nổi bật. Đẹp như Miss Philippines cũng không được gọi tên mà phải nhờ tới sự lựa chọn từ ban giám khảo.
Nguyễn Thị Loan của Việt Nam rất đẹp, rất Á Đông. Nhưng từ bộ hình Glam shot tới các vòng sơ khảo, cô không thể sánh được với thần thái "beauty queen" của Miss Philippines, Miss Indonesia và đặc biệt là người đẹp Thái Lan.
Nguyễn Thị Loan là 1 trong 15 thí sinh sở hữu thể hình đẹp nhất Miss Universe 2017 theo đánh giá của chuyên trang Missosology. Song, thế thôi thì chưa đủ.
Đó không phải lỗi của Loan Nguyễn.
Ở mọi cuộc thi nhan sắc, người đẹp Việt đều không có được sự tự tin rạng rỡ thu hút mọi ánh nhìn lẫn phẩm chất của một "leader", một "mentor" đúng nghĩa như các người đẹp láng giềng đến từ ba cường quốc nhan sắc này. Lý do chính là… họ không có những thứ đó. Ngoại trừ duy nhất trường hợp của Phạm Hồng Thúy Vân tại Miss International 2015. Và đó là một nhược điểm có tính hệ thống.
Phạm Hồng Thúy Vân là người đẹp duy nhất không mắc nhược điểm hệ thống của nhan sắc Việt. Cô giành vị trí trong Top 5 Miss International 2015 là nhờ phẩm chất của một "leader" được thể hiện trong các hoạt động bên lề của cuộc thi.
Điều quan trọng hơn nữa là, Miss Universe từ khoảng 5 năm trở lại đây đã không còn thuần túy là một cuộc đua nhan sắc. Những gương mặt lọt Top 10 chưa chắc đã là những cô gái đẹp nhất nhưng chắc chắn là những cô gái thông minh nhất. Và từ Top 5 đến Top 3 là một cuộc thử thách trí tuệ theo đúng nghĩa.
Nếu chỉ chọn một người người đẹp hài hòa theo kiểu chọn Hoa hậu của Việt Nam, Maria Poonlertlarp của Thái Lan chắc chắn sẽ là chủ nhân chiếc vương miện Miss Universe 2017. Cô không chỉ có thân hình hoàn hảo, chiều cao 1m84, gương mặt sáng như tỏa hào quang mà còn tốt nghiệp trường đại học hàng đầu ở Thụy Điển và thông thạo 4 ngôn ngữ.
Nếu chỉ chọn một người người đẹp hài hòa theo kiểu chọn Hoa hậu của Việt Nam, Maria Poonlertlarp của Thái Lan chắc chắn sẽ là chủ nhân chiếc vương miện Miss Universe 2017.
Nhưng Miss Universe không phải Hoa hậu Việt Nam. Thái Lan và Venezuela đã bị đánh bại bởi người đẹp có trí tuệ, tài thuyết trình và khả năng truyền cảm hứng như một chính trị gia lão luyện đến từ Jamaica. Người đẹp Jamaica không đẹp trong số các thí sinh da màu, nhưng khi cô cất tiếng thì cả hội trường Miss Universe như bùng nổ. Cô lọt vào Top 3 mà không một chuyên trang nhan sắc nào có thể dự đoán được.
Thái Lan và Venezuela đã bị đánh bại bởi người đẹp có trí tuệ, tài thuyết trình và khả năng truyền cảm hứng như một chính trị gia lão luyện đến từ Jamaica.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Miss Earth 2017, nơi Hà Thu của Việt Nam dừng chân ở Top 16 và người đẹp Philippines bị cho là xấu nhất Top 5 lại lên ngôi. Đơn giản là vì câu trả lời ứng xử của cô quá xuất sắc, biểu hiện cho một trí tuệ sắc sảo. Một người đẹp như thế mới đủ khả năng đi khắp thế giới để kêu gọi, truyền cảm hứng cho cả nhân loại chung tay bảo vệ môi trường.
Một người đẹp có trí tuệ sắc sảo như Tân Hoa hậu Trái đất 2017 mới đủ khả năng đi khắp thế giới để kêu gọi, truyền cảm hứng cho cả nhân loại chung tay bảo vệ môi trường.
Cách đây 5 năm, các chuyên gia nhan sắc quốc tế đã dự đoán: các lò luyện Hoa hậu theo kiểu Venezuela đã trở nên lỗi thời. Bởi xu hướng của các cuộc thi nhan sắc bây giờ không phải là cuộc ganh đua của những cô nàng có hình thể nóng bỏng, catwalk chuyên nghiệp, giao tiếp tốt, biết diễn xuất trong mọi hoạt động đời thường lẫn trên sân khấu, biết cách trả lời những mẫu câu "cứu thế giới" một cách hoàn hảo. Thế giới đang tìm những cô gái có trí tuệ nhưng… đẹp, thay vì đẹp và có trí tuệ.
Trong khi đó, các khóa huấn luyện nhan sắc Việt vẫn đang tập trung vào những yếu tố mang tính hình thức và đang dần tụt hậu.
Trí tuệ của các người đẹp Việt bị đánh đồng với việc giỏi ngoại ngữ. Trong khi thực tế, phần lớn những người đẹp Mỹ Latin đều không chịu nói tiếng Anh và luôn có người phiên dịch trong phần phỏng vấn. Bảo thủ nhất là các người đẹp của Venezuela. Họ tự tin vào nhan sắc và khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ đến mức chưa có cô gái người Venezuela nào nói tiếng Anh trong khoảng 10 năm trở lại đây tại các đấu trường nhan sắc lớn như Miss Universe hay Miss World.
Cũng chính vì thế mà dù có giỏi tiếng Anh hay không giỏi tiếng Anh, nhan sắc Việt luôn bị yếu thế khi đặt chân tới vòng phỏng vấn với ban giám khảo. Vòng thi chiếm đến 15% số điểm này sẽ cho thấy trí tuệ và tâm hồn của một "bông hậu", không phụ thuộc vào ngôn ngữ mà các người đẹp nói là ngôn ngữ gì.
Và ngay cả khi cô gái ấy có bằng đại học, là sinh viên những trường danh tiếng, nhưng nếu không có kiến thức xã hội sâu rộng, không am hiểu về các vấn đề toàn cầu, không thích thú với triết học, chính trị và nhân học, họ cũng sẽ không có cơ hội đến gần chiếc vương miện danh giá. Mà những điều này, trong 1 tháng, 2 tháng hay 1 năm, 2 năm đều không thể đào tạo được. Dù "lò luyện" Hoa hậu có chuyên nghiệp tới đâu. Nó phụ thuộc vào tư chất và nền tảng của chính người đẹp đó.
NTK Sĩ Hoàng đã nói thẳng về vấn đề này trong scandal liên quan tới Á hậu Huyền My sau đêm chung kết Miss Grand International 2017. Huyền My trước đó đã đầu tư thuê hẳn các chuyên gia Philippines sang Việt Nam huấn luyện cho cô. Với những kĩ năng có được, Huyền My còn tự tin sẽ lọt Top 5. Nhưng kết quả cô phải dừng chân ở Top 16 một cách… thuyết phục.
Huyền My dù được các chuyên gia Philippines huấn luyện nhưng không giúp cô có được một vị trí cao hơn Top 16.
Sĩ Hoàng cho rằng, tư chất của một người đẹp là thứ không huấn luyện được và nó xuất phát từ nền tảng giáo dục trong chính gia đình. Cũng giống như các người đẹp có thể học cách ăn bằng dao dĩa, cách cầm ly rượu vang sao cho chuẩn, cách ngồi vắt chân sao cho đẹp, cách cười sao cho đúng cỡ, nhưng họ không thể học cách bộc lộ thần thái nếu bên trong họ không có.
Đáng tiếc, các cuộc thi nhan sắc trong nước không xem trọng điều này. Cùng với nhiều điều tiếng về việc thi thố thiếu công bằng, thi Hoa hậu ở Việt Nam ngày càng trở nên tẻ nhạt. Và màn trả lời ứng xử của các người đẹp luôn là phần thi sảng khoái nhất vì giúp khán giả được… cười.
Thí sinh Ngọc Lụa trong phần thi ứng xử giúp khán giả được "sảng khoái" tại Hoa hậu Đại Dương 2017.
Vẻ đẹp của ngoại hình có thể tô vẽ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng vẻ đẹp của trí tuệ và tâm hồn thì không thể tô vẽ được. Trong 2-3 tuần các người đẹp tham gia những đấu trường nhan sắc, các giám khảo công khai lẫn giấu mặt sẽ chấm điểm những cái bên trong đó thông qua từng biểu hiện, cử chỉ, hành động thường ngày chứ không phải đi tìm xem cô gái nào cười đẹp nhất hay có số đo nóng bỏng nhất. Bởi thế, nếu việc tuyển chọn người đẹp trong nước không tuân theo những quy tắc quốc tế này thì dù một năm Việt Nam có tung ra bao nhiêu chiến binh nhan sắc cũng khó có được một vị trí như mong muốn tại những sân chơi có uy tín.
Trở lại với trường hợp của người đẹp Nguyễn Thị Loan. Khi cô vận động viên bóng chuyền người Thái Bình chạm ngõ sân chơi nhan sắc Hoa hậu Việt Nam 2010, rất nhiều phóng viên có mặt ở Quảng Ninh năm ấy "đòi" Nguyễn Thị Loan phải là Hoa hậu. Gương mặt đẹp tự nhiên, hàm răng tươi tắn, thân hình rắn rỏi, làn da nâu mượt mà của Loan rất hợp với gu thẩm mỹ phương Tây. Song, phần ứng xử vụng về và… ngọng đã khiến Loan mất cả ngôi Á hậu.
Nguyễn Thị Loan đã tiến một bước rất dài sau 7 năm.
Nhưng Nguyễn Thị Loan đã tiến một bước rất dài sau 7 năm. Ở Loan có một sự cầu thị và ý chí rất lớn. Cô đã từng bước nỗ lực trau dồi và hoàn thiện bản thân không chỉ ngoại hình mà còn cả ở phong thái giao tiếp ứng xử, ngoại ngữ, phông kiến thức… Thành tích mà Nguyễn Thị Loan làm được tại Miss World 2014 và Miss International 2016 rất đáng nể. Không thể nói Loan chưa đủ tầm để thi quốc tế, nhưng nếu mong cầu một thứ hạng cao hơn nữa hay một vị trí trong Top 16 của Miss Universe thì thực sự chưa đủ.
Mượn lời bà Kim Dung, người đề cử Đỗ Mỹ Linh đi thi Miss World, thì: Việt Nam rất xuất sắc rồi, nhưng các nước bạn còn xuất sắc hơn nữa.
Pink