Chỉ 0,2% lao động phi chính thức được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Gần 98% lao động phi chính thức không có bảo hiểm
Theo thống kê, tỉ lệ lao động phi chính thức không có BHXH lên tới 97,9% và chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện.
Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có BHXH bắt buộc lại rất cao (80,5%). Trong nhóm này chỉ có 0,1% chủ cơ sở và 1,2% lao động gia đình có đóng BHXH bắt buộc, còn ở các vị thế việc làm khác tỷ lệ này gần như bằng 0.
Trong 21 nhóm ngành kinh tế, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu ở 3 nhóm ngành chính: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng.
Phần lớn lao động phi chính thức tập trung ở nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể. Tiền lương bình quân của những người này là 3,9 triệu đồng mỗi tháng, trong khi lao động có hợp đồng là 6,7 triệu đồng.
Hầu hết lao động phi chính thức không được đóng BHXH (Ảnh minh họa)
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và gia đình, điều này có thể do một số chủ cơ sở nhận thức được việc đóng BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi của bản thân cũng như cho những lao động có mối quan hệ thân thiết với chủ cơ sở.
Đáng chú ý, có đến 68% lao động phi chính thức làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể nhưng chỉ 3% hộ SXKD có đăng ký BHXH và hầu như chỉ có hộ SXKD ở khu vực chính thức tham gia. Điều này góp phần lý giải nguyên nhân tỷ lệ lao động phi chính thức ở Việt Nam được đóng BHXH là rất thấp.
Đến năm 2016 mới chỉ có 203,6 nghìn lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Những khó khăn trong việc mở rộng diện tham gia BHXH tự nguyện có nguyên nhân từ nhiều phía: Khả năng chi trả, thu nhập không ổn định và vấn đề nhận thức là những nguyên nhân chính dẫn đến lao động phi chính thức không tham gia chương trình BHXH tự nguyện. Khó khăn của lao động phi chính thức trong việc tiếp cận các dịch vụ BHXH do những rào cản về hành chính, đặc biệt là đối với lao động di cư và khả năng tiếp cận thông tin.
Loại hình BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động rất thiết thực đối với người lao động phi chính thức, do điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, mức độ rủi ro trong công việc cao hơn.Tuy nhiên, các chế độ này không có trong BHXH tự nguyện. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng giữa những người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện và do đó không khuyến khích được lao động phi chính thức tham gia.
Cần có giải pháp cụ thể
Việc đa số lao động phi chính thức và một bộ phận người lao động chính thức không tham gia BHXH đang đặt ra những hệ lụy rất lớn khi gặp rủi ro dẫn đến mất thu nhập, cũng như thách thức cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Theo bà Trịnh Thu Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số, lao động – việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), để giải quyết vấn đề này cần sớm bổ sung các chế độ của BHXH tự nguyện đầy đủ như BHXH bắt buộc gồm chế độ thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cùng với đó là việc giảm số năm đóng, tối thiểu là 15 năm cũng như xem xét theo nhóm tuổi và đặc thù nghề nghiệp, đặc biệt là trong một số nghề nặng nhọc, độc hại có thể số năm đóng ít hơn.
Cần sớm bổ sung các chế độ BHXH để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng sự bảo vệ đến nhóm đối tượng này.
Cụ thể, khi chuyển đổi khu vực phi chính thức thành khu vực chính thức cần có các chương trình hành động cụ thể, khuyến khích các hộ/cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh - kiểm tra, tăng cường chế tài đối với những hành động cố tình vi phạm các quy định hiện hành về ký hợp đồng lao động, thực hiện các quy định về an toàn lao động, đóng BHXH cho người lao động.
Minh Anh