Hà Nội sẽ vượt Tokyo, Singapore, Seoul để trở thành trung tâm nhạc hội của châu Á?
Bên bờ sông Đồng Mô, khoảng 40km về phía đông của Hà Nội, những vũ công đang xoay vòng với những dải ruy-băng, trong khi các nghệ sĩ ghita đang biểu diễn buổi hòa nhạc ấm cúng trên những chiếc bè. Ở đây có hoạt động cắm trại, yoga và bơi lội, và chưa kể đến 40h nhạc sống không ngừng nghỉ.
Nghe có vẻ giống như Glastonbury, lễ hội âm nhạc lớn nhất ở Anh nhưng đây là Quest, một nhạc hội đã bước sang tuổi thứ 5.
Hà Nội từ lâu đã là trái tim sáng tạo của đất nước, và đang thách thức các ‘thế lực’ của khu vực như Tokyo, Singapore và Seoul cho danh hiệu trung tâm nhạc hội của châu Á.
Jeremy Wellard, người đồng sáng lập Quest đã nói với CNN: “Hà Nội có tiềm năng để trở thành một trung tâm âm nhạc của châu Á. Ở đây có một nền tảng văn hóa mạnh mẽ để khai thác. Khi nền kinh tế của Việt Nam không ngừng phát triển và cấu trúc xã hội thay đổi, chúng ta sẽ thấy đất nước này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa.”
Một nhịp điệu mới
Với dân số 7,5 triệu người, Hà Nội thường vây quanh bởi tiếng ồn đô thị phát ra từ những chiếc xe máy, ô tô. Mặc dù vậy, thành phố vẫn có nét duyên dáng và cổ kính với kiến trúc thấp và những đường phố rợp lá.
Chính cảm giác lãng mạn này đã thôi thúc Wellard từ Úc chuyển tới Hà Nội, nơi anh đã giúp tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc như nhạc hội hiphop Stylin’Up ở Brisbane và những Lễ kỷ niệm văn hóa G20, một lễ hội nghệ thuật và văn hóa của thành phố.
Vào năm 2011, Wellard và một vài người bạn đã tới khu cắm trại Sơn Tinh Camp ở Đồng Mô vào dịp cuối tuần. Một hồ nước ngọt, rừng, những túp lều cho thuê… họ đã nhanh chóng nhìn thấy tiềm năng của nơi này.
Wellard chia sẻ: “Chúng tôi đã muốn mang lại bầu không khí lễ hội đến với Hà Nội ở một nơi có cảm giác giống như một lối thoát, không mang theo lối sống đô thị.”
Vào năm 2013, Quest đã được tổ chức với tư cách một dự án cây nhà lá vườn với khoảng 250 khán giả. Năm nay, con số đó sẽ gấp 20 lần với 5 sân khấu và khoảng 5000 khách tham dự từ 10 – 12 tháng 11.
Những người Anh tiên phong của dòng nhạc ambient house The Orb có mặt trong danh sách biểu diễn cùng với Slamboree Sound System, DJ nhạc house và techno của Hà Nội Tùng Tím và nghệ sĩ nhạc Pop người Indonesia Stars and Rabbit.
Ông Wellard nói thêm: “Chúng tôi may mắn khi có mặt ở đây vào thời điểm Hà Nội bắt đầu mở cửa với thế giới và thị hiếu của người Việt Nam cũng đang cởi mở hơn.”
Đừng làm cho âm nhạc dừng lại
Quest không phải là một hiện tượng mới lạ. Tháng 4 vừa qua, lễ hội nhạc house và techno Equation cũng được tổ chức tại hồ Đồng Mô.
Những nhà sáng lập của nó, đội ngũ đứng sau Cliché Records, một công ty thu âm, đặt vé và quảng bá tới từ Hồng Kông nói với CNN rằng Hà Nội là lựa chọn hiển nhiên cho sự kiện của họ.
Ouissam Mokretar, một trong những nhà sáng lập của Equation, cho biết: “Hồng Kông đã bão hào và khó có thể tổ chức ở đó. Seoul và Nhật Bản có cùng chung vấn đề đó cùng với vấn đề không gian và giá cả. Trung Quốc, Manila và Bangkok thì quá khó khăn về mặt chính trị và luật pháp. Nhưng Việt Nam vẫn đang phát triển. Những du khách đã tới đây và yêu đất nước này còn những thanh niên ở đay muốn trải nghiệm những điều mới mẻ.”
Equation có 2 sân khấu chính với sân khâu thứ 3 ở bên cánh dành cho yoga, chiếu phim hoặc những hội thảo về nghề thủ công.
Hơn 30 nghệ sĩ biểu diễn trong vòng hơn 3 ngày, bao gồm nghệ sĩ nhạc điện tử người Mỹ DJ Shlomo, Alex tới từ Tokyo, và nghệ sĩ Na Uy Telephones.
Trong khi đó, lễ hội âm nhạc Monsoon - đã từng có sự tham dự của người thắng giải Grammy Joss Stone và ban nhạc rock Đức The Scorpions – sẽ trở lại lần thứ 3 vào mùa thu này cùng với sự tham dự của hàng ngàn người ở Hoàng Thành Thăng Long, một di tích lịch sử nằm ở phía Nam hồ Tây.
Một thành phố đang chuyển mình
Mokretar nói sự mở rộng của các lễ hội ở Việt Nam một phần nhờ mạng lưới những chuyến bay rẻ đang phát triển của thành phố. Trong năm qua, VietJet đã cho ra mắt những tuyến bay trực tiếp từ Hà Nội đến Yangon, Seoul, Busan và Siem Reap và một đường bay đến Kuala Lumpur vào tháng 9 tới. Một hãng hàng không giá rẻ khác là Jetstar Pacific Airlines cũng đã giới thiệu những chuyến bay trực tiếp giá cả phải chăng đến Osaka vào đầu năm nay.
Ông Mokretar nhận xét: “Hà Nội đã kết nối hơn rất nhiều so với 1 năm trước đó, sự khác biệt với năm 2016 thất ‘điên rồ’. Giá vẻ rẻ hơn gần 50%. Năm ngoái, chi phí bay giữa Đài Bắc và Hà Nội là khoảng 400 USD, nhưng sau khi VietJet mở tuyến bay trực tiếp và nó chỉ còn 150 USD.”
Giá cả tương đối phải chăng để tham dự một lễ hội ở Hà Nội so với Hồng Kông hay Tokyo cũng có tác động nhất định. Những tấm vé đến Quest chỉ có giá 57 USD cho 3 ngày cuối tuần so với mức giá 208 USD cho 3 ngày tham dự lễ hội Clockenflap hằng năm ở Hồng Kông.
Niềm đam mê âm nhạc
Nana Nguyễn, một phụ nữ 27 tuổi đã tham dự Quest trong 4 năm qua nói nó có tinh thần cởi mở và “tình yêu tự do” rất giống với những gì bạn có thể mong đợi tìm thấy ở các nhạc hội ở châu Âu hoặc châu Mỹ.
Nana nói với CNN: “Vị trí tổ chức lễ hội âm nhạc (nông thôn) có vẻ có chút bất tiện, nhưng ngay khi bạn ở đó hòa mình cùng thiên nhiên, bạn sẽ cảm thấy thật sự sảng khoái, thoải mái và tự do. Có thời gian nghỉ ngơi khỏi cuộc sống thành thị là một điều tốt. Tất cả chúng ta đều luôn làm việc mọi lúc, và ở đây bạn có thể cảm nhận được một khía cạnh khác của Hà Nội.”
Cô cũng cho rằng sự thành công của Quest cũng nhờ niềm đam mê và khao khát tìm hiểu âm nhạc mới ở Việt Nam.
Nana nhận xét: “Thế hệ này, họ thực sự yêu thích giải trí – hơn rất nhiều so với trước. Họ muốn trở nên hiện đại, đi theo tất cả các xu hướng thời trang và âm nhạc mới. Tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại thị trường âm nhạc ở Hà Nội đang thay đổi và cải thiện, nhưng mọi người vẫn tìm kiếm nhiều hơn nữa dù cho nó là nhạc sống hay nhiều nhạc hội hơn nữa. Mọi thứ đều được chào đón ở đây.”
K. Nguyễn